Giỏi nghề với cái “tâm” nhà giáo

08:11, 19/11/2014

17 tuổi, cô An đã là giáo viên mầm non và đến nay cô đã có 37 năm gắn bó với ngành giáo dục. Trong đó, có 10 năm giảng dạy và 27 năm lãnh đạo. Cô An cười: “Tôi gắn bó với ngôi trường này như ngôi nhà thứ hai của mình”.

Yêu trường, mến lớp, xem học trò như con- chúng tôi muốn nói đến cô Trương Thùy An- Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Hậu và cô Đặng Thị Thúy Diễm- giáo viên Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa người vừa đạt danh hiệu Viên phấn vàng.

Cô Trương Thùy An: Yêu trẻ mới gắn được với nghề


Cô Trương Thùy An (phải) chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên trẻ.

17 tuổi, cô An đã là giáo viên mầm non và đến nay cô đã có 37 năm gắn bó với ngành giáo dục. Trong đó, có 10 năm giảng dạy và 27 năm lãnh đạo. Cô An cười: “Tôi gắn bó với ngôi trường này như ngôi nhà thứ hai của mình”.

Cô Thùy An nhớ lại những ngày trường tre lá tạm bợ, học sinh đi học gặp rất nhiều khó khăn, dụng cụ học tập không có. Cô nói: “Trường hiện nay có 7 điểm cũng không khang trang gì nhưng đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều, đầy đủ dụng cụ học tập, có mái che”. Phần lớn kinh phí sửa chữa nâng cấp đều được cô vận động xã hội hóa, cô An cười: “Có năm, cô vận động được Việt kiều lên tới hơn 100 triệu đồng đó”.

Nghề giáo, mà đặc biệt là cô giáo mầm non cần có sự kiên trì, nhẫn nại và phải biết kiềm chế, hiểu được điều này cô luôn nhắc nhở động viên giáo viên dạy và yêu trẻ bằng cả tấm lòng, phải xem học trò như con mình, chăm sóc con mình làm sao thì chăm học trò như thế ấy.

Phải đến tận nơi, nhìn cảnh học trò quấy phá, một số em khóc thét lên khi cha mẹ đi về,… mới hiểu hết cái khổ của cô giáo mầm non. Thế nhưng cô Thùy An không chỉ yêu nghề mà còn là giáo viên dạy giỏi, lãnh đạo giỏi nhiều năm liền.

Cô An cười: “Thành tích của tôi là thành tích của tập thể, là của chung mọi người. Một tập thể biết đồng lòng, mới phát huy được sức mạnh”. Với cô An, người lãnh đạo phải là người biết phát hiện và bồi dưỡng những tài năng xung quanh mình. Đến nay, 100% giáo viên trong trường có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm hơn 70%, nhiều giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh.

Nhà giáo ưu tú này vẫn không nguôi mong ước ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, cô An nói: “Trường đã đủ các tiêu chí, duy chỉ có cơ sở vật chất là không đáp ứng được, vì diện tích nhỏ hẹp, phòng học chật chội không đủ để các em học bán trú 100%”.

Cô An và tập thể nhà trường với lòng yêu nghề, mến trẻ không chỉ muốn trường đạt chuẩn để chất lượng giáo dục cũng ngày được nâng lên. Bởi, trường mầm non chính là những bước đầu tiên để dạy bé làm người.

Cô Đặng Thị Thúy Diễm: Ước mơ ngày xưa là làm cô giáo

Xuất thân từ gia đình có truyền thống nhà giáo, cô Đặng Thị Thúy Diễm- Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa từ nhỏ đã luôn có mơ ước được giống như cha mình, ngày ngày lên lớp để dạy chữ cho các trẻ. Cô kể: “Hồi đó, nhà ở xã Hậu Lộc (Tam Bình).
 
Kế bên nhà là trường học nên hàng ngày nghe các em cứ ê a đọc chữ. Nhà có sẵn tấm bảng dạy của cha nên mình bắt chước chơi trò làm cô giáo, dạy các em nhỏ hơn trong xóm. Rồi quyết tâm theo nghiệp cha, trở thành một cô giáo…”


Luôn dành tình thương đối với học trò là động lực để cô Diễm phấn đấu trong nghề mình đã chọn.

Sau 21 năm đứng trên bục giảng, cô Diễm bồi hồi nhớ lại những ngày đầu khi mới ra trường, được phân công giảng dạy chương trình thực nghiệm tại Trường Tiểu học Hùng Vương. Những ngày khó khăn vì đồng lương ít ỏi cũng không ngăn được lòng nhiệt huyết của một cô giáo trẻ, đầy tình thương với các em học sinh thân yêu.

Sau đó, cô được phân công về dạy Trường Bán trú Phường 4, nay là Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa. Cô Diễm tiếp tục phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp tiểu học từ năm 2008 đến nay. Năm học 2013- 2014, cô Diễm được vinh dự nhận danh hiệu Viên phấn vàng.

Với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô Diễm bộc bạch: “Học sinh tiểu học vốn rất ngây thơ, hồn nhiên. Các em luôn thể hiện niềm vui nỗi buồn với cô giáo. Là một giáo viên, nên xem các em như con cháu của mình để cùng lắng nghe, luôn hiểu các em. Đôi lúc có quá nhiều áp lực trong công việc, nhưng ngắm nhìn các em vui chơi, học tốt là mình không còn cảm thấy mệt mỏi nữa…”

Với công tác chuyên môn vững vàng, nhiều học sinh của cô giáo Diễm đã đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi các cấp ở nhiều môn như: Tiếng Anh, Toán, Mỹ thuật hay hội thi Đình,…

Cô cho biết, bản thân là khối trưởng nên luôn ý thức trách nhiệm, nhất là đối với công tác chuyên môn. Qua đó, 100% giáo viên trong tổ đều đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, để được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú phải có ít nhất 1 sáng kiến, cải tiến, giải pháp; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong việc nuôi dạy các cháu được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên. Giúp đỡ, bồi dưỡng được ít nhất 2 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi của trường và ít nhất 1 lần được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh