Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo nhu cầu xã hội

04:04, 14/04/2015

Hàng năm, Vĩnh Long có khoảng 1.200 thanh niên nhập ngũ, và cũng khoảng đó hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi quân nhân còn được cấp một phiếu học nghề miễn phí.

[links(left)]

Hàng năm, Vĩnh Long có khoảng 1.200 thanh niên nhập ngũ, và cũng khoảng đó hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi quân nhân còn được cấp một phiếu học nghề miễn phí.

Để phát huy hiệu quả chính sách đào tạo nghề, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị đào tạo tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho quân nhân. Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề số 9 là nơi đào tạo nghề cho hơn 95% quân nhân xuất ngũ của tỉnh.

Hầu hết bộ đội xuất ngũ theo học tại Trường Cao đẳng Nghề số 9 đều tìm được việc làm ổn định.
Hầu hết bộ đội xuất ngũ theo học tại Trường Cao đẳng Nghề số 9 đều tìm được việc làm ổn định.

Cơ hội học nghề

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đa số quân nhân xuất ngũ đều mong muốn sớm tìm được việc làm để phát triển kinh tế, và đa số chọn con đường học nghề. “Nhiều người quan niệm chỉ học cao đẳng hay đại học mới có được việc làm tốt, nhưng đối với những người đã trải qua rèn luyện trong môi trường quân đội như chúng em thì học nghề mặc dù nặng nhọc vẫn có thể chấp nhận được nếu có việc làm ổn định. Hơn nữa là nhiều chính sách ưu tiên với bộ đội xuất ngũ nên em tin rằng học nghề là lựa chọn lý tưởng”- em Nguyễn Phan Công Minh (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn Công binh 25- Quân khu 9) nói. Minh còn cho biết thêm, trước hết sẽ đăng ký vào ngạch dự bị của địa phương, chấp hành việc điều động tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.

Còn binh nhất Lê Văn Đạt (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) thì cho biết sẽ đăng ký một khóa học nghề ngắn hạn, vừa gần gia đình lại sớm tìm được việc. Theo lý giải của Đạt, nếu tiếp tục theo học đại học thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ hội việc làm còn rất xa.

Anh Nguyễn Hoài Chơn- lớp Điện công nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề số 9) quan niệm, dù có học gì đi nữa thì cũng chính là để có việc làm ổn định nên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã chọn theo học nghề này vừa dễ kiếm được việc làm, lại cho thu nhập cũng không phải là thấp.

Đào tạo theo nhu cầu thị trường

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề số 9 là nơi tham gia học nghề của hơn 95% quân nhân xuất ngũ của tỉnh Vĩnh Long. Trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng chú ý cho học sinh rèn luyện nâng cao tay nghề để dễ dàng tìm việc làm. Trong đó, những ngành đang phù hợp và đáp ứng với nhu cầu của xã hội như: điện công nghiệp, điện lạnh, kỹ thuật lắp ráp máy tính, công nghệ ôtô… được nhiều người quan tâm tìm hiểu và đăng ký học, có một bộ phận không nhỏ là quân nhân
xuất ngũ.

Trường Cao đẳng Nghề số 9 được thành lập trên cơ sở Trường Trung cấp Nghề số 9. Đây là trường chuyên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc, vùng sâu, các đối tượng chính sách, người lao động trên địa bàn…

Theo Trung tá Lê Hùng Cường- Giám đốc Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm Trường Cao đẳng Nghề số 9, hiện trường đang đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Đối với những quân nhân xuất ngũ có phiếu học nghề, khi đến trường sẽ được trung tâm tư vấn về nghề nghiệp để có định hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp theo nhu cầu của thị trường. Quân nhân xuất ngũ khi tham gia học tập ở trường sẽ được thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định. Đồng thời, nhà trường cũng quan tâm tạo điều kiện về chỗ nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt, cũng như tư vấn giới thiệu việc làm sau đào tạo.

“Tất cả học sinh là bộ đội xuất ngũ được miễn học phí. Học cao đẳng và trung cấp thì các em được hỗ trợ thêm 1 nghề sơ cấp. Ngoài ra, còn được ưu tiên ký túc xá miễn phí, được đào tạo văn hóa đối với các em học trung cấp nghề 3 năm. Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thì các em được hỗ trợ thêm phần vay vốn ngân hàng, khi ra trường các em được hỗ trợ tìm việc”.

Học viên Phan Phương Đạt- lớp Điện công nghiệp phấn khởi: Nhờ những chính sách ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ nên những người có hoàn cảnh khó khăn như em mới có cơ hội thực hiện tiếp con đường học vấn. Tiền gia đình cho chỉ dùng vào việc chi tiêu cá nhân, còn những khoản khác đã được miễn, giảm nên những học viên như em rất an tâm.

Còn học viên Nguyễn Hoàng Anh- lớp Công nghệ ôtô cho biết thêm: Trong suốt quá trình học luôn được nhà trường cử cán bộ quản lý quan tâm sát sao. Ngoài được học một nghề chính, nhà trường còn hỗ trợ thêm một nghề phụ và tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao tay nghề, bảo đảm khi ra trường có việc làm ổn định.

Theo Trung tá Lê Hùng Cường, hàng năm có trên 70% học viên là bộ đội xuất ngũ của tỉnh Vĩnh Long ra trường tìm được việc làm, với thu nhập bình quân từ 3,8- 5 triệu đồng/tháng.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRẦN ĐƯỢC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh