Sẽ nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh

06:10, 22/10/2014

Bắt đầu từ ngày 15/10/2014, quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học của Bộ GD- ĐT chính thức được áp dụng. Nhiều trường đánh giá bước đầu sẽ có khó khăn, tuy nhiên hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh (HS) sẽ được nâng cao…


Việc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên sẽ có những khó khăn bước đầu. Tuy nhiên đây sẽ là phương pháp giúp các em HS phát triển năng lực toàn diện.

Bắt đầu từ ngày 15/10/2014, quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học của Bộ GD- ĐT chính thức được áp dụng. Nhiều trường đánh giá bước đầu sẽ có khó khăn, tuy nhiên hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh (HS) sẽ được nâng cao…

Khó khăn bước đầu

Theo Bộ GD- ĐT, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS, động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện. Qua đó, giúp HS phát huy tất cả khả năng. Việc đánh giá sẽ không nhận xét so sánh HS này với HS khác gây áp lực cho cả HS và phụ huynh…

Về quy định này, thầy Đỗ Thành Tám- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Hòa A cho biết, hiện nhà trường cũng đã phổ biến trước cho giáo viên. Phòng GD- ĐT huyện cũng đã lên kế hoạch tập huấn kỹ hơn. Qua đó, giúp giáo viên nắm rõ hơn về cách thức thực hiện.

Trong khi đó, thầy Võ Thành Long- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đức B cho biết: Nhà trường đã triển khai quy định đối với giáo viên, tuy nhiên chưa thực hiện đánh giá trong lớp học và đợi Phòng GD- ĐT tập huấn. Điểm khác biệt so với trước là từ 4 cột điểm giờ còn 2 cột vào cuối mỗi học kỳ, cho điểm thay vào đánh giá bằng nhận xét.

Theo nhiều ý kiến, bước đầu thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, nhất là đối với giáo viên đứng những lớp nhiều HS.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Long Hồ nhận xét: Giáo viên ngoài việc soạn giáo án mất nhiều thời gian thì việc đánh giá thường xuyên đối với nhiều HS sẽ rất… cực. Đồng thời, giáo viên phải bám sát từng HS, ghi lời nhận xét cụ thể, rõ ràng để phù hợp với tính thực tiễn. “Giáo viên phải thật sự có tâm với nghề mới có thể đưa ra những nhận xét công bằng, chính xác”.

Thầy phó hiệu trưởng này cũng đưa ra cái khó của quy định, nếu như lúc trước khen thưởng HS chỉ thông qua kết quả học tập cuối năm thì quy định mới sẽ dựa vào 3 tiêu chí: Năng lực HS, phẩm chất và kết quả định kỳ. Việc một HS giỏi cuối năm “chưa chắc” được khen thưởng sẽ gây thắc mắt cho phụ huynh. Qua đó, giáo viên cần có những cơ sở để thông báo cho phụ huynh biết.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá theo quy định mới bao gồm cả phụ huynh. Vì thế, rất sợ phụ huynh sẽ “có những suy nghĩ riêng” mà đánh giá sai lệch về nâng lực của con em mình…
 
Một phụ huynh ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho rằng: Nếu như lúc trước dựa vào điểm số thì sẽ biết con mình học giỏi, khá hay trung bình yếu. Nay theo quy định mới, điểm lớn cũng chưa chắc con mình giỏi. Hơn nữa, những nhận xét có thể gây “hoang mang” cho phụ huynh nếu nó quá… chung chung.

Sẽ nâng cao năng lực toàn diện HS

Ngoài những khó khăn trước mắt, việc quy định này được nhiều ý kiến đánh giá sẽ góp phần thay đổi căn bản toàn diện nền giáo dục.
 
Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng cách làm mới sẽ có lợi cho học trò. Nhiều em được đánh giá, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi HS tiểu học. Nhận xét thay vì cho điểm thường xuyên cũng yêu cầu người thầy phải đổi mới phương pháp dạy học.

Theo thầy Long, việc đánh giá HS theo quy định mới sẽ toàn diện hơn về các mặt, thay vì chỉ có kiến thức các em đã học.

Thông qua những nhận xét, đánh giá và định hướng giúp các em phát triển, HS sẽ từng bước phát triển năng lực của mình, phát triển các hành vi như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động; kỷ cương, đoàn kết;…

Trong khi đó, ngoài nhận xét của giáo viên, phụ huynh, mỗi HS sẽ có những đóng góp ý kiến của mình đối với các bạn trong lớp. Ví dụ như các em sẽ nhận xét các bạn trong diện được khen thưởng, xem bạn có xứng đáng hay không.
 
Điều này sẽ phát huy tính dân chủ ở mỗi HS. Các em sẽ không cảm thấy thắc mắc tại sao “mình cũng điểm cao mà không được khen thưởng”. Điều này giúp các em tự cố gắng trong những năm học tiếp theo…

Về khó khăn của lời nhận xét, nhiều ý kiến đánh giá giáo viên nên tự rút ra các đánh giá ngắn gọn, cụ thể và dễ hiểu. Có như vậy mới tiết kiệm thời gian cũng như nâng cao hiệu quả của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét.

Quá trình học tập từng môn học, HS được xếp loại thuộc 1 trong 2 mức: Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành; mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất xếp 2 mức: Đạt hoặc chưa đạt. Giáo viên ghi nhận xét, kết quả vào học bạ. Đây là cơ sở chứng nhận mức độ hoàn thành chương trình, những khuyết điểm cần khắc phục trong học kỳ tới hoặc năm học tiếp theo…

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh