Sau gần 1 tháng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD- ĐT về việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét thay điểm số đối với học sinh (HS) tiểu học, nhiều trường cho biết bước đầu còn khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả để phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đang dần thấy rõ…
Sau gần 1 tháng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD- ĐT về việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét thay điểm số đối với học sinh (HS) tiểu học, nhiều trường cho biết bước đầu còn khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả để phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đang dần thấy rõ…
Tuy có nhiều khó khăn nhưng thay đổi này sẽ góp phần đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD-ĐT.
“Cô ơi, con được bao nhiêu điểm?”
Đó là câu hỏi của phần lớn HS tiểu học, nhất là các khối lớp 1, 2 khi mới bắt đầu triển khai việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Cô giáo Nguyễn Thị Vy- Trường Tiểu học Thanh Đức B chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu thực hiện là các em không quen với nhận xét.
“Các em vẫn thích điểm số hơn bằng nhận xét. Ở HS lớp 1, các em hay hỏi cô viết gì trong vở, như vậy là con được bao nhiêu điểm…?” Thật ra, những lời nhận xét như thế này là để phụ huynh và giáo viên theo dõi, có hướng rèn luyện cho trẻ.
Cô Vy cho biết, với cách đánh giá mới này thì công việc của giáo viên rất nhiều. Việc nhận xét như thế nào cho phù hợp đòi hỏi giáo viên phải suy nghĩ rất nhiều. “Phải nhận xét đúng với năng lực từng em, lời nhận xét để phụ huynh hiểu rõ để cùng giáo viên, nhà trường đưa ra những phương pháp giúp các em học tốt…”
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Vĩnh Long cho rằng, việc thay đổi từ cho điểm sang đánh giá thường xuyên “hơi bất ngờ” nên giáo viên còn bỡ ngỡ. Nhà trường phải tập huấn rất kỹ để giáo viên không hiểu nhầm tinh thần của Bộ GD- ĐT.
“Cái khó là ở người thầy phải thật sự có tâm tận tụy. Lúc trước giáo viên chỉ đứng lớp… bảng đen phấn trắng, bây giờ phải theo dõi từng em hàng ngày, tiếp cận, tìm hiểu và đánh giá sự phát triển. Thật sự, cũng còn giáo viên chưa quan tâm nhiều đến các em”.
Thầy Trần Công Tường- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đức B cho biết: Thời gian đầu mới triển khai sẽ có nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc là với đánh giá bằng nhận xét có ảnh hưởng gì không, năng lực của các em đến mức nào.
Giáo viên đứng lớp sẽ có nhiều công việc để làm hơn, nhất là ở các lớp đông HS. Ngoài ra, các chỉ tiêu năm học, các hoạt động giáo dục trong nhà trường cũng thay đổi rất nhiều nên phải điều chỉnh. Nói chung, còn nhiều việc phải làm để phụ huynh, HS, giáo viên và nhà trường quen với việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét…
Là đòn bẩy đổi mới giáo dục
Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn bước đầu triển khai, song, nhiều nhận định cho thấy đây là một thay đổi cần thiết phục vụ cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời cũng là giải pháp hạn chế nhiều tiêu cực trong ngành.
Thầy Huỳnh Chí Dũng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương nhận xét việc thực hiện đánh giá thường xuyên bằng nhận xét sẽ có 3 ưu điểm chính: Thứ nhất là giảm áp lực cho HS, các em không bị đem ra so sánh, cũng không phải tự bản thân các em so sánh với các bạn, cũng không cần phải đi học thêm.
Thứ 2 là trẻ sẽ được quan tâm nhiều hơn ngay trong nhà trường lẫn về nhà. Thứ 3 là trẻ sẽ tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục, phát huy khả năng của bản thân, đặc biệt là trẻ có thể tham gia nhận xét, đánh giá bạn cùng lớp…
Thầy Huỳnh Chí Dũng cũng đánh giá, việc thay đổi này đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. Quan tâm, không bỏ sót HS nào để phát huy khả năng của các em. Đặc biệt là có định hướng, biện pháp kịp thời giúp các em còn yếu, chậm trong quá trình
học tập.
Trong khi đó, thầy Trần Công Tường cho biết với đổi mới này, giáo viên sẽ phải phát hiện kịp thời những thiếu sót của HS để có định hướng. Ngoài ra, “với các HS giỏi thật sự sẽ toàn diện hơn; không phải chỉ là điểm cao cuối kỳ mà còn là phát huy các năng khiếu khác như: vẽ, ca hát, nhảy múa hoặc các kỹ năng mềm như giao tiếp, phát huy tính tự lập…”
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện đúng theo tinh thần của Bộ GD- ĐT, đây sẽ là đòn bẩy để các trường chủ động thay đổi phương pháp dạy và học. Trong đó, mô hình trường học mới- VNEN (hiện tỉnh Vĩnh Long có Trường Tiểu học Tân Lược B thực hiện) cũng là “hạt nhân”, là “điểm nhấn” để các trường tham gia học hỏi kinh nghiệm, cùng tiến tới nâng cao chất lượng toàn diện cho HS…
Song song với việc triển khai đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, các trường tiểu học cũng triển khai đến toàn thể giáo viên, phụ huynh về các quy định dạy thêm học thêm. Theo các trường, Bộ GD- ĐT nghiêm cấm dạy thêm đối với HS tiểu học, không tổ chức đội tuyển tham gia các kỳ thi,… sẽ giảm rất nhiều áp lực cho cả phụ huynh và HS. Hiện nhiều trường cũng đang hướng tới việc chỉ để các em học 2 buổi/ngày, bỏ sách giáo khoa, bài tập ngay tại trường. Các em về nhà chỉ cần phải sinh hoạt bình thường bên gia đình… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin