Sống với nghề bằng cả yêu thương

08:01, 07/01/2015

Không đơn giản là có kiến thức, có kỹ năng,… các cô còn có cả tấm lòng yêu nghề và nhiệt huyết đến với trường, với lớp. Chúng tôi muốn nhắc đến 2 nhà giáo ưu tú năm 2014: cô Sơn Thị Ngọc Hiếu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An C (Bình Minh) và cô Lý Thị Lệ Kiều- giáo viên Trường Trung học cấp II- III Hòa Bình (Trà Ôn).

Không đơn giản là có kiến thức, có kỹ năng,… các cô còn có cả tấm lòng yêu nghề và nhiệt huyết đến với trường, với lớp. Chúng tôi muốn nhắc đến 2 nhà giáo ưu tú năm 2014: cô Sơn Thị Ngọc Hiếu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An C (Bình Minh) và cô Lý Thị Lệ Kiều- giáo viên Trường Trung học cấp II- III Hòa Bình (Trà Ôn).


Niềm vui của cô Lý Thị Lệ Kiều khi được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Cô Lý Thị Lệ Kiều với những kỷ niệm khó quên

Năm 1979, ra trường cô Kiều nhận quyết định về Trường THCS Hòa Bình- một trường thuộc vùng sâu của huyện Trà Ôn.
 
“7 giờ sáng, từ nhà ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đi bộ, quá giang xuồng nhiều lần, rồi “run rẩy” vượt qua nhiều cầu khỉ với mồ hôi nhễ nhại mới đến được trường Hòa Bình và lúc đó đã gần tan buổi học chiều”, đó chính là những kỷ niệm sâu sắc ngày đầu đi dạy mà cô Lệ Kiều đã hồi tưởng lại.

Môn Hóa học là môn học không dễ đối với học sinh (HS) vùng sâu Hòa Bình, nơi mà ngôi trường bằng tre lá, HS có vóc dáng, tuổi đời gần bằng cô giáo. Còn việc đi đến trường chủ yếu là xuồng ghe, nếu đi bộ thì phải băng đồng hay con đường nhiều bùn đất. Mùa nước nổi hầu như một hai em là có một chiếc xuồng. Bến sông lúc ấy cũng giống như nhà để xe bây giờ.

Và những năm tháng khó khăn thời bao cấp mà cô Kiều không thể nào quên: “Tôi cùng cô Lê Thị Mười (Hiệu trưởng ngày đó) chèo ghe đi mua nhu yếu phẩm ở tận huyện Trà Ôn- xa khoảng 16km.

Khởi hành từ 12 giờ khuya, đến 8 giờ tối mới về đến Hòa Bình. Khi nhận nhu yếu phẩm phải tự khuân vác, còn con heo thì chúng tôi người kéo, người đẩy mà nó cũng không chịu đi.

Sau đó, phải thuê người khiêng heo xuống ghe, chèo nước xuôi rồi nước ngược, người chèo phía sau và người cầm dầm bơi phụ phía trước. Cuối cùng khiêng được heo lên bờ thì nó đã chết hồi nào không hay”.

35 năm dạy học, vượt qua những khó khăn với những vui buồn trong nghề nghiệp và cuộc sống đã mang lại cho cô Kiều nhiều tình cảm từ học trò, đồng nghiệp, chính quyền địa phương.

14 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 12 năm liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhận danh hiệu Viên phấn vàng năm 2004 và nhiều bằng khen của tỉnh,… đã là nền tảng vững chắc để Nhà giáo Ưu tú Lý Thị Lệ Kiều được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba.

Cô Sơn Thị Ngọc Hiếu- quyết không để HS bỏ học

Tốt nghiệp THPT năm 1983, đậu và học một năm đại học nhưng do gia đình khó khăn, cô Sơn Thị Ngọc Hiếu nghỉ học đi làm phụ gia đình nuôi anh và em đi học. Đến khi anh và em cô Hiếu hoàn thành việc học thì cô mới tiếp tục thực hiện ước mơ theo tâm nguyện của cha mình. “Trước khi ba tôi mất, luôn mong muốn tôi tiếp tục việc học để làm giáo viên”.

Hẳn là vì vậy, cô Hiếu càng yêu học trò có hoàn cảnh khó khăn hơn và quyết tâm không để các em bỏ học vì nghèo khó. Những HS diện hoàn cảnh khó khăn được cô nhận về nhà nuôi, dạy và chăm sóc suốt thời gian chuẩn bị thi.

Nhờ vậy, suốt 14 năm cô đứng lớp, chưa có một HS nào bỏ học. Cô Hiếu nói: “Gia đình tôi cũng rất khó khăn, ngoài đi dạy còn thuê đất trồng rẫy kiếm thêm thu nhập nhưng vợ chồng đồng lòng, thấy các em khó khăn không bỏ được”.


Cô Sơn Thị Ngọc Hiếu trong giờ giáo dục kiến thức sức khỏe cho HS.

Sau 27 năm dạy học, cô Sơn Thị Ngọc Hiếu được nhận nhiều sự trìu mến, tin yêu, kính trọng từ HS, giáo viên trong trường và cả phụ huynh. Cô Hiếu cười: “Làm giáo viên phải có cái tâm, làm lãnh đạo phải có cái tầm.
 
Tầm nhìn để phát hiện và bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi”. Bằng bản lĩnh và sự năng động của mình, cô đã giúp Trường Tiểu học Đông Bình A (TX Bình Minh) trước đây luôn nằm trong top yếu thi đua vươn lên, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Sau khi cô về Trường Tiểu học Thuận An C công tác, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Với cô Hiếu: “Tình đoàn kết, sự tương thân tương ái của các giáo viên trong trường đã tạo nên sức mạnh tập thể”.

Cô Nguyễn Thúy Thanh- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An C nói về đồng nghiệp của mình:

“Cô Hiếu là người có nhiều ý tưởng sáng tạo, tận tâm với công việc và có những chỉ đạo rất xác thực. Trước đây, nhiều giáo viên trong trường mù tin học, nay ai cũng có thể áp dụng tin học trong giảng dạy cũng nhờ cô. Ngoài ra, cô cũng luôn lắng nghe và quan tâm đến đời sống tinh thần của giáo viên”.

Năm 2014, Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 680 giáo viên trên toàn quốc, trong đó tỉnh Vĩnh Long có 7 giáo viên.

Theo đó 7 giáo viên được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú gồm:

bà Trương Thùy An- Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Hậu (Long Hồ); bà Tạ Tuyết Anh- giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn A (TX Bình Minh); Tiến sĩ Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long;

bà Nguyễn Thị Thu Hương- giáo viên Trường THCS thị trấn Tam Bình; bà Sơn Thị Ngọc Hiếu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận An C (TX Bình Minh); bà Lý Thị Lệ Kiều- giáo viên Trường Trung học cấp 2- 3 Hòa Bình (Trà Ôn) và ông Lê Văn Thiểu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vũng Liêm

Bài, ảnh: HOÀNG TÚY- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh