Hết thời hạn nghỉ thai sản, phụ nữ trở lại với công việc cũng là lúc nhiều người băn khoăn tìm chỗ gửi con. Thực tế, ở Vĩnh Long có ít trường mầm non, nhà trẻ nhận bé dưới 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về điểm giữ trẻ không đảm bảo an toàn cũng ám ảnh nhiều phụ huynh.
Hết thời hạn nghỉ thai sản, phụ nữ trở lại với công việc cũng là lúc nhiều người băn khoăn tìm chỗ gửi con. Thực tế, ở Vĩnh Long có ít trường mầm non, nhà trẻ nhận bé dưới 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về điểm giữ trẻ không đảm bảo an toàn cũng ám ảnh nhiều phụ huynh.
Trường Mầm non A đang chịu áp lực cao vì số lượng trẻ đăng ký nhập học quá đông.
Trẻ càng nhỏ, càng khó gửi
Hiện nay, ở TP Vĩnh Long chỉ có Trường Mầm non (MN) Hoa Lan là trường MN công lập tiếp nhận trẻ 12 tháng tuổi trở lên, còn lại các trường MN công lập khác trên địa bàn tỉnh đều không nhận lứa tuổi này. Ngay cả các trường MN dân lập, cơ sở MN tư thục cũng hiếm nơi tiếp nhận trẻ, đặc biệt trẻ từ 6-12 tháng.
Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi này rất lớn, từ cán bộ, viên chức đến công nhân ở các khu công nghiệp. Không tìm được chỗ gửi con, các gia đình xoay xở đủ cách như huy động 2 bên nội ngoại lên chăm sóc cháu hoặc gửi con về quê, thậm chí nhiều phụ nữ phải nghỉ việc ở nhà trông con.
Chị Nguyễn Thị Kiều (Long Hồ) đang làm việc tại TP Vĩnh Long có con 16 tháng. Chị muốn gửi con ở các trường MN công lập trong thành phố lại gặp không ít khó khăn vì: không có hộ khẩu thành phố, các trường phải ưu tiên cho các bé có hộ khẩu thành phố trước.
Hiện chị Kiều phải thuê người giữ con 90.000 đ/ngày. Chị nói: Với đồng lương viên chức, vợ chồng tằn tiện lắm mới đủ thuê người chăm sóc con và tiền sữa, tã,…
Cô Trần Thị Tiến- Hiệu trưởng Trường MN A (Phường 1) cho biết: “Trường chúng tôi chỉ nhận các bé từ 25- 36 tháng tuổi”. Cô cho biết thêm: “Dù nhận các bé khá lớn, trường vẫn chịu áp lực về sĩ số rất cao với hơn 40 bé/lớp.
Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên không đủ để trường có thể mở thêm lớp”. Trong khi đó, địa bàn nhận trẻ của Trường MN A chỉ trên 2 con đường: Hùng Vương và Hưng Đạo Vương. Cùng hoàn cảnh với Trường MN A, các trường MN khác trên địa bàn TP Vĩnh Long cũng đang đối diện với tình trạng quá tải.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang- chuyên viên MN Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long cho biết: “Các trường MN công lập chỉ nhận các cháu ở tuổi nhỡ, và bé lớn do họ đang chịu áp lực sĩ số rất cao. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép mở nhiều lớp và mở rộng thêm đối tượng.
Rõ ràng, không ít gia đình có con nhỏ dưới 18 tháng đang gặp khó khăn khi tìm chỗ gửi con. Các trường MN không mấy mặn mà với trẻ 6- 18 tháng.
Có lẽ, đây là lứa tuổi khó chăm sóc nhất, đòi hỏi người trông phải cẩn thận, chịu khó và dành nhiều thời gian cho trẻ. Mặt khác, do các trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nên đây là những lý do chính khiến các trường ái ngại khi nhận trẻ dưới 18 tháng.
Gửi được nhưng ít điểm an toàn
Nhu cầu gửi trẻ ở Vĩnh Long là rất lớn nhưng trên thực tế, các trường mà phụ huynh yên tâm gửi thì đã quá đông. Các trường còn lại thì không yên tâm về chất lượng cũng như độ an toàn cho trẻ.
Chị Cao Thị Thúy Trinh (Tam Bình) hiện đang là công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú gửi con cho bà ngoại chăm sóc. Mỗi chiều, chị đều tranh thủ chạy về để chăm sóc và gặp mặt con.
Chị Trinh cho biết: “Nhiều chị em làm chung với tôi không gửi con được cho ai đành nghỉ làm. Một vài người gửi… đại con cho những người phụ nữ ở quê- nhóm trẻ gia đình không phép, chứ có muốn gửi trẻ gần công ty cũng không có trường”.
Thực tế trên đã cho ra đời những nhóm trẻ gia đình. Thông thường, các nhóm trẻ tự phát xuất hiện lẩn khuất trong các khu dân cư.
Nhiều cơ sở không có địa chỉ rõ ràng, lại đóng cửa kín mít, nhìn từ bên ngoài khó có thể biết được những chỗ này là nhà của người dân hay nhà giữ trẻ. Dù biết các nhóm trẻ tự phát tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn là sự lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều gia đình.
Trong vai phụ huynh đi tìm chỗ gửi con, chúng tôi đến nhóm trẻ tại Phường 2 (TP Vĩnh Long). Nhóm trẻ nằm tận cùng trong một con hẻm dài, nhà xây cấp 4. Bước vào nhà, chúng tôi thấy chừng 10 trẻ đủ các lứa tuổi đang ở đây, có bé ngồi chơi, có bé nằm một góc.
Căn phòng thiếu ánh sáng vì ít đèn và không có cửa sổ. Nơi đây cũng không được trang bị các đồ chơi dành cho trẻ. Ngay góc phòng chỗ các bé đang ngồi là bếp ăn, một phụ nữ khoảng 50 tuổi đang nấu một nồi cháo lớn.
Phòng không được thiết kế chuẩn dành cho bé và thiếu cả người chăm sóc có chuyên môn, các điểm giữ trẻ thường kém an toàn. Dù biết điều này, nhiều phụ huynh vẫn đành gửi con vì không gửi thì không thể đi làm.
Ngành chức năng cần có nhiều biện pháp kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ gia đình. Bên cạnh, công nhân lao động cũng cần lắm những điểm giữ trẻ nhỏ hơn và an toàn hơn để họ yên tâm làm việc.
Trên địa bàn TP Vĩnh Long hiện có 21 trường mầm non. Trong đó, có 16 trường công lập và 5 trường dân lập. Bà Nguyễn Thị Huyền Trang- chuyên viên MN Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long cho biết: Trong năm học này, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra giám sát ở tất cả các trường MN để cấp giấy phép hoạt động giáo dục, nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin