Thí sinh hưởng lợi từ kỳ thi THPT quốc gia

02:12, 26/12/2014

Không phải đi thi quá xa, số lượng bài thi giảm, được hỗ trợ những thông tin rất hữu ích từ phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT…, đó là những cái lợi có thể nhìn thấy của thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Không phải đi thi quá xa, số lượng bài thi giảm, được hỗ trợ những thông tin rất hữu ích từ phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT…, đó là những cái lợi có thể nhìn thấy của thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Những nội dung này được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.

Thí sinh sẽ không phải đi thi quá xa

Một trong những nội dung các thí sinh và gia đình hết sức quan tâm là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới, các em sẽ dự thi tại những cụm thi như thế nào, việc đi lại ăn ở ra sao, có thực sự thuận tiện hay không? Mong ông chia sẻ.

Ông Mai Văn Trinh

- Ở các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây chúng ta đã tổ chức các cụm thi liên tỉnh ở Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ; và từ năm 2012, tiếp tục mở cụm thi ở Hải Phòng.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức các cụm thi như vậy tạo thuận lợi cho thí sinh và đã được dư luận đánh giá cao.

Trên cơ sở đó, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tổ chức thành các cụm thi, mỗi cụm thi như vậy sẽ tổ chức thi cho các thí sinh ít nhất từ 2 tỉnh và sẽ giao cho các trường ĐH chủ trì tất cả các khâu, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi.

Với các tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, thì Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để tổ chức cụm thi tại tỉnh dành cho những thí sinh dự thi kỳ thi này chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Những cụm thi này cũng do các trường ĐH chủ trì.

Một điểm cần nhấn mạnh là, kể cả các cụm thi liên tỉnh, các cụm thi tỉnh đều được tổ chức trong khuôn khổ của cùng một quy chế, cùng một quy trình, đều do các trường ĐH chủ trì.

Việc làm này nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi, cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với các cơ sở giáo dục ĐH dự kiến tổ chức cụm thi, làm việc với các Sở GD&ĐT, các địa phương để trên cơ sở đó hoạch định các cụm thi sao cho thuận lợi nhất với thí sinh, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, hướng tới sự thành công cho kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên.

Có thể nói, việc xác lập các cụm thi là nhằm mục đích hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Chắc chắn, trong kỳ thi tới, thí sinh sẽ đi dự thi THPT Quốc gia với quãng đường ngắn hơn.

Đề thi sẽ có câu hỏi từ mức độ cơ bản đến khó

Đề thi luôn là nội dung được thí sinh và toàn xã hội dành sự quan tâm lớn nhất. Ông có thể bật mí đôi chút một số thông tin liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới?

- Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có những đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường, và đặc biệt là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Trên cơ sở thành công đó, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ tương tự như đề thi của tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.

Cụ thể là, sẽ tăng cường các câu hỏi mở, các câu hỏi ở dạng vận dụng kiến thức, hướng tới đánh giá năng lực thí sinh; không yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ máy móc các số liệu và sự kiện hoặc làm theo các bài có mẫu.

Trước đây, thông thường thí sinh sẽ dự thi ít nhất 4 bài tốt nghiệp và 3 bài thi ĐH, em nào thi 2 lần ĐH sẽ cộng thêm 3 bài nữa là 10 bài. Em nào cả thi CĐ nữa sẽ là 13 bài.

Nhưng năm nay, để tốt nghiệp THPT, các thí sinh sẽ thi 4 bài và phổ biến các em sẽ thi 5 hoặc 6 bài, cá biệt có em thi 8 bài.

Như vậy, số bài thi các em làm sẽ ít hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Vì thế học sinh sẽ được giảm áp lực và chi phí cũng sẽ giảm khá nhiều.

Ông Mai Văn Trinh

Mức độ khó dễ của đề thi sẽ được lồng ghép như thế nào để đáp ứng được 2 yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để xét tuyển vào trường ĐH, CĐ thưa ông?

Có thể nói, để đạt được mục tiêu kép là vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng trong tuyển sinh thì đề thi phải bảo đảm mức độ phân hóa cao; đồng thời nội dung phải đáp ứng các yêu cầu nhận thức từ thấp đến cao.

Cụ thể là, đề thi sẽ có câu hỏi ở mức độ cơ bản. Thí sinh chỉ cần làm những câu hỏi này là đủ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT. Đồng thời, sẽ có những câu hỏi nâng cao dần để phân hóa trình độ của thí sinh, trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đợt trao đổi, hướng tới việc thiết kế cho hình hài của đề thi này, và đây hoàn toàn nằm trong kế hoạch và sự chủ động của Bộ GD&ĐT.

Phần mềm tiện ích hỗ trợ thí sinh xét tuyển vào ĐH

Trước những đổi mới của kỳ thi THPT Quốc gia, ông có lời khuyên nào cho thí sinh, giúp các em vững vàng tâm thế hoàn thành tốt nhất kỳ thi sắp tới?

- Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó lấy khâu thi cử làm khâu đột phá.

Như vậy, định hướng của chúng ta là mới nhưng về nội dung, cách thức thì căn bản vẫn như hiện nay nên các em học sinh yên tâm học tập; đã lựa chọn những môn thi, khối thi nào đã định hình từ THPT, tiếp tục theo đuổi sự đam mê và lựa chọn của mình.

Nhưng lưu ý, các em cần học tập đồng đều các môn để đảm bảo yêu cầu tối thiểu bậc THPT để bảo đảm điều kiện tốt nghiệp. Trên cơ sở chuẩn bị được những nền tảng cơ bản ấy, các em tập trung thêm vào những môn là năng lực sở trường của mình theo định hướng tuyển sinh ĐH.

Vậy, sau khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia, việc tiếp theo, các thí sinh sẽ phải làm những gì nếu muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ?

- Năm nay, việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ hướng tới đảm bảo quyền lợi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Sau khi có kết quả thi, có kết quả xét tốt nghiệp THPT, sẽ bắt đầu tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình, căn cứ vào dữ liệu mà phần mềm trong toàn hệ thống sẽ công bố các mức điểm của toàn quốc để trên cơ sở đó định “cỡ”, nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường phù hợp nguyện vọng và kết quả thi.

Trong quá trình thực hiện như vậy, sẽ tăng cường sự hỗ trợ của CNTT, thường xuyên cập nhật tình hình nộp hồ sơ xét tuyển của các trường để thí sinh có thể lựa chọn, cân nhắc, thay đổi trong phạm vi cho phép.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng phần mềm quản lý tuyển sinh. Phần mềm ấy sẽ quản lý tất cả các khâu của quá trình thi, trong đó có việc hỗ trợ xét tuyển.

Phần mềm sẽ cập nhật thường xuyên tình hình xét tuyển của các trường, và trong quy chế cũng sẽ quy định là trong quá trình xét tuyển, các cơ sở giáo dục ĐH phải cập nhật thường xuyên tình hình xét tuyển qua trang điện tử của nhà trường để thí sinh biết và thực hiện.

Phần mềm này sẽ cài đặt chạy trên Internet nên thí sinh hoàn toàn có thể truy cập bằng các phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh.

Tất nhiên là các em sẽ được truy cập trong phạm vi mà mình được quyền sử dụng và phần mềm sẽ bảo đảm sự an toàn tuyệt đối của kỳ thi. Do đó, về an toàn dữ liệu, phân quyền sẽ được phần mềm xử lý về mặt kỹ thuật.

Các trường ĐH đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Về phía các trường ĐH, tâm thế sẽ đón nhận sẽ đón nhận kết quả của kỳ thi THPT quốc gia như thế nào, thưa ông?

Luật Giáo dục ĐH đã chỉ rõ, các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh và tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Cho đến nay, sau khi phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được công bố, tất cả các trường ĐH, CĐ đều đã gửi về Bộ GD&ĐT phương án tuyển sinh năm 2015 của mình.

Trong đó, chỉ riêng ĐHQG Hà Nội là thí điểm tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực. Còn tất cả các trường còn lại đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

Trong đó, phần lớn các trường chỉ dựa hẳn vào kỳ thi này để tuyển sinh. Khoảng 40% các trường ĐH, CĐ còn lại sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tuyển sinh đồng thời là tuyển sinh theo đề án riêng.

Như vậy, có thể nói, việc các trường ĐH, CĐ đều lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh là câu trả lời cho sự mong đợi của các cơ sở giáo dục ĐH đối với kỳ thi này.

Với khâu tuyển sinh vào ĐH, CĐ, đâu sẽ là những giải pháp để Bộ GD&ĐT có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào. Bởi vì khi giao quyền sinh sát vào tay các trường ĐH, CĐ, liệu có thể làm chủ được sự khách quan và chính xác hay không?

- Có thể nói, công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ yêu cầu chất lượng đầu vào luôn phải được đặt ra. Trong kỳ thi THPT quốc gia có nhiều giải pháp.

Thứ nhất, để hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong tuyển sinh với yêu cầu phân hóa học sinh ngày càng cao thì dự kiến trong kỳ thi THPT quốc gia, điểm bài thi sẽ được chấm theo thang 20 điểm.

Thứ hai, sau khi có kết quả thi, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh trong phạm vi cả nước; căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và căn cứ vào các đối tượng ưu tiên, Bộ GD&ĐT sẽ xác định các ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào làm căn cứ tuyển sinh và trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng cho mình phương án để xét tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường khâu hậu kiểm trong việc xét tuyển này và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong xét tuyển.

Xin cảm ơn ông!

Theo GD&TĐ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh