
Áp dụng đề án phân luồng, sẽ có khoảng 20% học sinh (HS) sau trung học cơ sở (THCS) theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc học nghề. Thực tế, nhiều học viên (HV) chưa mặn mà với GDTX nên tỷ lệ bỏ học rất cao. Do đó, việc kết hợp giữa dạy chữ và dạy nghề trong trung tâm GDTX trở nên thiết yếu, nhờ đó các em vừa có trình độ học vấn mà còn có tay nghề.
Áp dụng đề án phân luồng, sẽ có khoảng 20% học sinh (HS) sau trung học cơ sở (THCS) theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc học nghề. Thực tế, nhiều học viên (HV) chưa mặn mà với GDTX nên tỷ lệ bỏ học rất cao. Do đó, việc kết hợp giữa dạy chữ và dạy nghề trong trung tâm GDTX trở nên thiết yếu, nhờ đó các em vừa có trình độ học vấn mà còn có tay nghề.
Vừa học kiến thức, vừa học nghề là mục tiêu hướng đến của các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hay nhưng khó thực hiện
Dạy nghề kết hợp với dạy văn hóa cho các em HS có trình độ THCS là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng HS sau THCS. Nếu các HS có học lực trung bình hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn chọn hướng vừa học văn hóa vừa học nghề thì sau 3 năm có bằng tốt nghiệp THPT và có nghề. Nhờ đó, các em sẽ tìm việc làm để nuôi sống bản thân.
Theo ông Đặng Văn Phúc Tâm- Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Long Hồ: HV ở các trung tâm GDTX thực tế có ít khả năng theo học các trường đại học nên việc dạy nghề kết hợp ở trung tâm rất quan trọng góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội, kỹ năng sống cho HV.
Phụ huynh HV ở trung tâm cũng đồng tình cao cho các em sáng học kiến thức, chiều học nghề. Trung tâm đã cho HV đăng ký các nghề như: sửa chữa máy điều hòa, máy vi tính, điện dân dụng,… Tuy nhiên, do kinh phí của Trường Trung cấp Nghề không áp dụng được cho HV ở trung tâm GDTX nên các lớp phải đình lại.
Trong khi đó, Ths. Đặng Vinh Hiển- Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long cho rằng: Tâm lý khoa cử đã dẫn đến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở nước ta hiện nay. Đối với nhiều người, vào đại học hoặc ít nhất học cao đẳng mới là… danh giá.
Vì vậy, công tác hướng nghiệp cho HS sau THCS học nghề còn rất khó khăn. Ngoài ra, việc không có bằng tốt nghiệp phổ thông sau khi hoàn thành chương trình học nghề cũng được nhiều phụ huynh quan tâm.
Thực tế, trong chương trình học nghề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành, HV học nghề chỉ cần học 4 môn văn hóa. Do đó, sau khi học nghề xong các em được cấp bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình 4 môn văn hóa. Trong khi, mong muốn của nhiều phụ huynh và HV là tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Tìm giải pháp hiệu quả
Ông Đặng Văn Phúc Tâm cho rằng phải kết hợp nhiều biện pháp mới kết hợp được dạy chữ với dạy nghề như là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về nghề nghiệp. Tư vấn định hướng cho bậc THCS để tuyển sinh học nghề cho HS ngay từ lớp 10.
Hơn thế nữa, HV phải được hưởng cả hai chế độ chính sách cho HV GDTX và HS học nghề. Ngoài ra, việc thực hiện đề án phân luồng cần theo đúng chỉ tiêu đề ra. Có thể phân luồng cụ thể bao nhiêu phần trăm HS sau THCS chọn học nghề, học GDTX.
Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long lại đang quan tâm thực hiện nhiều giải pháp: tăng cường trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên; đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của phát triển khoa học, công nghệ; lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà tuyển dụng; thường xuyên khảo sát, điều chỉnh chương trình đào tạo; cho HS tiếp cận doanh nghiệp khi đang học ở trường.
Song song đó, trung tâm GDTX và Trường Trung cấp Nghề phải tăng cường liên kết “Trường Trung cấp Nghề đảm nhiệm đào tạo nghề, trung tâm GDTX đảm nhiệm dạy bổ túc văn hóa”- thầy Đặng Vinh Hiển nói.
Vậy là, sau 3 năm học các em sẽ vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề. Phụ huynh cũng không phải lo lắng về việc con đi học nghề xa nhà, giảm được chi phí học tập.
Ông Trần Đình Tân- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho rằng để khắc phục tình trạng mất cân đối nghiêm trọng nguồn nhân lực thì trước hết phải đảm bảo cho HS học nghề chế độ lương bổng, đãi ngộ. “Với mức lương thấp thì làm sao HS chịu học nghề, làm sao sống suốt đời với nghề được. Đó là chưa kể việc xã hội không coi trọng người học nghề”.
Bên cạnh, cần tuyên truyền tư vấn cho HS hiểu về ngành nghề từ sớm chứ không đợi đến mùa tuyển sinh mới tư vấn rầm rộ. Các trường cũng tăng cường đào tạo theo địa chỉ và tăng cường mối liên kết giữa các trường và trung tâm GDTX.
Trong năm học 2013- 2014, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 1.800 HV đang theo học bổ túc văn hóa ở 8 trung tâm GDTX và 9 trường phổ thông có hệ GDTX. Tình hình phân luồng HS sau THCS gặp nhiều khó khăn: huy động HV ra lớp thấp, chỉ có khoảng 8% HS sau khi học xong THCS vào học bổ túc, tỷ lệ HV bỏ học còn cao hơn 10%; chất lượng các trung tâm tin học, ngoại ngữ, trung tâm học tập cộng đồng chưa cao.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin