Thế là một ngày 20/11 nữa lại đến, đối với tất cả học sinh (HS), ngày này là dịp để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, đối với nhiều thầy cô giáo, không chỉ là đến lớp để giảng bài, mà còn là tấm gương sáng để HS noi theo trong suốt cuộc đời,…
Không chỉ lên lớp để dạy, nhiều thầy cô giáo còn là chỗ dựa,
là động lực cho các học sinh (ảnh minh họa).
Thế là một ngày 20/11 nữa lại đến, đối với tất cả học sinh (HS), ngày này là dịp để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, đối với nhiều thầy cô giáo, không chỉ là đến lớp để giảng bài, mà còn là tấm gương sáng để HS noi theo trong suốt cuộc đời,…
Mỗi thầy cô là một tấm gương
Mỗi thầy cô giáo, trong suốt thời gian giảng dạy, dù dài hay ngắn đều để lại hình ảnh tốt đẹp đối với các em HS. Không chỉ là cách dạy, cách truyền đạt, mà đó còn là một lối sống đạo đức, tinh thần tự học.
Cô giáo Phan Thị Sang- giáo viên Trường THCS thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh), tuy đã sắp đến tuổi về hưu nhưng với cô, lòng yêu nghề đã thôi thúc cô không ngừng học hỏi. Cô tâm sự, hiện nay việc giảng dạy thông qua công nghệ thông tin đang dần phổ biến, cô không để mình tụt hậu nên cố gắng mày mò, học tập.
Với hơn 33 năm trong nghề, cô được công nhận là giáo viên giỏi tỉnh không thời hạn, đạt danh hiệu Viên phấn vàng, được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba... Tuy nhiên, phần thưởng và cũng là niềm vui lớn nhất trong suốt cuộc đời làm giáo viên của cô là những học trò yêu, dù hoàn cảnh nào cô cũng muốn các em là một công dân có ích cho xã hội.
Trong khi đó, với cô Trần Thị Cẩm Nhung- giáo viên Trường Mẫu giáo Tân Mỹ (Trà Ôn), tình thương với trẻ nhỏ luôn cho cô niềm động lực lớn, nhất là đối với những khó khăn khi mới bước vào nghề. Bằng tất cả sự quyết tâm, các “con” của cô, phần lớn là trẻ người dân tộc Khmer đều yêu mến cô như “mẹ”.
Đại diện nhà trường cho biết, cô Nhung là giáo viên tận tụy, giỏi chuyên môn, tinh thần tự học cao và là giáo viên rất được sự tín nhiệm của phụ huynh, đồng nghiệp, các trẻ thì yêu mến.
Thầy Thạch Sơn- Trường Tiểu học Hựu Thành B (Trà Ôn) là một trong những giáo viên vinh dự được nhận danh hiệu Viên phấn vàng năm 2013. Thầy là một tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo.
Thầy cho biết, khi đứng lớp cũng như làm các công tác chuyên môn thì cái tâm người thầy phải sáng, không vì lợi ích bản thân. Theo thầy, sự nghiệp trồng người, đào tạo ra một thế hệ có tốt hay không là do người thầy…
Cô Nhung, cô Sang, thầy Sơn là một trong nhiều đóa hoa tươi thắm, là những tấm gương giáo viên được nêu gương điển hình trong phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Họ đều có một quá trình phấn đấu không ngừng.
Nói về tấm gương của mỗi thầy cô giáo, thầy Trần Ngọc Ẩn- Hiệu trưởng Trường THCS Cái Vồn nhận định: Mỗi giáo viên phải tự hành động, tự thay đổi để HS thấy đó mà học tập. Vấn đề đạo đức của người thầy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các em.
Bởi thế, “tiên học lễ, hậu học văn”, mỗi nhà giáo phải có và dạy HS mình cái lễ trước rồi mới đến kiến thức… Khi mỗi người thầy là một tấm gương thì nhiều HS noi theo. Từng bước, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em ngay cả trong kiến thức, đạo đức, lối sống,… Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của người làm thầy.
Không chỉ là lên lớp để dạy…
Đối với HS, trong thầy giáo, cô giáo là thấp thoáng hình ảnh của người cha, người mẹ thứ hai. Bởi thầy cô không chỉ đơn thuần là lên bục để giảng bài, mà còn là tấm gương, là sự chia sẻ, là động lực lớn để các em bước đi trong suốt cuộc đời.
Trò chuyện với thầy N. Q. T. Nh- giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (xin được giấu tên) mới thấy hết tấm lòng của một người thầy. Hiện mỗi ngày, thầy đều nhận HS đến dạy thêm mà không lấy thù lao.
Thầy cho biết, bản thân các em đã cho thấy sự quyết tâm học tập, bản thân mình là thầy giáo phải có nhiệm vụ dạy sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
“Cái quý nhất của thầy là nhìn thấy các em trưởng thành, có học vấn, việc làm ổn định. Sau khi ra trường, còn nhớ đến tên thầy, gặp và chào thầy là được…” Bản thân thầy cũng vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ nhằm nâng cao kiến thức, truyền đạt có hiệu quả hơn cho các em HS.
Nói về người thầy của mình, anh Nguyễn Kha (Long Hồ) cho biết: Những năm cuối THPT, khi mình là một HS huyện lên tỉnh học, mọi điều kiện vật chất, tinh thần gần như hụt hẫng.
Khi đó, nhờ thầy chủ nhiệm mà mọi khó khăn đều vượt qua. “Không chỉ lên lớp dạy, sinh hoạt, mà khi về nhà- lúc đó thầy cũng ở trọ- thầy trò giống như 2 anh em, thầy chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống, học tập. Lúc đó, hoàn cảnh thầy cũng rất khó khăn nhưng nhiều lần thầy gọi sang dùng bữa chung, có gì ăn nấy…”
Cô Phan Thị Sang dù sắp đến tuổi hưu nhưng cô vẫn miệt mài với HS yêu quý của mình.
Là một giáo viên cấp 2- cô Trầm Thị Trâm Anh- giáo viên Trường THCS Phú Đức lúc nào cũng canh cánh trong lòng mỗi khi HS của mình không hiểu bài hay có những lúc nghịch phá vi phạm nội quy. Cô cho biết, đối với giáo viên, tài sản quý giá nhất là HS. Cho nên, các em có như thế nào thì cũng là những người em, người con của mình.
“Phải uốn nắn, giáo dục, không chỉ truyền đạt kiến thức về các môn học mà còn là đạo đức, lối sống. Các em như một trang giấy trắng, người thầy tốt thì các em tốt. Mỗi thầy cô phải là một tấm gương thật sự để các em noi theo…”
Thầy Thạch Sơn chia sẻ khi vinh dự nhận danh hiệu Viên phấn vàng: “Đây là một vinh dự lớn trong đời, với tâm huyết của một người thầy tất cả là cho HS. Các em chính là thế hệ tương lai, thì bản thân người thầy phải tự thấy trách nhiệm mà hướng dẫn các em đến với những thành công…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp phát biểu trong lễ họp mặt kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam đã biểu dương và ghi nhận công lao, tấm lòng tận tụy của quý thầy giáo, cô giáo, của những nhà quản lý giáo dục tỉnh nhà. Ông nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành giáo dục cần tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
|
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin