Là 1 trong 5 trường sư phạm kỹ thuật (SPKT) trên toàn quốc, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long đảm nhận vai trò đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ KT cho khu vực ĐBSCL và các tỉnh- thành khác trên cả nước. Qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo, giáo viên và học sinh nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và
Là 1 trong 5 trường sư phạm kỹ thuật (SPKT) trên toàn quốc, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long đảm nhận vai trò đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ KT cho khu vực ĐBSCL và các tỉnh- thành khác trên cả nước. Qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo, giáo viên và học sinh nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học, xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia về giáo dục KT và dạy nghề.
Năm học mới 2014- 2015, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển GD- ĐT và dạy nghề.
Đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ kỹ thuật (KT) do trường đào tạo đã phát huy được những phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề, để trở thành những hạt nhân thật sự tại đơn vị công tác.
Nhiều người đã trưởng thành, đảm nhận những trọng trách quan trọng ở các trường KT, các trường nghề, các trung tâm dạy nghề, cũng như giữ các vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Lịch sử phát triển
Tiền thân là Trường KT Vĩnh Long, khai giảng khóa đầu tiên ngày 1/2/1960. Đây là trường trung học KT đầu tiên của khu vực miền Tây Nam Bộ. Lúc bấy giờ, cùng với việc học văn hóa, học sinh còn được học các nghề như ôtô, máy dụng cụ, kỹ nghệ sắt, kỹ nghệ gỗ, may mặc, nữ công gia chánh,...
Sau thống nhất đất nước, ngày 31/5/1976, Trường KT Vĩnh Long được chuyển giao về Tổng cục Đào tạo công nhân KT thuộc Bộ Lao động với tên gọi mới là Trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long. Thời kỳ đó, đây là một trong rất ít trường đào tạo KT ở khu vực phía Nam, giáo sinh của trường đến từ tất cả các vùng, miền trên cả nước.
Đội ngũ giáo viên hầu hết được tăng cường, biệt phái từ các trường KT phía Bắc. Đây là giai đoạn tiếp quản, ổn định và xây dựng nhà trường theo mô hình của một trường giáo viên dạy nghề. Tháng 6/1980, trường đổi tên thành Trường SPKT 4.
Tuy trải qua những khó khăn, thử thách hết sức cam go của thời bao cấp nhưng trường vẫn từng bước đổi mới nội dung hoạt động, phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để tự khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Từ năm 1985 đến năm 1997 là giai đoạn phát triển mạnh của nhà trường. Lúc này, trường đã tiếp nhận và đưa vào khai thác có hiệu quả các thiết bị do Liên Xô viện trợ, đào tạo thí điểm giáo viên dạy nghề có trình độ cao đẳng, mở rộng đào tạo cho các địa phương.
Bên cạnh đó, trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nghề cho Vương quốc Campuchia. Ngày 24/9/1997, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng SPKT 4, sau đổi thành Trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long và trường được chính thức giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo nguồn giáo viên dạy nghề có trình độ cao đẳng cho khu vực ĐBSCL.
Tham gia “Dự án Giáo dục KT và Dạy nghề” giai đoạn 2002- 2008, trường được đầu tư 2,4 triệu USD cho việc mua sắm các thiết bị dạy học thuộc các ngành công nghệ ôtô, máy tàu thủy, cơ khí chế tạo máy, cơ điện tử, điều khiển tự động. Song song đó, nguồn nhân lực cũng được đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang thực sự làm thay đổi diện mạo của nhà trường.
Lễ công bố quyết định thành lập Trường Đại học SPKT Vĩnh Long.
Tháng 7/2005, trường bắt đầu chắp bút lập đề án nâng cấp Trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long. Ngày 16/2/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Công văn “Về chủ trương nâng cấp Trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long thành Trường Đại học SPKT Vĩnh Long”.
Bước nhảy vọt thực sự trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường là ngày 1/12/2012, là ngày Bộ trưởng Bộ LĐ- TB và XH bổ nhiệm hiệu trưởng mới. Chỉ không đầy một năm sau, ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường Đại học SPKT Vĩnh Long.
Đây là kết quả phấn đấu liên tục của nhà trường, là sự công nhận của Đảng và Chính phủ về những đóng góp của tập thể nhà trường trong sự nghiệp GD- ĐT nói chung và sự nghiệp dạy nghề nói riêng.
Khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo giáo viên dạy nghề
Hiện tại, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long được cấp phép 6 ngành bậc đại học, 8 ngành bậc cao đẳng và 18 nghề bậc cao đẳng.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của trường là đào tạo giáo viên dạy nghề và cán bộ KT cho cả nước. Tuy qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, trải qua những giai đoạn thăng trầm chung của đất nước, nhưng nhiệm vụ xuyên suốt đó vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức nhà trường hoàn thành xuất sắc.
Giáo viên dạy nghề do nhà trường đào tạo không chỉ phẩm chất đạo đức tốt, mà còn có năng lực sư phạm vững vàng, không những được trang bị tốt các kiến thức chuyên ngành mà còn được chú trọng rèn luyện thuần thục kỹ năng thực hành nghề.
Đội ngũ giáo viên được trường đào tạo hiện có mặt trên mọi nẻo đường đất nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Với kiến thức chuyên môn cao, tay nghề thuần thục, phần lớn các giáo viên này là cán bộ, giáo viên nòng cốt trong hệ thống các trường nghề trong khu vực.
Nhiều giáo viên trong trường được mời làm giám khảo hội thi tay nghề giỏi cấp quốc gia, hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc. Một số giáo viên có uy tín còn được mời làm huấn luyện cho các đội tuyển nghề Việt Nam tham dự Hội thi tay nghề ASEAN và làm giám khảo cho các kỳ thi này.
|
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn ở Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai còn trả tiền để được đón nhận sinh viên của trường đến thực tập sản xuất với mong muốn nhận lại toàn bộ sau khi các em tốt nghiệp.
Do hệ thống các trường nghề ngày càng tăng và đứng trước nhu cầu của công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên KT, theo đề nghị của các địa phương, trường thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng SP bậc 1, bậc 2, SP dạy nghề, tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kỹ năng dạy thực hành cho các cơ sở.
Trường đã và đang hỗ trợ về phương pháp dạy học bộ môn, đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, liên kết đào tạo cao đẳng, đại học cho các tỉnh: Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, An Giang, Gia Lai, Đồng Nai,…
Cho tới nay, mô hình liên kết, liên thông đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho hệ thống các trường cả khu vực miền Tây và miền Đông Nam Bộ.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác đào tạo, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm đến công tác nâng cao trình độ, kỹ năng SP cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Thông qua các dự án quốc gia về GDKT và dạy nghề, nhiều cán bộ, giáo viên đã được cử đi học tập, tham quan, khảo sát hoạt động giáo dục KT và dạy nghề của các nước tiên tiến, được tham dự các khóa bồi dưỡng chuyên môn bổ ích.
Định hướng phát triển
Trường Đại học SPKT Vĩnh Long sẽ là trường đại học đa ngành, đa cấp trình độ và đa hệ đào tạo trong lĩnh vực SPKT, khoa học KT và các lĩnh vực kinh tế khác cho các tỉnh ĐBSCL. Là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm công nghệ phù hợp với các ngành nghề mà nhà trường đào tạo.
Phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ phát triển chung các trường đại học trong nước; đến năm 2050 đạt trình độ trung bình ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Thông qua hoạt động văn hóa- xã hội và các hoạt động khác, nhà trường đóng vai trò là nhân tố thúc đẩy, tạo động lực và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển văn hóa, giáo dục phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn tới năn 2030 cho khu vực ĐBSCL và cho cả nước.
Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đã và đang hoạt động có hiệu quả. Trung tâm không chỉ tổ chức thi đánh giá tay nghề cho người lao động mà còn tổ chức sát hạch, cấp chứng chỉ tay nghề cho giáo viên dạy nghề. Trường đang từng bước đầu tư và phát triển Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trở thành Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc tế, là đầu mối xuất khẩu lao động có tay nghề cao cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới.
|
LÊ HỒNG KỲ (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin