Tình cảm thầy trò vẫn đẹp

01:11, 20/11/2013

Mái trường là nơi nuôi dưỡng bao thế hệ, chẳng những cho ta tri thức mà còn là những giá trị đạo đức sống. Và ở đó, vẫn có những người thầy mẫu mực, học trò ngoan với bao tình cảm ngọt ngào.

Mái trường là nơi nuôi dưỡng bao thế hệ, chẳng những cho ta tri thức mà còn là những giá trị đạo đức sống. Và ở đó, vẫn có những người thầy mẫu mực, học trò ngoan với bao tình cảm ngọt ngào.


Sự quan tâm chăm sóc của thầy cô là động lực cho HS học tốt.


Trái ngọt từ lòng kính yêu

Một khi thầy là tấm gương sáng, mẫu mực thương yêu học trò thì trò sẽ nghe theo, ngoan và học hành tiến bộ hơn. Người thầy chẳng những dạy cho học sinh (HS), sinh viên (SV) kiến thức mà còn dạy làm người, là động lực cho các bạn học và sống tốt hơn.

Đối với bạn Bùi Ngọc Như (Tam Bình), cô Huỳnh Thị Vân Hà trước đây là giáo viên dạy Hóa ở Trường THPT Tam Bình và hiện đang là Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh là một người ân. Ngọc Như nhớ lại những ngày đi học ham chơi và bị thầy cô la mắng như “ăn cơm bữa”.

Như cũng chưa bao giờ biết buồn vì điểm nhỏ. Trong một lần ra chơi, cô Hà đã trò chuyện cùng Như. Cô hỏi sao em không cố gắng học để bị điểm kém trong khi cô thấy em có thừa khả năng.

Như nhớ nhất là câu nói: “Cô tin là em có thể học giỏi hơn nhiều”. Câu nói đơn giản ấy như là động lực với Như, từ đó các điểm dưới trung bình không còn xuất hiện nữa. Đặc biệt, Như bao giờ cũng cố gắng để đạt điểm cao môn Hóa.

“Thầy luôn vui vẻ và thông cảm cho học sinh, tuy nhiên lúc cần nghiêm khắc thì cũng thật là nghiêm khắc”. Đó là những gì mà nhiều bạn cựu HS lớp 11A4 nói về thầy Hồ Trọng Nhân- giáo viên dạy Địa lý nay là Hiệu trưởng Trường THPT Tam Bình.

Lật lại quyển lưu bút của lớp mới thấy trong đó là bao tình cảm thầy trò: những giọt nước mắt thấm trang nhật ký ngày liên hoan cuối năm, nụ cười hồn nhiên của tất cả thầy trò trong tấm ảnh lưu niệm mà thành viên của lớp đến nay còn trân trọng cất giữ. “Mỗi năm vào mùng 3 tết, tụi mình lại rủ nhau đến nhà chúc tết thầy”- bạn Võ Hoàng Phúc nói.

“Thầy rất ít nói về mình nhưng những gì chúng tôi học được từ thầy thì rất nhiều”- Bạn Võ Hồng Thể (SV Trường ĐH Cần Thơ) nói về thầy Nguyễn Hoa Bằng- giảng viên- của mình.

Thầy có lối sống giản dị gần gũi lắm. Hồng Thể nhớ mãi tết nhà giáo năm đó “lớp tôi chuẩn bị sẵn cái hoa cài áo và một món quà tặng thầy nhưng thầy chỉ nhận cái hoa cài áo”. Thầy Bằng đã cảm ơn món quà của lớp nhưng thầy chỉ xin nhận tấm lòng của các em thôi.

Để xích lại gần nhau hơn

Thầy cô giáo cũng từng là những HS, từng có những vi phạm và những lúc nghịch ngợm. Do đó, sự cảm thông chính là sợi dây liên kết gắn chặt tình thầy trò. Cách cư xử khéo léo cũng là một liệu pháp để thầy trò càng gần nhau. Một thực tế cho thấy là khi HS yêu thầy mến lớp thì sẽ học tốt hơn.

HS Thạch Văn Hậu ở Trường PT Dân tộc nội trú và các bạn luôn cảm thấy hạnh phúc với những tình cảm mà các thầy cô trong trường dành cho mình. “Các thầy cô ở đây gần gũi như cha mẹ chúng em vậy đó”- Hậu nói. Với số lượng HS không nhiều, các thầy cô ở trường hình như nhớ rõ tên của từng em cũng như hoàn cảnh gia đình, sở thích,…

Nhờ đó, sự quan tâm chăm sóc đúng đắn và thiết thực hơn. Đáp lại sự tin yêu của thầy cô các HS lớp 12 của trường năm học 2012- 2013 đã đậu tốt nghiệp 100%. Hậu nói thêm: “Nhớ hồi cuối năm học, chúng em đã khóc vì phải xa thầy cô, xa mái trường”.

Nhiều giáo viên cho rằng, hiểu tâm lý HS chính là điều kiện then chốt để thầy trò gần nhau hơn hiệu quả giáo dục vì thế càng tăng. HS ở những lứa tuổi khác nhau thì có tâm sinh lý khác nhau. Ngoài ra, tâm lý HS còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế gia đình, môi trường sống,…

Một giáo viên chia sẻ: Mỗi khi nhận lớp chủ nhiệm, tôi luôn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, sức học của từng HS, tạo mối quan hệ với gia đình các em để giáo dục các em tốt nhất có thể. Chỉ có lòng yêu nghề, tình yêu học trò thì người thầy mới thực hiện tốt nhất vai trò của mình.

Bài, ảnh: CHI LINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh