Bộ GD- ĐT vừa ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học, trong đó quy định không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Vậy việc thực hiện sẽ mang lại hiệu quả gì và dễ hay khó triển khai?
Sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào những lời nhận xét hướng tới tính tích cực, khích lệ (ảnh minh họa).
Bộ GD- ĐT vừa ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học, trong đó quy định không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Vậy việc thực hiện sẽ mang lại hiệu quả gì và dễ hay khó triển khai?
Không dùng điểm đánh giá thường xuyên
Theo Bộ GD- ĐT, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện. Qua đó, giúp HS phát huy tất cả khả năng. Ngoài giáo viên, còn có cha mẹ HS tham gia đánh giá sao cho nhận xét so sánh HS này với HS khác không gây áp lực cho cả HS và phụ huynh…
Bộ cũng quy định việc đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi, những kết quả HS đã đạt được hoặc chưa đạt được, biện pháp cụ thể giúp HS vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Về đánh giá thường xuyên, Bộ GD-ĐT cũng quy định đánh giá cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực của HS. Việc đánh giá nhằm theo dõi HS phát triển các hành vi như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; kỷ cương, đoàn kết; yêu thương gia đình, bè bạn,…
Đặc biệt, trong quy định này, từ năm học 2014- 2015, các trường sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào những lời nhận xét hướng tới tính tích cực, khích lệ.
Trong khi đó, đánh giá định kỳ sẽ có 2 bài kiểm tra vào cuối học kỳ 1 và cuối năm đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Bài kiểm tra này được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý hạn chế, cho theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân. Qua đó, sẽ tổng hợp quá trình và kết quả định kỳ để đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất từng HS…
Dễ hay khó thực hiện?
Theo dõi về vấn đề đánh giá thường xuyên HS tiểu học bằng cách không cho điểm số, nhiều thầy cô giáo cũng đang có ý kiến xung quanh vấn đề này. Theo thầy Hiệu trưởng Đỗ Thành Tám- Trường Tiểu học Lộc Hòa A (Long Hồ) thì đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn thực hiện.
Theo thầy, hiện việc đánh giá thường xuyên HS trong nhà trường vẫn là cho điểm. Trong đó, điểm số hàng ngày để giáo viên, phụ huynh theo dõi quá trình học tập của các em. Điểm số đánh giá kết quả học tập chỉ có 4 cột điểm gồm giữa và cuối mỗi học kỳ. “Hiện tại, nhà trường vẫn áp dụng cách đánh giá lâu nay và chờ hướng dẫn cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả”.
Trong khi đó, theo thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Tấn- Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, việc không cho điểm nhưng đánh giá HS thì nhà trường đã áp dụng một số môn. Ví dụ ở môn Mỹ thuật, giáo viên đánh giá HS theo bậc A+, A, B lần lượt là xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành...
Ở các môn khác, cũng sẽ lấy điểm cuối học kỳ 1, 2 của các em để làm cơ sở đánh giá kết quả học tập. Cũng theo thầy, việc áp dụng các quy định mới đương nhiên sẽ khó khăn thời gian đầu.
Trong thời gian tới, cũng sẽ có tập huấn, hướng dẫn cụ thể để giáo viên có cơ sở để đánh giá tốt hơn, giúp các HS tiến bộ tích cực trong học tập…
Hiện nay, với quy định đánh giá HS tiểu học đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau, việc áp dụng thực tế dễ hay là khó? Theo ý kiến của lãnh đạo một trường tiểu học ở huyện Long Hồ, việc đánh giá bằng nhận xét cần phải có hướng dẫn cụ thể và khách quan, không nên “chung chung”.
Nhận xét cho từng khối lớp cũng sẽ khác nhau vì các em có độ tuổi khác nhau, nhận thức và hiểu được lời nhận xét của giáo viên cũng sẽ khác nhau…
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con đang theo học tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long cho rằng, việc đánh giá bằng nhận xét sẽ gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên bởi lớp có rất nhiều HS, mà “phụ huynh cũng sẽ hiểu bằng nhiều cách khác nhau với nhận xét đó”. Việc đánh giá cũng rất cần sự công tâm, sự tận tụy của giáo viên.
Như cách dạy truyền thống, cho điểm theo dõi thường xuyên vẫn sẽ là điều tốt hơn, HS sẽ hiểu được “điểm đó là tốt hay không tốt” và phụ huynh cũng sẽ biết được con mình yếu cái gì để cần trang bị thêm…
Quá trình học tập từng môn học, HS được xếp loại thuộc 1 trong 2 mức: hoàn thành hoặc chưa hoàn thành; mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất xếp 2 mức: đạt hoặc chưa đạt. Giáo viên ghi nhận xét, kết quả vào học bạ. Đây là cơ sở chứng nhận mức độ hoàn thành chương trình, những khuyết điểm cần khắc phục trong học kỳ tới hoặc năm học mới của từng HS…
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin