Bạn có từng bị “bùa thi” chi phối?

03:01, 03/01/2014

Đang làm bài “ngon lành” thì bị quên mất một đoạn, bạn sẽ làm gì? Hỏi nhỏ bạn kế bên hay tìm xem thầy ở đâu để còn “tranh thủ lật tập”, lật… “bùa”? Không ít bạn thú nhận đã từng gian lận trong thi cử… Biết là thói xấu, bị phê phán nhưng nhiều bạn khi đã “nhúng chàm” thì cứ bị “bùa thi” chi phối…


Giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó của bạn trẻ là việc làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đang làm bài “ngon lành” thì bị quên mất một đoạn, bạn sẽ làm gì? Hỏi nhỏ bạn kế bên hay tìm xem thầy ở đâu để còn “tranh thủ lật tập”, lật… “bùa”? Không ít bạn thú nhận đã từng gian lận trong thi cử… Biết là thói xấu, bị phê phán nhưng nhiều bạn khi đã “nhúng chàm” thì cứ bị “bùa thi” chi phối…

Đa số nói “có”

Chia sẻ thông tin trên cộng đồng mạng, nhiều bạn trẻ vui vẻ kể về những kỷ niệm thời học sinh (HS) với những lần quay cóp, lật “bùa” của mình. Thậm chí có bạn còn khẳng định: ai đi học mà không từng gian lận!

Bạn Nguyễn Thị Phương Thảo (Vũng Liêm) không thường xuyên lật “bùa” trong các kỳ kiểm tra nhưng vẫn xem đó là giải pháp đầu tiên mỗi khi quên bài.

Phương Thảo cười: “Lần đầu lật tập là năm lớp 7, lúc đó mình run lắm nhưng đuối quá nên làm liều”. Vậy là sau cái lần đầu tiên ấy, Phương Thảo ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn- canh thầy, xem bài cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, Phương Thảo luôn nhắc mình: “Tốt nhất là mình tự học bài, chỉ lật khi nào… cần thiết thôi”.

Nhiều người vẫn hay cho rằng các bạn HS giỏi thì không “lật bùa” nhưng sự thật thì không hẳn như vậy. Bạn Nguyễn Tân Khoa (Tam Bình) là HS giỏi 12 năm liền đã lật tài liệu 3 lần trong đời vì “bí” và bởi áp lực điểm số.

Khoa nói: “Không phải lúc nào mình cũng nhớ bài, đôi khi quên nên cũng cần coi lại để kiểm chứng”. Một căn bệnh tâm lý mà các bạn HS giỏi thường mắc phải là chỉ tin vào bản thân và tài liệu nên khi quên thì phải giở tập ra thôi!

Phan Thị Cẩm Hằng (Bình Minh) thì lại có cách làm khác, Hằng không bao giờ trực tiếp lật tài liệu mà thường hỏi bài bạn kế bên hoặc nhờ bạn lật “bùa” dùm! Chiêu này kể ra cũng ngộ nhưng theo Hằng phân trần: “Nhiều bạn không biết nên lật đúng chỗ, mình sẵn đó chỉ cho bạn biết và hỏi chút chút đâu có sao”.

Nếu có nhiều HS công nhận đã từng gian lận thì liệu giáo viên có phát hiện không nhỉ? Câu trả lời đa số cũng là có.

Theo nhiều giáo viên, tùy theo đề kiểm tra, mức độ gian lận mà giáo viên xử phạt hay trừ bao nhiêu điểm chứ “dù tinh vi cỡ nào thì chỉ cần chú ý tay mắt các em là thấy lật “bùa” ngay”. Các thầy cô này còn khuyến cáo rằng, đối với những HS chỉ biết trông chờ vào việc quay cóp, “bùa thi” thì kết quả học tập không bao giờ cao được.

 

Để tuổi trẻ không trôi qua vô vị, bạn trẻ phải biết sống và hành động vì lợi ích cộng đồng.

Gian lận thi cử có được chấp nhận?

Gian lận là một thói xấu, dĩ nhiên là không được chấp nhận rồi.

Bạn Võ Thanh Hậu (Long Hồ) cho rằng gian lận là rất không nên vì: “Bạn phải học bằng chính sức của mình chứ không phải nhờ vào tài liệu”. Tuy nhiên, theo Hậu thì việc hỏi nho nhỏ bài bạn là “có thể chấp nhận được”.

Việc gian lận trong những lần kiểm tra nhỏ có thể không ảnh hưởng mấy đến kết quả học tập của bạn, vì “bất quá bị trừ vài điểm” nhưng lật tài liệu trong các kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp, thi đại học thì rất gay go, có thể bị đình chỉ thi, thế nên “đừng dạy dột mà lật bùa trong những lần thi đó”- Hồ Thị Kim Yến (Tam Bình) nói.

Dù thi thoảng cũng có gian lận nhưng Kim Yến cho là mình chưa bao giờ ỷ lại vào tài liệu mà không học bài. Bạn cho rằng “gian lận cũng là một chứng bệnh mà không khéo sẽ thành ghiền”.

“Nhiều khi có tài liệu cũng không lật được mà cho dù lật được cũng không có gì để chép”- Nguyễn Thị Cẩm Tuyết (TP Vĩnh Long) nói. Tuyết đang là sinh viên ngành kế toán và các bài thi chủ yếu là bài tập. Riêng các phần học bài lại là các môn chính trị “đề mở” và đã mở rồi thì “nhiều khi đem theo cả đống tài liệu mà không có học thì cũng không biết lật chỗ nào”- Tuyết chậc lưỡi.

Tuyết suy ra rằng, một khi thầy cô đã cố tình cho đề nằm ngoài bài vở, cần tư duy thì HS, sinh viên có muốn gian lận cũng không được.

Các thầy cô giáo tuy không quá mạnh tay trong các trường hợp gian lận trong thi cử ở lớp nhưng đều có các giải pháp riêng. Điều chắc chắn rằng, các gương mặt thường xuyên gian lận sẽ được “chú ý” nhiều hơn trong các kỳ thi. Bài kiểm cũng được chấm kỹ hơn các bạn khác và bạn cũng nên nhớ rằng không ai học giỏi nhờ gian lận cả.

Bài, ảnh: CHI LINH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh