
Đó là thầy Phạm Hùng Dũng, hiện là Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long. Nghe thầy chia sẻ mới thấy được lòng yêu nghề của một nhà giáo…
Đó là thầy Phạm Hùng Dũng, hiện là Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long. Nghe thầy chia sẻ mới thấy được lòng yêu nghề của một nhà giáo…
Thầy Phạm Hùng Dũng kể về khoảng thời gian 12 năm đạp xe đi dạy.
Gặp thầy vào những ngày chuẩn bị kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ít hơn 1 năm từ khi thầy bắt đầu dạy ở trường- khi đó là Trường Sư phạm cấp 2 vào năm 1981 và thầy là giảng viên dạy Toán.
Đến nay, với 32 năm trong nghề thì thầy có hết 12 năm (1981- 1993) đạp xe từ xã Hòa Khánh (Cái Bè- Tiền Giang), cách nơi làm việc hơn 30 cây số để đi dạy. “Tính ra, suốt 12 năm đó, mỗi ngày đi dạy và về bằng chiếc xe đạp thồ hư lên hư xuống ngót nghét hơn 60 cây số. Giờ nghĩ lại cũng thấy sự nỗ lực của mình thật… ghê”- thầy Dũng chia sẻ.
Câu chuyện 12 năm đạp xe đi dạy được nhiều thầy cô trong Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long biết đến. Thầy Dũng cũng chia sẻ việc này trong ngày tọa đàm với các giảng viên trẻ vào đầu năm học. Khi đặt câu hỏi sao không ở lại trường cho thuận tiện cho việc dạy học, thầy Dũng trả lời ngắn gọn: “Hoàn cảnh thôi, về ở với cha mẹ, đâu bỏ được”.
Quê gốc của thầy vốn ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ- Vĩnh Long), sau đó chuyển về xã Hòa Khánh. Các chị em trong gia đình đều công tác xa nên thầy phải về ở với cha mẹ già. Cứ thế, trong 12 năm đó, từ 4 giờ sáng đạp xe đi dạy, về tới nhà có khi trời đã tối mịt.
“Có khi tới trường, hai bàn tay dính đầy nhớt do dây sên hư. Mình đi dạy trên xe lúc nào cũng có cái giỏ để đủ “đồ nghề” vá xe, bơm xe… Thời bao cấp đâu phải dễ mua phụ tùng thay thế, ruột xe thì vá chồng vá, vỏ xe thì may đi may lại. Về sau nhà trường tạo điều kiện cho một chiếc xe đạp khác, cũng cọc cạch nhưng đỡ phần vất vả hơn. Mấy cái xe giờ bị hư, mục nát nhưng vẫn để ở nhà làm kỷ niệm…”
Với 12 năm đạp xe đi dạy, thầy vẫn nhớ như in những ngày mưa gió, đường sá khó khăn. Hiện giờ thầy vẫn đi và về cách gần 60 cây số, nhưng đi xe máy nên đỡ vất vả hơn. Nhiều thế hệ học sinh của thầy giờ đã thành công, cũng có người nắm giữ các chức vụ trong cơ quan nhà nước. Thầy có 2 người con gái giờ cũng đã có việc làm ổn định.
Với người thầy sinh năm 1958, chỉ còn ít lâu nữa cũng đã đến tuổi hưu. Về khoảng thời gian cực khổ, thầy nói cũng vì lòng yêu nghề mà bám trụ được trong ngành cho đến ngày hôm nay.
Thầy chia sẻ: Tuổi trẻ phải nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm làm đến cùng thì mới có thể thành công. Nếu không có quyết tâm thì có lẽ giờ thầy không phải là nhà giáo, cũng không có câu chuyện 12 năm cùng chiếc xe đạp cọc cạch đem con chữ đến cho bao thế hệ học trò…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin