Đầu năm học bàn chuyện học sinh bỏ học

07:08, 20/08/2014

Bỏ học là một trong những vấn đề nan giải của ngành giáo dục không chỉ ở Vĩnh Long nói riêng mà ở cả nước nói chung. Tuy nhiên, do nắm được những nguyên nhân học sinh (HS) bỏ học, nhất là bậc trung học mà ngành giáo dục Vĩnh Long đang dần kéo giảm tình trạng này…


Các hoạt động phong trào cho HS gắn với trường học, bạn bè hạn chế tình trạng bỏ học.

Bỏ học là một trong những vấn đề nan giải của ngành giáo dục không chỉ ở Vĩnh Long nói riêng mà ở cả nước nói chung. Tuy nhiên, do nắm được những nguyên nhân học sinh (HS) bỏ học, nhất là bậc trung học mà ngành giáo dục Vĩnh Long đang dần kéo giảm tình trạng này…

Chặn bỏ học ngay “từ gốc”

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến HS bỏ học là học yếu. Do đó, những năm gần đây các đơn vị giáo dục trong tỉnh đã không ngừng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng này.

Theo kinh nghiệm của các trường, nếu để HS bỏ học rồi đi vận động lại rất khó khăn và ít HS đi học lại. Thế nên, quan trọng là phải ngăn chặn HS bỏ học ngay từ ban đầu. “Nguyên nhân chủ yếu khiến HS bỏ học là học yếu nên chán nản và… nghỉ”, thầy Lê Thành Hiếu- Hiệu trưởng Trường TH Cấp II- III Phú Quới nói.

Ngăn HS bỏ học phải ngăn từ cái gốc học kém. Thông thường HS nghỉ nhiều khi bước sang lớp 10 do chương trình học khó hơn, các em không theo kịp. Sau học kỳ I với học lực yếu, nhiều HS chán và dẫn đến tình trạng bỏ học.

Giải pháp của Trường TH Cấp II- III Phú Quới là tạo cho các em một môi trường học tập nhẹ nhàng, thoải mái, vừa sức không quá áp lực. Bên cạnh, trường còn thực hiện nhiều biện pháp nâng kém để HS học tốt hơn và thích đi học hơn.
 
“Trước khi nghỉ tết, trường còn tổ chức đại hội phụ huynh HS khối 10. Bởi, công tác chống bỏ học của HS cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và Nhà nước”- thầy Hiếu cho biết thêm.

Trong khi đó, Trường THPT Tam Bình có biện pháp “chăm sóc” các em HS thuộc dạng nguy cơ, HS cá biệt. Thầy Hiệu trưởng Hồ Trọng Nhân cho rằng: “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với HS để các em không có ý nghĩ giáo viên ghét bỏ mình mà chán học. Ngoài ra, giáo viên phải thật sự quan tâm đến HS và biết… cương nhu đúng lúc”.
 
Thầy Nhân cho rằng vai trò của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm rất lớn trong vấn đề tâm lý HS, tránh bỏ học.

Nhiều gia đình HS không xem trọng việc học và “khoán trắng” HS cho trường cũng khiến các em không say mê học hành. Cho nên, kết hợp chặt chẽ với gia đình cũng rất quan trọng- thầy Nhân nói. Bên cạnh, việc nâng kém cũng được trường quan tâm để HS học tốt hơn và thích đến trường hơn.

Đồng quan điểm trên, Trường THPT Vĩnh Long luôn xem lớp 10 là năm rất quan trọng và “thường chọn mặt gửi vàng” cho những giáo viên tâm lý làm chủ nhiệm- thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long nói.
 
Song song đó, trường còn tổ chức các buổi dã ngoại, phong trào cho HS tham gia để các em vừa học vừa chơi. Ở mỗi lớp, sẽ có một số HS làm công tác chuyên nắm bắt tình hình của các bạn trong lớp, thường xuyên báo lại cho giáo viên để kịp thời ngăn chặn HS bỏ học, đánh nhau,…

Trong khi đó, theo thầy Phạm Hữu Thế- Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đức thì ngay từ đầu năm học, thầy cô chủ nhiệm sẽ chú ý đến các em có nguy cơ bỏ học. Qua đó, nắm bắt khó khăn, nguyện vọng của các em để có hướng vận động, xử lý.

Năm học qua, nhà trường chỉ có 1 em bỏ học vì một nguyên nhân khách quan, còn những em còn lại đều được vận động đi học trở lại. HS bỏ học của nhà trường trong những năm qua được kéo giảm rõ rệt.

Từ cái tâm của thầy

Không phân biệt đối xử với HS, thường xuyên cảm thông chia sẻ giúp HS học tốt hơn và hạn chế tình trạng HS bỏ học.
 
Từng là một trong những trường “đội sổ”- có nhiều HS bỏ học. Các trường THPT Tam Bình, TH Cấp II- III Phú Quới đã và đang cố gắng kéo giảm tỷ lệ này. Không chỉ có vậy, 2 trường này còn có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp 100% trong thời gian vừa qua.

Thầy Lê Thành Hiếu nhớ những năm trước, cao điểm có đến hơn 8% HS bỏ học và chuyện đánh nhau xảy ra như ăn cơm bữa. Thế nhưng, năm học này trường còn khoảng 3% HS bỏ học. Thầy Hiếu nói: “Tỷ lệ này vẫn còn cao hơn mức trung bình của tỉnh, nhưng đó là kết quả phấn đấu của cả tập thể mấy năm nay”.

Khó khăn hơn, Trường THPT Tam Bình từng có tỷ lệ HS bỏ học ngất ngưởng hơn 17%, nay còn 5%. Thầy Hồ Trọng Nhân vẫn đang cố gắng giảm con số này:

“Dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn nhiều HS bỏ học lắm. Trường đang thực hiện nhiều biện pháp phối hợp để ngăn tình trạng này”.

Sau 2 năm thực hiện các biện pháp: nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với gia đình, địa phương cùng với tổ chức nâng kém,… tỷ lệ HS bỏ học của trường đã giảm đáng kể.

Thầy Phạm Hữu Thế nói thêm, có những trường hợp HS bỏ học, sự yêu mến học trò của giáo viên sẽ phần nào giúp các em đi học trở lại.
 
“Có những HS bỏ học, đi làm hoặc bỏ địa phương, nhà trường, giáo viên phải thông qua bạn bè, người thân,… cùng nhau động viên các em đến trường, quyết không để các em bỏ học giữa chừng. Nếu có khó khăn thì sẽ giúp các em. Ngay cả những ngày đầu năm học, nhà trường sẽ rà soát lại HS có nguy cơ để giúp đỡ, giảm học phí, tận dụng các nguồn đóng góp Mạnh thường quân,… để các em không còn mặc cảm mà bỏ ngang con chữ nơi trường học…”

So với khoảng 3 năm trước đây, tình hình bỏ học của HS trong tỉnh Vĩnh Long đã giảm đáng kể. Từ một tỉnh có số HS bỏ học cao trong khu vực, năm học 2013- 2014, tỷ lệ HS bỏ học còn 0,85 thấp hơn 0,37% so với tỷ lệ trung bình của ĐBSCL là 1,22%. Đặc biệt, tỷ lệ HS bỏ học ở cấp THCS và THPT kéo giảm từng năm. Cụ thể, năm học 2009- 2010, tỷ lệ HS THCS, THPT bỏ học lần lượt là 2,38% và 6,28%. Đến năm học 2013- 2014, tỷ lệ lần lượt giảm còn 1,29% và 2,24%...

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh