Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT), không tổ chức thi học sinh (HS) giỏi đối với bậc tiểu học… Đây được xem là liều thuốc đúng lúc nhằm giảm áp lực cho HS, hạn chế các tiêu cực trong ngành.
Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT), không tổ chức thi học sinh (HS) giỏi đối với bậc tiểu học… Đây được xem là liều thuốc đúng lúc nhằm giảm áp lực cho HS, hạn chế các tiêu cực trong ngành.
Nhiều phụ huynh đồng tình với việc không tổ chức thi HS giỏi ở bậc tiểu học, giảm áp lực thành tích cho trẻ.
Liều thuốc cần thiết
Hiện nay, ngoài việc học trong nhà trường, một bộ phận không nhỏ HS tiểu học phải “gồng mình” đi học thêm. Điều này không chỉ tạo áp lực cho trẻ mà còn sinh ra tiêu cực trong ngành.
Theo Bộ GD- ĐT, thời gian qua, bộ và UBND các địa phương đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc DTHT. Tuy nhiên, việc vi phạm quy định DTHT ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại. Do đó, Bộ GD-ĐT đã ra chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên. Đồng thời, yêu cầu tuyên truyền, giải thích để phụ huynh nắm vững các quy định của ngành về DTHT,… nhằm tạo sự đồng thuận, phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và đổi mới ở bậc tiểu học.
Cũng trong chỉ thị, đối với HS học 2 buổi/ngày, chỉ hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà; khuyến khích tổ chức cho HS để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. HS học 1 buổi/ngày thì chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Theo nhiều ý kiến, Bộ GD- ĐT đã ra “liều thuốc” kịp thời khi yêu cầu không tổ chức thi HS giỏi đối với HS tiểu học; không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6… Đây có thể là giải pháp hiệu quả để tránh bệnh thành tích trong học tập, “chạy sô học thêm” như từ trước tới nay.
Theo thầy Huỳnh Chí Dũng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, chấn chỉnh DTHT, không tổ chức thi HS giỏi cùng với quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên là một bước đổi mới rất cần thiết cho giáo dục tiểu học. “Không dùng điểm số tức là HS không bị đem ra so sánh, không chạy theo con điểm mà phụ huynh cho các trẻ đi học thêm. Từ đó, áp lực sẽ giảm rất nhiều, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Ngay cả phụ huynh cũng không chịu áp lực khi con mình không phải thua kém bé này, trẻ kia…”
Cần sự vào cuộc của phụ huynh
Theo nhiều trường tiểu học, hiện nay đã triển khai sâu rộng các quy định mới của Bộ GD- ĐT đến toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh. Theo lãnh đạo một trường tiểu học ở huyện Long Hồ, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các HS có nguyện vọng tự nguyện tham gia các sân chơi trí tuệ, nhưng sẽ không tổ chức thành đội tuyển. Bởi theo lãnh đạo này, “tổ chức thành đội tuyển sẽ làm cho phụ huynh cảm thấy tự hào về con mình, nhất định phải đạt giải nên phải đi… học thêm”.
Lãnh đạo này cũng cho rằng, giảm áp lực cho trẻ, không chỉ là ở những quy định, chỉ thị của Bộ GD-ĐT mà còn phụ thuộc vào giáo viên, đặc biệt là phụ huynh. “Phụ huynh phải hiểu rõ con mình có năng lực tới đâu, cố gắng nhồi nhét vào bộ nhớ của các em ở độ tuổi này quả thật là không tốt… Nếu phụ huynh quyết không cho con đi học thêm ở độ tuổi này thì giáo viên muốn dạy thêm cũng không được”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yến (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết, nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ việc không tổ chức thi HS giỏi và chấn chỉnh DTHT. “Không cho điểm thường xuyên thì không có sự so sánh, không cố chạy cho con vào trường điểm, lớp chuẩn. Cứ để tự các trẻ phát triển năng lực tự nhiên”- chị nói.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phụ huynh khi cho rằng muốn chấm dứt, chấn chỉnh tình trạng DTHT cần nhất vẫn là chương trình học, cái tâm đạo đức của người thầy giáo. Một phụ huynh ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết, các em học ở trường đã là quá nhiều, thời gian rảnh chỉ nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển thể chất, tinh thần đúng độ tuổi…
Thầy Đỗ Thành Tám- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Hòa A cho biết, nhà trường đã triển khai chỉ thị và yêu cầu giáo viên không dạy thêm theo quy định. Có thể nói, nhà trường làm rất tốt việc này, không để xảy ra tiêu cực.
Bộ GD- ĐT yêu cầu xóa bỏ mô hình đội tuyển HS giỏi nhưng tạo điều kiện cho HS tham gia các sân chơi trí tuệ bổ ích và tự nguyện. Hiện nay ở bậc tiểu học có một số sân chơi bổ ích, tự nguyện như: Cuộc thi Vô địch TOEFL Primary (TOEFL Primary Challenge). Dựa vào kết quả, phụ huynh có thể biết con mình có năng lực ở đâu so với các bạn đồng trang lứa ở Việt Nam cũng như thế giới…
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin