
Mỗi thí sinh đăng ký sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt.
Mỗi thí sinh đăng ký sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt.
Đó là chia sẻ của Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khi thông tin về Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Đồng nghĩa với việc mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Do đó, chúng ta không lo thí sinh dùng giấy xét tuyển của đợt này để đăng ký xét tuyển đợt khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, ngay sau khi có kết quả xét tuyển THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường ĐH, CĐ công bố điều kiện xét tuyển. Dù lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 để tuyển sinh hay tuyển sinh riêng thì các trường vẫn phải chỉ ra các ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hiện nay, quy mô các trường ĐH, CĐ chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu học tập của tất cả học sinh THPT, nên chúng ta phải có chọn lựa. Do đó, phải có tiêu chí bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 đối với trường ĐH và 15/11 hàng năm đối với trường CĐ.
Giải thích vì sao Dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay thay đổi mức điểm liệt là 2 điểm, mức điểm ưu tiên tối đa nâng lên 8, ông Mai Văn Trinh cho hay, chính vì mở rộng thang điểm 20. Năm ngoái thang điểm 10 chúng ta quy định mỗi môn thi phải đạt trên 1 điểm mới được xét tốt nghiệp, thì năm nay, với thang điểm 20, chúng ta nhân đôi lên thành 2 điểm. Tương tự, mức điểm ưu tiên năm ngoái tối đa là 4 điểm thì năm nhân đôi thành 8 điểm.
Ngoài ra, ông Mai Văn Trinh chia sẻ thêm từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh; Số lượng bài thi nhiều hơn thì nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi.
Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ). Nay các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi.
Hay những năm trước, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn. Thì năm nay, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình. Dự kiến cả nước có 34 cụm thi.
“Kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW” – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh./.
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin