40 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cũng là ngần ấy thời gian, các thầy, các cô đứng trên bục giảng gắn với lớp với trường. Kỷ niệm vui có, buồn có, hy vọng có nhưng vượt lên trên tất cả chính là lòng yêu nghề, yêu trò.
[links()]
40 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cũng là ngần ấy thời gian, các thầy, các cô đứng trên bục giảng gắn với lớp với trường. Kỷ niệm vui có, buồn có, hy vọng có nhưng vượt lên trên tất cả chính là lòng yêu nghề, yêu trò.
Ngày nay, học sinh các cấp ở tỉnh đã có điều kiện học tập tốt hơn, thuận tiện hơn. |
Lửa thử vàng
Nhớ lại những ngày đầu đi dạy năm 1975, các thầy cô giáo ngày ấy bây giờ đã tóc pha sương vẫn không thể nào quên cảnh lương 20đ, tháng 13kg gạo. Đường giao thông khó khăn, đi dạy học chủ yếu bằng xuồng ba lá hoặc đi bộ.
Đối với ông Phạm Văn Báo- Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long thì “nghề dạy học gắn liền với tôi và tôi thấy nó như việc mình phải làm chứ tôi chưa từng nghĩ tôi đã cống hiến gì hay làm được gì lớn lao”. Qua bao nhiêu năm nhìn lại, có mấy giáo viên vượt qua được thử thách cơm áo gạo tiền để đứng vững với nghề?
Ông Trần Hoàng Túy- Phó Chánh văn phòng Sở GD- ĐT Vĩnh Long vẫn không quên ngày đầu đi nhiệm sở ở vùng Bưng Sẩm: “Tôi là người thị xã, lúc đầu xuống quê còn bỡ ngỡ, được phụ trách dạy ở ấp Hiệp Thuận. Khổ thay! Đến Hòa Bình (Trà Ôn) hỏi thăm thì không ai biết Hiệp Thuận ở đâu hết. Buồn, mệt… tôi quá giang đại xuồng của người dân đi chợ về chứ thật sự cũng không biết đường. Đến Cầu Bò mới biết Hiệp Thuận là địa danh hành chính, có người bạn trên bờ nhìn thấy tôi la lên: “Túy ơi, Hiệp Thuận đây nè!” Tôi mừng “hết lớn”, xách va li lên bờ”. Vậy là, tôi gắn với bưng biền với những học sinh nghèo từ đó. Để rồi, lòng cứ đau đáu ước mơ “làm sao để học sinh trường làng cũng có điều kiện như học sinh trường chợ?”- ông Trần Hoàng Túy nói.
Ngày ông Trương Văn Cần- Chánh Thanh tra Sở GD- ĐT Vĩnh Long đi dạy thì người dân mới bắt đầu xây trường. Ngôi trường mái lá được bà con trong xóm dựng lên giữa bốn bề gió lộng, cứ mưa to gió lớn là sập rồi lại cất, cất rồi… mưa lại sập. Học sinh đi học, tập vở, bàn ghế đơn sơ, sách cũng thiếu: “Nhớ cái hôm làm trường thì trái mìn nổ, ai cũng sững sờ, tôi cũng thấy lo trong bụng. Mới đó đã 40 năm…”
Có những lúc khó khăn, giáo viên buộc phải chọn lựa giữa cái nghề cao quý và cuộc mưu sinh, nhiều người đã chuyển ngành, bỏ ngành hay tìm thêm nghề tay trái để làm. Thầy Tô Hồng Vân (TP Vĩnh Long) còn nhớ câu nói của cha “Khó quá con ơi, thôi về nhà làm ruộng với ba đi”. Nhưng, thầy vẫn bám và sống với nghề. “Chính tình yêu nghề, tình cảm với học trò, phụ huynh đã giữ chân tôi lại”- thầy Tô Hồng Vân nói.
Vì xã hội chung tay cho giáo dục
Gian khó đó, vất vả đó nhưng tại sao các thầy vẫn bám được với nghề? Chính tình người, tình thầy trò sự quan tâm và tình cảm chân thành nhất đã níu chân những người thầy ở lại.
Thầy Tô Hồng Vân nhớ tình cảm học trò hồn nhiên mà đôn hậu lắm: “Một ngày tôi dạy 2 lớp, sáng lớp 4 chiều lớp 2. Đang dạy lớp 2 thì có một học trò lớp 4 mới bị tôi phạt ban sáng đứng khoanh tay chờ. Thì ra, em chờ mời thầy về ăn đám giỗ! Chúng tôi cho các em sự quan tâm thực sự và được trả về tình yêu thương thật sự như vậy!”- thầy Tô Hồng Vân không giấu được xúc động.
Thầy Nguyễn Hồng Lĩnh (Trà Ôn) không quên những ngày dạy ở vùng Bưng Sẩm (Hòa Bình- Trà Ôn), học trò nghèo nhưng tình cảm và sự kính trọng thầy cô thì vô hạn: Nhà nào được nuôi thầy giáo là niềm tự hào, mời được thầy vào nhà là phải ngồi bàn giữa.
Thầy Trần Minh Hùng (Long Hồ) là giáo viên kháng chiến từ năm 1974. Thầy Hùng đến trường toàn lội bộ và nhiều phen phải lặn hụp để tránh đạn. Về Mỹ Lộc (Tam Bình) dạy sau những trận bom bừa, nhà cửa xác xơ. “Hôm tôi đến nhận nhiệm sở thì trời cũng tối, nước ngập lênh láng, tôi và 2 anh nữa được sắp xếp ngủ trên một chiếc giường. Sáng ra, tôi mới thấy người trong nhà đã kê ván ngủ tạm nhường chỗ cho chúng tôi”- thầy Minh Hùng cho biết. Những học sinh của thầy ngày đó cũng không đều tuổi nhau. Có em muốn bằng tuổi thầy giáo, có gia đình cả 3 anh em học chung một lớp. “Đến mùa cá cạn, học trò nghỉ nhiều và 3 anh em học chung lớp của tôi thì thay phiên nhau nghỉ học. Một hôm vào dạy đã gần 1 tiếng, thì có một em đứng trước lớp, bùn dính lên tới lỗ tai. Đợi mãi không thấy em vào học, tôi mới hỏi: Sao em không vào lớp mà còn đứng đó? Em đáp: “Em… em mang cá đến tặng thầy”. Lúc đó, tôi rất khó chịu nên rầy: “Tôi muốn em đi học chứ không phải đi bắt cá cho tôi đâu”. Em học trò ấp úng: “Dạ, hôm qua em thấy mấy thầy ăn cơm độn rau…” Nghe đến đây tôi thấy thương trò đến muốn rơi nước mắt”- thầy Hùng nghẹn giọng khi nhắc nhớ chuyện xưa.
Với các thầy, ngày mới giải phóng, đất nước còn lắm khó khăn nhưng toàn xã hội vẫn chăm lo cho giáo dục, nên dù lương ba cọc ba đồng thì vẫn thấy vui, thấy hạnh phúc mà gắn bó với nghề.
Dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã tổ chức buổi họp mặt và tôn vinh 33 nhà giáo đã có 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Các thầy cô không chỉ tận tụy với nghề mà còn không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, góp phần cho nâng cao chất lượng giáo dục. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin