Vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách học sinh

11:10, 01/10/2014

Tỉnh ta hiện nay nổi lên nhiều vấn đề về thanh niên, học sinh mà xã hội quan tâm, bức xúc. Đó là bạo lực học đường và hiện tượng thanh niên học sinh hư hỏng, trẻ phạm tội hình sự gia tăng, thanh niên, học sinh mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, tụ tập gây rối trật tự công cộng,… chiếm tỷ lệ khá cao.

Tỉnh ta hiện nay nổi lên nhiều vấn đề về thanh niên, học sinh mà xã hội quan tâm, bức xúc. Đó là bạo lực học đường và hiện tượng thanh niên học sinh hư hỏng, trẻ phạm tội hình sự gia tăng, thanh niên, học sinh mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, tụ tập gây rối trật tự công cộng,… chiếm tỷ lệ khá cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên bắt đầu từ sự thiếu quan tâm chăm sóc của gia đình. Các em phạm tội thường ở các dạng gia đình khá giả, là con một, được cưng chiều, đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu sự hướng dẫn về tinh thần, cha mẹ bận làm ăn không theo dõi được những hoạt động của con em mình xem nó đi đâu, về đâu, bạn bè ra sao, chơi những thứ gì?

Một dạng nữa là cha mẹ không hạnh phúc thường có bạo lực xảy ra giữa vợ chồng dẫn đến ly hôn, khi ở với ông bà người thân, kinh tế gia đình khó khăn thiếu sự quan tâm chăm sóc làm cho tâm lý các em không ổn định, luôn buồn chán dẫn đến chứng “tự kỷ”, “bốc đồng”, “quậy phá”.

Theo tôi, những vấn đề gia đình cần quan tâm hiện nay là:

Xây dựng gia đình văn hóa, vợ chồng sống hạnh phúc thương yêu lẫn nhau, là chỗ dựa tinh thần cho các em. Một sự ân cần chăm sóc lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và các con, một bữa cơm đầm ấm, một ngày đi du lịch thật vui của gia đình sẽ là sợi dây liên kết, cột chặt các em với gia đình.

Các em sẽ có trách nhiệm với gia đình hơn, không làm những điều sai trái sợ người thân buồn. Trách nhiệm vận động xây dựng gia đình văn hóa là của chính quyền địa phương tạo điều kiện để gia đình phát triển kinh tế và đó chính là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cha mẹ phải nắm chắc thời gian biểu, quan tâm giúp đỡ con em mình, luôn động viên các em, cho dù các em có học yếu, không gò ép tạo áp lực, khiến các em phải quá tải trong học tập.

Phải nắm phương châm “vui học, học vui” tạo điều kiện cho các em có những hoạt động giải trí sau giờ học. Các bậc phụ huynh cần nhớ 2/3 thời gian của các em là ở với gia đình, nhân cách sẽ hình thành phần lớn từ sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình.

Cha mẹ phải kiểm soát cho được và kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của các em. Chi bao nhiêu, chi vào đâu, chi ở thời điểm nào? Đừng tập cho các em tiêu tiền khi tuổi còn nhỏ sẽ trở thành thói quen.

Những thứ gì cần thiết thì cha mẹ mới có thể mua sắm cho các em hoặc dẫn các em đi mua sắm. Đừng để các em có tiền thừa trong người, dễ sinh các tệ nạn. Có nhiều em đã vướng vào tù tội hay tệ nạn từ chuyện mê chơi game, uống rượu, hút thuốc, cờ bạc,…

Ngạn ngữ có câu “Hãy chỉ cho tôi người bạn của anh đi thì tôi sẽ đoán được anh là người như thế nào?” Vì thế cha mẹ phải nắm bắt suy nghĩ của con mình, nhất là các em ở lứa tuổi mới lớn, phải biết em đang làm gì, nghĩ gì, chơi với ai? Phải tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với mọi người để tránh được bệnh “tự kỷ”.

Các em tiếp xúc với mạng Internet là tốt. Đây là điều kiện để các em nắm bắt những thông tin cần thiết bổ sung cho bài học, nâng cao sự hiểu biết, hình thành những kỹ năng sống cần thiết ở các em. Nhưng, cha mẹ phải kiểm soát cho được các em đọc gì trên mạng, vì mạng hiện có “thượng vàng hạ cám”, không khéo các em bị tiêm nhiễm những nội dung đồi trụy.

Cũng nên quy định thời gian truy cập mỗi ngày cho con cái là bao nhiêu, không cho các em ngồi lâu vì sẽ mất thời gian học tập, ảnh hưởng đến sức khỏe -nhất là mắt.

Nhà trường là nơi các em đến học tập với khoảng 1/3 thời gian hàng ngày. Để quản lý chặt con em mình, các bậc phụ huynh phải thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, có thể theo định kỳ hàng tháng hay học kỳ.

Bây giờ phương tiện liên hệ quá dễ dàng, hãy dành ít phút gọi điện cho thầy cô chủ nhiệm để hỏi thăm con em mình, nếu không có điều kiện gặp trực tiếp.

Nếu có sự quan tâm đúng mức của gia đình, sự tích cực trong đổi mới phương pháp giáo dục của nhà trường, sự chung tay của các lực lượng xã hội trong giáo dục đạo đức học sinh, tin chắc rằng chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên đủ tư chất, đủ tài năng kế thừa tốt sự nghiệp đổi mới đất nước hướng đến xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

LƯU THÀNH CÔNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh