Năm học 2014- 2015: nhiều đổi mới

07:12, 31/12/2014

Năm học 2014- 2015 chứng kiến ngành GD- ĐT đang có nhiều thay đổi nhằm từng bước nâng cao chất lượng trong việc giảng dạy, học tập. Đây cũng là những bước đi đầu tiên trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT mà ngành đang hướng đến…

Năm học 2014- 2015 chứng kiến ngành GD- ĐT đang có nhiều thay đổi nhằm từng bước nâng cao chất lượng trong việc giảng dạy, học tập. Đây cũng là những bước đi đầu tiên trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT mà ngành đang hướng đến…


Phương án kỳ thi quốc gia năm nay được đánh giá cao vì giảm áp lực cho các thí sinh, cơ hội vào ĐH rộng hơn.

“Liều thuốc” mạnh cho giáo dục tiểu học

Bắt đầu từ ngày 15/10/2014, quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học của Bộ GD- ĐT chính thức được áp dụng. Theo Bộ GD- ĐT, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh (HS), coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện. Việc đánh giá ngoài giáo viên còn có cha mẹ HS, không nhận xét so sánh HS này với HS khác gây áp lực cho cả HS và phụ huynh…

Việc đánh giá thường xuyên sẽ giúp HS biết mình đã đạt được hoặc chưa đạt những gì, cùng các biện pháp cụ thể của giáo viên giúp HS vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, mỗi HS sẽ dần hình thành và phát triển các hành vi như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động; kỷ cương, đoàn kết;…

Cũng bậc tiểu học, Bộ GD- ĐT cũng đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Đối với HS học 2 buổi/ngày, giáo viên chỉ hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà; khuyến khích tổ chức cho HS để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. HS học 1 buổi/ngày thì chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.

Ngoài ra, Bộ GD- ĐT cũng yêu cầu không tổ chức thi HS giỏi đối với HS tiểu học; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6… Theo thầy Huỳnh Chí Dũng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, điều này cùng với quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên là một bước đổi mới rất cần thiết cho giáo dục tiểu học.

Đây có thể xem là “liều thuốc” đúng lúc, đúng “chỗ đau” mà giáo dục tiểu học nhiều năm mắc phải- bệnh thành tích. “Không dùng điểm số tức là HS không bị đem ra so sánh, không chạy theo điểm số mà phụ huynh cho các trẻ đi học thêm. Từ đó, áp lực sẽ giảm rất nhiều, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Ngay cả phụ huynh cũng không chịu áp lực khi con mình không phải thua kém bé này, trẻ kia…”- thầy Dũng chia sẻ.

Đến trung học, kỳ thi quốc gia…

Năm học 2014- 2015, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục;…

Qua đó, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề thực tiễn…

Thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho biết việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ rèn luyện 4 kỹ năng: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và tận dụng nâng cao.

Để làm được điều này, yêu cầu giáo viên ra đề phải đáp ứng được các kỹ năng trên, vận dụng và tận dụng nâng cao sẽ giúp các em bớt buồn chán. “Giáo viên phải là một người học trò suốt đời, liên tục cập nhật kiến thức kết hợp với bản lĩnh để dạy và thu hút các em…”

Trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS sẽ phối hợp nhiều hình thức khác nhau như: Kết hợp đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau giữa HS; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá sẽ là điều kiện để thay đổi tư duy học như hiện nay. Điều này sẽ cung cấp cho HS kiến thức mở, giúp phát triển năng lực HS chứ không mang tính hàn lâm, tránh tình trạng học vẹt, học thuộc lòng. Đây cũng là tinh thần mà Bộ GD- ĐT hướng đến.

Một thay đổi lớn nữa là việc Bộ GD- ĐT chính thức ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Bộ cũng “nới” quy định môn thi khi thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá cao vì giảm áp lực cho các thí sinh, các em không phải thi nhiều kỳ thi như trước đây. Từ đó, sẽ tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức. Qua đó, với thay đổi này, nhiều trường THPT cũng cho rằng kỳ thi quốc gia sẽ mở đường cho HS vào ĐH rộng hơn…

Nhiều ý kiến đánh giá năm 2014 có hàng loạt điểm mới, thay đổi trong giáo dục cho thấy ngành GD-ĐT đang quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện. Từng bước hạn chế các tiêu cực trong môi trường giáo dục.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long: Năm học mới 2014- 2015 bắt đầu triển khai trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW, đây cũng là cơ hội cho giáo dục Vĩnh Long thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Công tác chuẩn bị và nhiệm vụ mới ở các bậc học: mầm non, tiểu học, trung học đã được triển khai cụ thể…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh