Bộ GD-ĐT vừa công bố từ năm 2015 chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ gọi là kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này sẽ sử dụng kết quả cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc đổi mới này được sự đồng tình và quan tâm của xã hội, nhất là các học sinh đang học lớp 12. Những thuận lợi và khó khăn gì đang đợi các em?
Bộ GD-ĐT vừa công bố từ năm 2015 chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ gọi là kỳ thi THPT quốc gia.
Kỳ thi này sẽ sử dụng kết quả cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc đổi mới này được sự đồng tình và quan tâm của xã hội, nhất là các học sinh đang học lớp 12. Những thuận lợi và khó khăn gì đang đợi các em?
Về mặt thuận lợi thì các em vẫn thi 4 môn như năm vừa qua, chỉ khác là có tới 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Điều này sẽ không gây xáo trộn nhiều vì các môn tự chọn và bắt buộc các em đã có nhiều thông tin từ năm học trước. Về môn ngoại ngữ, nếu thấy không tự tin thì các em có quyền chọn môn thay thế.
Thuận lợi tiếp theo là các em chỉ dự một kỳ thi thay vì 2 kỳ thi như truyền thống. Điều này giúp các em đỡ vất vả và tốn kém. Số cụm thi cũng sẽ được mở rộng (dự kiến từ 20- 30 cụm) giúp các em không phải di chuyển quá xa như trước.
Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia này và cách xét tuyển theo như công bố của Bộ GD- ĐT thì sẽ không còn khái niệm thi theo khối A, B, C, D nữa; học sinh sẽ không còn phải thi đại học 2 lần liền kề khi chọn nhiều khối, trường xét tuyển như trước nữa.
Để dự tuyển vào nhiều khối khác nhau của nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau học sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác (ngoài 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn đã xác định) phù hợp với các môn của khối, trường tuyển sinh mà mình dự định chọn.
Một thuận lợi rất lớn nữa là khi có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển sẽ giúp các em có điều kiện tham khảo các thông tin về chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển của các trường ĐH, CĐ để đối chiếu điểm thi của mình xem nên chọn ngành nào, trường nào cho phù hợp để yếu tố trúng tuyển sẽ cao hơn, tránh được tình trạng điểm cao mà vẫn rớt.
Tuy nhiên, việc đổi mới thi cử lần này, sẽ gây không ít bỡ ngỡ, khó khăn cho học sinh lớp 12. Trước hết các em sẽ không còn “thời gian vàng” khoảng một tháng để tập trung sức lực luyện thi nữa.
Việc học chắc cũng sẽ khác đi theo hướng căng thẳng hơn do nhà trường phải tổ chức dạy- học cho phù hợp với tình hình chỉ còn một kỳ thi quốc gia.
Việc phải tham gia “học thêm” là điều khó tránh khỏi sẽ khiến các em vất vả, mệt mỏi nếu không có kế hoạch học tập khoa học. Một điểm khó nữa là không còn điểm sàn (điểm tối thiểu bình quân 3 môn để được xét tuyển) mà sẽ là ngưỡng điểm tối thiểu cho từng môn.
Điều này buộc học sinh phải tập trung đều cho các môn dự thi không thể học lệch vì các môn thế mạnh không được “kéo” các môn yếu để lấy điểm bình quân. Một điểm lưu ý nữa là đề thi sẽ rất khó do vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thực chất đó là một đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có độ phân hóa cao với 4 mức độ: tái hiện, nhận biết, vận dụng, vận dụng cao. Để vào được ĐH, CĐ, ngay từ bây giờ các em phải hết sức nỗ lực, không thể tà tà theo kiểu “đến thi hãy tính” e rằng không kịp vì như đã nói các em không còn thời gian vàng để ôn luyện.
Đổi mới thi cử lần này là bước đầu cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu của mọi người. Một số điều lưu ý nêu lên có tính chất tham khảo có thể giúp các học sinh lớp 12 hình dung những việc cần làm để chủ động xây dựng kế hoạch học tập sao cho hiệu quả nhất.
SONG NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin