Vắng như... thư viện

06:11, 26/11/2014

Thư viện ngày một vắng. Công chức, viên chức,… đặc biệt sinh viên ngày càng ít tìm sách để nghiên cứu.


Ít bạn trẻ đến thư viện để đọc sách, mà chủ yếu là lướt web.

Thư viện ngày một vắng. Công chức, viên chức,… đặc biệt sinh viên ngày càng ít tìm sách để nghiên cứu.

Không đi thư viện

Bà Đỗ Thị Thạch- Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long cho biết: Lượng bạn đọc đến thư viện mấy năm gần đây giảm rất nhiều so với khoảng chục năm trước. Tuy nhiên, số lượt truy cập mạng lại tăng lên, do nhu cầu độc giả trên mạng tăng. Chú bảo vệ cũng cười cho biết: “Mỗi ngày giữ có mấy chiếc xe hà, đủ uống ly cà phê”.

Lê Thị Cẩm Nhung- cựu sinh viên Trường Đại học Cửu Long cho biết: “Tôi chưa từng đến thư viện trường hoặc đến thư viện thành phố mượn sách”. Khi hỏi Nhung, bạn còn không nhớ rõ thư viện trường nằm ở đâu.

Nhung cho rằng: “Đọc sách thích hợp với mấy bạn học văn hơn, chứ học tài chính ngân hàng như tôi không cần (!?) Những gì cần biết, tôi thường lên mạng tìm là được”.

Rất nhiều sinh viên ở các trường đều lắc đầu khi được hỏi “có từng vào thư viện chưa?” Đa số các bạn cho rằng đọc sách mất thời gian. Những tài liệu cần trên mạng đều có, không cần phải tìm thêm nữa.

Sinh viên ít đến thư viện, cũng bởi vì “cái gì không biết thì tra google”, chỉ với cái laptop, máy tính ở gia đình muốn tra cứu gì cũng có, đỡ tốn thời gian mà lại rất nhanh.

Đi thư viện… không đọc sách

Bạn Ngô Minh Mẫn (Phường 2- TP Vĩnh Long) vừa cười vừa gỡ tai nghe: “Tôi làm thẻ thư viện để lên mạng nghe nhạc, lướt web đọc tin tức và lên face thôi, chứ chưa từng mượn sách về nhà đọc”.

Cũng như Mẫn, sinh viên Bạch Hoài Thương- Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Em làm thẻ để mượn máy lướt web, giải trí và đôi lúc làm bài báo cáo”. Ngồi bên cạnh Thương, Bạch Ngọc Đức cũng bảo tới thư viện chỉ để “lên mạng”.

Một cán bộ thư viện cho biết: Thông thường, những người đọc sách tại chỗ hay mượn về là những cô chú về hưu, chứ bạn trẻ thường hiếm hơn.

Bạn Võ Thị Hoa Phụng- ngành giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, cho biết: “Em có làm thẻ thư viện từ năm nhất nhưng ít khi em đi thư viện lắm, khi nào cần tài liệu gì thêm em mới đi”. Khi được hỏi lần đi thư viện cuối cùng cách đây bao lâu thì Phụng chỉ cười vì không nhớ nỗi, trong khi “lớp em cũng có mấy bạn làm thẻ thư viện hà”.

Bà Đỗ Thị Thạch- Giám đốc thư viện tỉnh, nói: “Kiến thức ở trên mạng thì nhiều nhưng không phải em nào cũng biết cách chọn lọc cho mình những thông tin đúng và chính xác”.

Thế nên, việc đọc sách và đi đến thư viện của sinh viên là cần thiết vì nguồn gốc thông tin trong sách chính thống và chính xác hơn. Thiết nghĩ, các ngành học cần khơi cho sinh viên tìm tòi học hỏi nhiều hơn để sinh viên đến với thư viện. Sách là nguồn kiến thức lớn, ở các nước tiên tiến, dù công nghệ phát triển mỗi người vẫn dành thời gian hàng ngày cho việc đọc sách.

Truy cập mạng “lấn át” đọc sách, báo

Trong 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh phục vụ hơn 546.000 lượt bạn đọc với hơn 804.000 lượt sách. Có khoảng 203.000 lượt bạn đọc sử dụng tài liệu. Trong đó, truy cập mạng “lấn át” hoàn toàn với 187.000 lượt; 11.000 lượt bạn đọc sử dụng máy tính thư viện; còn đọc sách, báo tại chỗ chỉ khoảng 5.000 lượt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh