Các cháu thiếu nhi ở độ tuổi từ 5- 7 tuổi có khuynh hướng rất thích vẽ. Khi các cháu có trong tay viên phấn hay cây viết là lập tức sẽ vẽ ngay vào bất cứ nơi nào thuận lợi nhất! Do đó, các bậc phụ huynh chúng ta nên chú ý đến vấn đề định hướng và phát huy khả năng tiềm tàng của từng đứa trẻ qua các lứa tuổi.
Các cháu thiếu nhi ở độ tuổi từ 5- 7 tuổi có khuynh hướng rất thích vẽ. Khi các cháu có trong tay viên phấn hay cây viết là lập tức sẽ vẽ ngay vào bất cứ nơi nào thuận lợi nhất! Do đó, các bậc phụ huynh chúng ta nên chú ý đến vấn đề định hướng và phát huy khả năng tiềm tàng của từng đứa trẻ qua các lứa tuổi.
Ở lớp tuổi từ 5- 7, năng khiếu hội họa của trẻ được thể hiện qua việc trẻ thường xuyên chú ý đến thế giới quan xung quanh chúng (người, vật, ảnh) rồi vẽ lại trên mặt đất hay trên giấy, bảng những nét thô sơ, ngoằn ngoèo.
Với những trẻ này, phụ huynh nên đưa các cháu đến các CLB mỹ thuật dành cho thiếu nhi hoặc đăng ký cho các cháu học thêm môn Mỹ thuật để định hướng và phát triển năng khiếu. Nếu được định hướng tốt và lâu dài, lớn lên các cháu sẽ có điều kiện tiếp cận với những ngành nghề mang tính khéo tay, kỹ thuật cao như: kiến trúc, kỹ thuật đồ họa, mỹ thuật trang trí, hội họa chuyên ngành, thiết kế thời trang…
Ở nước ta hiện nay, trong các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS, đã có thay đổi về môn Giáo dục mỹ thuật rất nhiều.
Giáo án mới hình thành, chú tâm đến phát triển năng khiếu là chính. Hiện tại, các lớp vẽ thiếu nhi tại các tỉnh- thành cũng có những cách huấn luyện trẻ theo một tiêu chí mới. Tiêu chí đó gồm các phần sau:
Trước tiên, tập cho các cháu nhìn và ghi nhận lại cách vẽ tự phát: Giáo viên để cho trẻ tự phác họa, vẽ qua một đề tài mà giáo viên gợi ý (vẽ mẹ cha, cảnh vật, các con thú,…).
Rồi thông qua bài vẽ, giáo viên sẽ phát hiện ra năng khiếu của trẻ ở cấp độ hay lĩnh vực nào! Có cháu thiên về trang trí mang tính kỹ thuật, có cháu thiên về vẽ mỹ thuật chuyên ngành. Trong quá trình này, chúng ta không nên nhúng tay can thiệp vào bản vẽ của trẻ.
Tiếp theo, cho trẻ tham dự vào cách thể hiện đề tài theo quan điểm riêng của trẻ: Đa số trẻ em đều thể hiện tranh của mình bằng không gian đồng hiện và góc nhìn thị điểu. Không gian đồng hiện có nghĩa là không tính đến luật thấu thị về đường tầm mắt (chẳng hạn, không gian đồng hiện trong các tranh dân gian ở các phù điêu cổ).
Qua sự tưởng tượng, tất cả đều hiện ra trên một mặt phẳng, chi tiết nhân vật quan trọng được vẽ to ở trên hoặc chính giữa. Các chi tiết khác được thể hiện trên bình diện phẳng chung quanh. Riêng góc nhìn thị điểu có nghĩa là nhìn sự vật như cách nhìn của loài chim: nhìn từ trên cao nhìn xuống. Một bức vẽ qua góc nhìn thị điểu sẽ giống như một tấm bản đồ.
Kế đến, giáo viên sẽ hướng dẫn thêm cho trẻ, đồng thời phát huy cách vẽ này theo một bố cục đẹp và hài hòa mà trình độ của người hướng dẫn đã có. Tuyệt đối không dạy cho các cháu cách vẽ bắt chước hiện thực, gợi khối nổi 3 chiều như hội họa của người lớn.
Bước tiếp theo, ta nên tập cho các cháu tự quen với bảng màu (tô màu bằng màu sáp, màu pastel, màu nước…). Ta cũng nên cho trẻ biết về cách kết cấu bảng tuần hoàn màu, thế nào là màu trung gian chuyển tiếp.
Song song đó, ta cũng chấp nhận cho trẻ xử lý màu theo kiểu tự phát, kể cả việc tô màu lạnh kề bên màu nóng. Sau đó, chúng ta chỉ cần hóa giải cho tranh của các cháu bằng cách dùng màu đen hoặc trắng hay lam để viền nét.
Phát huy năng khiếu của trẻ qua cách tôn trọng và gợi ý cho các cháu vẽ theo cách nghĩ của mình. Chúng ta không nên can dự quá sâu vào hoặc chỉnh nét theo khuynh hướng vẽ hiện thực.
Sau cùng, ta nên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại, mục đích giúp trẻ quen nhìn cảnh vật thay đổi. Nhìn không gian bên ngoài, sẽ tạo sự hưng phấn giúp các cháu có sự đam mê và phát triển tốt năng khiếu.
Thông qua những nhận định trên, ta không nên để quá trễ trong giáo dục về năng khiếu. Khi trẻ ở độ tuổi đã lớn, các cháu sẽ tiếp cận với nhiều thông tin trên mạng xã hội, trên các hệ thống thông tin truyền thông. Khi này, tâm hồn các cháu rất dễ bị chệch hướng, bị thu hút đi vào chiều hướng xấu. Vì thế, sự định hướng cho các cháu không gì tốt bằng là từ ở độ tuổi từ 5- 7.
Hiện nay, theo xu hướng hội nhập quốc tế, việc sớm định hướng và phát triển khả năng của trẻ em theo đường hướng đúng đắn là công việc mà các bậc phụ huynh nên đầu tư dài lâu, theo đúng tinh thần “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
TÍN ĐỨC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin