“Sau khi Thông tư 55 của Bộ GD- ĐT quy định về điều kiện liên thông ĐH, CĐ có hiệu lực từ ngày 7/2/2013, khoảng một tháng sau có đến 14 trường hợp sinh viên (SV) nhà trường xin bảo lưu kết quả học tập.
Thông tư mới ban hành làm các em SV CĐ “ngán”, đành bảo lưu để thi ĐH năm 2013 (ảnh minh họa).
“Sau khi Thông tư 55 của Bộ GD- ĐT quy định về điều kiện liên thông ĐH, CĐ có hiệu lực từ ngày 7/2/2013, khoảng một tháng sau có đến 14 trường hợp sinh viên (SV) nhà trường xin bảo lưu kết quả học tập.
Trong đó, có những trường ghi rõ là ôn thi ĐH”- cô Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết. Một số trường khác cũng gặp các trường hợp tương tự, nhiều thầy cô cho rằng, Thông tư 55 ban hành là đúng tính chất giáo dục nhưng chưa có lộ trình rõ ràng, gây khó cho các trường CĐ, mệt cho SV,…
Đồng loạt xin bảo lưu
Theo thông tin từ một số trường CĐ, hiện nhiều SV đã làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập. Trong đó, có khá nhiều SV nêu thẳng lý do là chuẩn bị ôn thi ĐH sắp tới. Tại trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, đã có 14 trường hợp xin bảo lưu, 3 trường hợp ghi cụ thể ôn thi ĐH.
Trong khi đó, tại Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, trong học kỳ 1 năm học 2012-2013, toàn trường có 110 SV nghỉ học, chiếm 7,58%. So với cùng kỳ năm học 2009- 2010 chỉ có 3% SV nghỉ học thì năm học 2010- 2011 có 4,7% SV nghỉ học; năm học 2011- 2012 có 1,75% SV nghỉ học.
Như vậy số SV nghỉ học ở học kỳ 1 năm học này tăng nhiều hơn so với cùng kỳ những năm học trước. Trong đó, có khá nhiều SV xin bảo lưu kết quả học tập, tuy không ghi cụ thể lý do nhưng theo thầy Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Đào tạo trường này cho rằng, các em xin bảo lưu để chuẩn bị “thử vận may ĐH 2013”.
Theo Thông tư 55, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ sau 3 năm kể từ ngày được cấp bằng đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ, ĐH phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Ngược lại, nếu chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng thì muốn nâng trình độ lên CĐ, ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông.
|
“Tụi em xin bảo lưu cho an toàn, khi thi rớt thì quay về học tiếp. Chứ nếu không thi thì kiến thức học ở trường phổ thông mất hết. Điều kiện liên thông mới thì khó khăn nên tụi em mới quyết định thử vận may lần này…”.
Theo thầy Trần Thanh Tùng- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, hiện nhà trường chưa ghi nhận trường hợp xin bảo lưu kết quả để ôn thi ĐH, tuy nhiên vẫn đang có dòng suy nghĩ này trong một bộ phận các em SV. Rất có thể xu hướng xã hội đã “khiến” các em quyết tâm thi ĐH, cho dù có phù hợp với năng lực, nhu cầu thực tế xã hội hay không,…?
Trường CĐ sẽ khó?
Khi nhắc đến Thông tư 55 về điều kiện liên thông CĐ, ĐH năm 2013, cô Nguyễn Thị Giang phân tích, tinh thần của thông tư đúng là nhằm chấn chỉnh lại đào tạo liên thông, để ngành giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, thông tư quá bất ngờ, không có lộ trình nên gây một số “tác dụng ngược”, rất có thể sẽ làm khó cho các trường CĐ. Cụ thể, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường CĐ Kinh tế- Tài chính năm 2013 đã giảm 70% so với năm học trước…
Theo ghi nhận, hết ngày 22/4, kết thúc thời gian nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, ghi nhận tại các trường trong tỉnh Vĩnh Long, số lượng hồ sơ dự thi vào CĐ giảm mạnh.
Tại Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long nhận được 774 hồ sơ, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Cũng tình hình trên, Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật chỉ nhận được 16 hồ sơ, Trường CĐ Sư phạm nhận được 58 hồ sơ, giảm nhiều so với những năm trước.
Trong khi đó, nhiều thầy cô cho rằng các em nên biết năng lực bản thân, nếu học lực trung bình thì nên thi CĐ.
Theo thầy Trần Thanh Tùng, việc thắt chặt lại trình trạng liên thông tràn lan là đúng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Nhưng rất có thể sẽ “giết chết” các trường CĐ, đơn giản vì các trường chỉ đào tạo hệ CĐ.
Các em sẽ không thiết tha học CĐ như trước để liên thông ĐH. Mặt khác, thầy cũng cho rằng xu hướng xã hội đang tự làm mất đi bản chất của giáo dục khi luôn đòi hỏi phải có tấm bằng ĐH, không cần biết là khi ra trường có việc làm hay không?
“Các doanh nghiệp luôn có cơ cấu lao động, đâu là vị trí cho ĐH, đâu là CĐ. Hay nói khác hơn là hiện nay thực trạng nhu cầu người học rất khác so với nhu cầu xã hội, dẫn đến nhiều SV học xong ĐH vẫn không có việc làm. Nhưng cần nhìn nhận khách quan là nguồn nhân lực CĐ luôn được cần nhiều hơn. Theo khảo sát của trường, tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm ổn định hàng năm luôn trên 80%”.
Cùng với nghi ngại về những khó khăn của nhà trường, các thầy cô cũng “lo” cho các em SV khi quyết định ôn thi ĐH lại. Cô Nguyễn Thị Giang cho biết: “Giả sử thi không đậu ĐH thì các em đã bỏ phí 1 năm học. Còn nếu thi đậu thì số lượng cử nhân ĐH những năm tới liệu có tìm được việc làm theo nhu cầu thực tế xã hội?”
Về phía doanh nghiệp, bà Châu Thu Thủy- Phó Giám đốc Honda Tân Thành cho biết, nhân viên của công ty vào khoảng 200 người. Tuy nhiên, đa phần trong số này có trình độ trung cấp nghề, CĐ. Nguồn nhân lực có bằng ĐH chưa chiếm đến con số 20%. “Đâu cần phải cứ là ĐH mới có được việc làm. Trong công ty có rất nhiều em tốt nghiệp CĐ nhưng vẫn ổn định công việc và thu nhập”. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin