Bạn trẻ và hành trang tìm việc

12:12, 13/12/2013

Tìm việc làm sau khi ra trường đã trở thành gánh nặng đè lên tâm lý của sinh viên (SV) ngay khi làm hồ sơ thi đại học. Không có một ngành nào chắc chắn có việc làm, chỉ có năng lực và những kỹ năng thật sự mới là hành trang vững chắc cho bạn trẻ bước vào đời.


Nhiều bạn trẻ vẫn luôn băn khoăn khi chọn ngành vì sợ thất nghiệp khi ra trường.

Tìm việc làm sau khi ra trường đã trở thành gánh nặng đè lên tâm lý của sinh viên (SV) ngay khi làm hồ sơ thi đại học. Không có một ngành nào chắc chắn có việc làm, chỉ có năng lực và những kỹ năng thật sự mới là hành trang vững chắc cho bạn trẻ bước vào đời.

Chuyện của trường

Thực tế cho thấy, nhiều trường ĐH, CĐ đang đào tạo mà chưa bám vào nhu cầu xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân khiến SV mới ra trường khó tìm được việc làm.
 
Đa số SV thất nghiệp phải đối mặt với áp lực từ gia đình nhất là đối với những SV thuộc gia đình nghèo phải vay vốn học tập thì túng càng thêm rối. Do đó, đào tạo theo nhu cầu xã hội là yêu cầu cấp thiết mà các trường cần quan tâm hàng đầu nhằm góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp.

Hơn thế nữa, đào tạo SV chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cũng là vấn đề lớn. Lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế tài chính Vĩnh Long tại buổi tư vấn hướng nghiệp cho biết: Trường chú trọng đào tạo cho SV theo hướng học đi đôi với hành. Bên cạnh tiết học là giờ thực hành, làm việc nhóm, thuyết trình,… giúp SV rèn luyện kỹ năng thực hành nghiệp vụ.

Giáo án cho SV cũng không kém phần quan trọng. Bạn Bùi Như Ngọc (Trà Ôn) cho rằng: “Kiến thức mà tôi tiếp thu được trong quá trình học khác nhiều so với việc làm khi ra trường, làm tôi rất bỡ ngỡ và lúng túng”. Không ít doanh nghiệp cũng than phiền SV “không biết đã học được gì khi ngồi trên giảng đường”.

Bên cạnh, việc đào tạo kỹ năng mềm cho SV cũng rất quan trọng. Những kỹ năng đó được rèn luyện qua các hoạt động, các phong trào do Đoàn trường phát động. Tin rằng, nếu hoạt động của trường hấp dẫn, đi vào chiều sâu sẽ thu hút nhiều SV tham gia.

Nhiều trường còn có quan hệ tốt với các doanh nghiệp tuyển dụng để tìm đầu ra cho SV. Trường ĐH Cần Thơ thường xuyên tổ chức “Ngày hội việc làm”, ĐH Xây dựng Miền Tây có ngày hội Bạn trẻ với doanh nghiệp, ĐH Cửu Long có Trung tâm Giới thiệu việc làm cho SV.

Việc của trò

Nói cho cùng, chuyện thất nghiệp phần lớn là do khả năng của SV, các bạn chưa biết cách “bơi” để tìm kiếm cơ hội tự cứu mình khỏi cơn sốt kiếm việc làm.

Trình độ thực sự được trau dồi và rèn luyện trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường là vốn kiến thức quan trọng cho SV. Thực tế, không ít SV lợi dụng cách làm việc nhóm để chây lười đùn đẩy. Bạn Đặng Mỹ Thanh- SV Trường ĐH Cần Thơ nói: “Nhiều bạn lợi dụng làm việc nhóm “được điểm chung như nhau” nên không cố gắng học chỉ biết dựa vào người khác”.

Tham gia các hoạt động xã hội là cách hiệu quả để SV rèn luyện kỹ năng mềm. Bạn Nguyễn Văn Luân (Vũng Liêm), khi SV bạn là Liên chi hội trưởng Chi hội SV Vĩnh Long và hiện đang làm việc tại một văn phòng luật cho biết: “Những hoạt động xã hội đã cho tôi vốn sống, khả năng giao tiếp, khả năng nói chuyện trước công chúng”.

Trong thời buổi cạnh tranh, để có được việc làm tốt, SV không chỉ cần có tấm bằng mà còn cần những kỹ năng mềm. Chính những kỹ năng đó sẽ góp phần quyết định SV có thể tìm được việc hay không.


Ngày hội việc làm cho SV tại Trường ĐH Cần Thơ.

Theo các trung tâm giới thiệu việc làm, những SV đang chờ việc có thể đi học thêm các lớp ngắn hạn liên quan đến chuyên ngành. Chẳng hạn như: khai báo thuế, sơ cấp kế toán, ngoại ngữ, vi tính,… Nâng cao kiến thức của bản thân là việc làm thiết thực trong giai đoạn chờ việc. Bởi, nếu không đi học gì, làm gì, áp lực tâm lý về việc làm của SV sẽ càng tăng.

Bạn Lê Phương Thảo (TP Vĩnh Long) đã từng “khủng hoảng vì gần 1 năm không có việc làm”. Rồi, Thảo quyết định đi làm và học thêm. Ban ngày, Thảo làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, tối Thảo học trung cấp kế toán.

Đồng lương bán hàng tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho Thảo trang trải việc học. Cái quý nhất từ công việc bán hàng cho Thảo là “kỹ năng tiếp xúc với nhiều dạng người, khả năng chịu áp lực công việc”. Nhiều SV trong thời gian học cũng làm thêm vừa tạo thu nhập vừa thu thập kiến thức từ cuộc sống.

Thiết nghĩ, để kéo giảm tình trạng thất nghiệp cả SV và nhà trường phải cùng cố gắng để đạt được hiệu quả cao nhất.

Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng khuyên: SV nên hiểu việc làm đúng chuyên môn theo nghĩa rộng, không nên quá kén việc. Ví dụ như em học quản trị kinh doanh có thể đi làm nhân viên marketing, nhân viên kinh doanh, nhân viên quan hệ khách hàng, quản trị,… hay thậm chí là bán hàng.

Bài, ảnh: CAO THỤY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh