“Học” phải đi đôi với “hành”

08:11, 05/11/2014

Đào tạo được sinh viên (SV) có kiến thức, có tay nghề vững chắc, đáp ứng nhu cầu xã hội là việc các trường cần làm. Qua đó, cũng khẳng định tên tuổi, uy tín của nhà trường. Nắm được điều này, hiện nay nhiều trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho SV học đi đôi với hành.

Đào tạo được sinh viên (SV) có kiến thức, có tay nghề vững chắc, đáp ứng nhu cầu xã hội là việc các trường cần làm. Qua đó, cũng khẳng định tên tuổi, uy tín của nhà trường. Nắm được điều này, hiện nay nhiều trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho SV học đi đôi với hành.


SV Trường CĐ Kinh tế- Tài chính thi “Thử tài kế toán”.

Ngành nào cũng cần thực hành

Nhiều sáng sớm, người đi đường đã thấy một nhóm SV ngồi viết viết vẽ vẽ bên hàng rào Kho bạc Nhà nước tỉnh (Phường 1- TP Vĩnh Long). Ai nhìn cũng tưởng các bạn học ngành kiến trúc nhưng thật ra các bạn là những SV liên thông lên ĐH Đồng Tháp là ngành Sư phạm mỹ thuật.

Lúc đầu, thầy Lê Mạnh Hà- giảng viên dạy môn Ký họa, dẫn nhóm đi thực tập cho biết: “Thực hành là rất cần thiết cho môn này và không chỉ có vẽ ở trong phòng, tôi muốn các em có cái nhìn tổng thể và sinh động hơn khi vẽ thực tế cuộc sống”.

Rồi thầy chỉ vào những bức tranh mà các SV đang vẽ, nói: “Cùng là một cảnh nhưng mỗi SV đều có cách vẽ khác nhau, bởi mỗi người đều thể hiện nét nhìn riêng của mình”. Nói về ngành sư phạm mỹ thuật có cần thực hành ngoài trời không, khi mà chương trình dạy không đòi hỏi nhiều như thế. Thầy Hà cười: “Đã là thầy thì phải giỏi, phải biết nhiều chứ”!

Mỗi ngày, trong các nhà xưởng của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long vẫn còn sáng đèn đến tận 18 giờ.

Em Nguyễn Quốc Vinh- SV năm nhất ngành điện tử công nghiệp tỏ ra hứng thú nói: “Ngay từ những ngày đầu năm, em đã được học thực hành rồi. Học thực hành vui vì được làm và được biết nhiều nên dù học 5- 6 tiếng cũng không chán. Học phải có thực hành thì SV mới dễ tiếp nhận và việc học không còn là lý thuyết suông mà sinh động và hấp dẫn hơn.

Bồi đắp kỹ năng

Những kỹ năng mềm, kỹ năng sinh hoạt đội nhóm,… cũng được các trường đưa vào thường xuyên cho SV nâng cao khả năng. Các sân chơi như: sinh viên tập làm kinh doanh, SV chinh phục nhà tuyển dụng,… Hay các hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện,… cũng góp phần không nhỏ bồi đắp những kỹ năng cho SV.

Tiếng Anh là một phần rất quan trọng của SV nếu muốn có việc làm ổn định. Nắm được điều này, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long đã cho tất cả giảng viên đi học để đạt chuẩn giảng dạy. TS. Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng trường cho rằng: Giáo viên phải đủ chuẩn thì mới dạy SV tốt được, vì thế trường chúng tôi đầu tư khâu này rất kỹ.


SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trong buổi thực hành.

Bà Trang Thị Kim Mai- Giám đốc Công ty TNHH Phúc Vinh cho rằng: “Cái mà các bạn SV thường yếu là sự tự tin. Thử hỏi các bạn không tự tin cầm hồ sơ của mình đi nộp trực tiếp tại công ty mà phải nhờ người khác đi nộp thì làm sao chúng tôi có thể tin bạn được?”

SV Lê Hồng Nhung- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đã trở nên mạnh mẽ và năng động hơn gấp nhiều lần khi tham gia “Hành trình đỏ- Kết nối dòng máu Việt”. Hành trình không chỉ dạy cho Nhung biết sống hòa đồng hơn mà còn dạy cho em cách thuyết phục sự tự tin và bản lĩnh trong công việc.

Chuyện bồi dưỡng Anh văn, vi tính và các kỹ năng mềm là không thể thiếu cho SV thời hội nhập. Có thể nói, việc làm không dễ tìm trong lúc kinh tế khó khăn nhưng việc làm không thiếu cho những người thật sự có năng lực.

Ngày 1/11/2014, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long tổ chức cuộc thi “Thử tài kế toán” lần 1/2014. Có 166 thí sinh (TS) là học sinh, SV đang học ngành kế toán từ năm thứ 2 trở lên tham gia hội thi.

166 TS qua vòng sơ khảo chọn ra 30 TS dự vòng chung kết. Ở vòng chung kết, TS qua 3 phần thi: đọ sức, bứt phá, và bản lĩnh. Kết quả giải nhất thuộc về TS Tạ Kiều Tiên- ngành kế toán doanh nghiệp 3.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh