Một ngày “làm học trò” Trường Phổ thông Dân tộc nội trú

05:04, 13/04/2013

Nhiều người cho rằng học nội trú “rất khổ”, bị quản lý về thời gian, không được ngủ nướng hay tự do đi chơi,… Để xem học nội trú “khổ” thế nào, chúng tôi đã đến huyện Tam Bình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. Và có một ngày “làm học trò” trường này.

Nhiều người cho rằng học nội trú “rất khổ”, bị quản lý về thời gian, không được ngủ nướng hay tự do đi chơi,… Để xem học nội trú “khổ” thế nào, chúng tôi đã đến huyện Tam Bình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. Và có một ngày “làm học trò” trường này.

Một ngày của các học sinh (HS) Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh bắt đầu từ 5 giờ sáng. Trong cái không khí trong lành của sáng sớm, 169 HS của trường tập hợp ra sân để tập thể dục 15 phút, khởi động cho một ngày mới. Trong khi nhiều người có thể đang cuộn tròn trong phòng ngủ thì các em lại tươi roi rói bước ra sân bởi “quen thức giờ này rồi”.

Ở nội trú, HS có thời gian học tập, vui chơi hợp lý.


Sau khi làm vệ sinh cá nhân, bữa ăn sáng đã sẵn sàng tại nhà ăn với thực đơn khá phong phú; khi thì cháo, khi thì bánh mì, cơm tấm, hủ tiếu, bánh lọt. Mỗi HS đều có chỗ ngồi thân quen trong nhà ăn này vì vậy mà các em vào vị trí và ổn định rất nhanh. Chỉ hơn 15 phút sau, bữa sáng kết thúc, chén bát được các em tự động mang tới cho các cô cấp dưỡng.

Cô Huỳnh Thị Vân Hà- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ số tiền học bổng hàng tháng, trường nấu ăn, mua các vật dụng sinh hoạt cá nhân, cho các em ăn trái cây, ăn nhẹ vào cuối tuần. Ngoài ra, hàng tuần mỗi HS còn được 10.000đ để xài vặt. HS Thạch Thị Hậu khoe: “Không có việc gì cần xài tiền, em để dành lâu lâu đem về cho mẹ hoặc mua quần áo đi học”.

Tiếp theo 5 tiết học chính khóa là bữa trưa với 2 món: 1 rau, 1 mặn. Dù chỉ có 2 món nhưng thức ăn khá nhiều và HS không phải dè sẻn. Chị cấp dưỡng vui vẻ: “Cứ sáng thịt thì chiều cá hoặc thịt gà, vịt. Thực phẩm được đặt mua chỗ tin cậy để đảm bảo vệ sinh, còn rau thì phần nhiều là của HS tự trồng rồi bán lại cho nhà ăn nên đảm bảo sạch”.

Mỗi HS ở đây đều có 1 luống đất riêng để trồng rau: xà lách, củ cải trắng, mướp, bầu, cải xanh, rau muống,… Sau giờ nghỉ trưa và ôn luyện buổi chiều, HS ra chăm sóc luống rau của mình. “Bạn nào trồng giỏi mỗi đợt bán cũng được đủ tiền mua quần áo”- Sơn Thành Công, HS lớp 10 nói.

Thành Công cũng có một luống rau muống mới trồng, em cười: “Chuyến rồi em trồng cải ngọt thấy cây lớn nhanh vun vút, mỗi ngày chỉ cần không tới 30 phút chăm sóc mà lại có tiền nữa!” Cạnh đám rau của Công, có luống rau muống tươi tốt đã được cắt 1 nửa của em Sơn Sóc Khây Na, HS lớp 11. Khây Na khoe: “Từ đầu năm đến giờ, em đã bán được hơn 400.000đ rau muống rồi đó”.

Vườn rau của trường xanh tươi mơn mởn mà theo cô Vân Hà thì đây là thành quả của cả phụ huynh và HS: “Cha mẹ các em vào thăm rồi lên luống, đem phân rơm cho các em và hướng dẫn cách trồng”. Nhờ vậy, vườn trường không phải là khuôn viên “hoa chăm cỏ xén” nhưng lại xanh tươi mát mắt với những rau quả hữu dụng. Một hàng sả thẳng tắp, mấy dây bầu trĩu quả, giàn mướp đơm bông.

Gần đó là đám rau muống, cải xanh đủ cỡ đảm bảo không trùng ngày thu hoạch để tránh “cung vượt cầu”. Một vài luống hoa kiêu hãnh xen giữa đám cải chắc là của HS nữ nào đó đang chuẩn bị nở hoa. Bờ rào sau trường cũng được tận dụng để mấy dây đậu thoải mái leo cùng với mấy dây thiên lý ra bông. Bất giác, chúng tôi ước mình cũng có một luống đất riêng!

Vì các chị cấp dưỡng đã về nhà, ăn cơm chiều xong, HS thay phiên nhau rửa chén. Cứ tuần tự luân phiên nhau như trực lớp, không cần nhắc nhở, mọi việc nhanh chóng, gọn gàng. Xong đâu đó, các em HS ùa ra sân chơi thể thao: đá banh, cầu lông, bóng chuyền,…

HS học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú có đủ cơ sở vật chất để học tập tốt.

Mặt trời xuống dần, buổi tối tự học bài của HS được thầy cô kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả. Rồi tiếng cười nói dần dần tắt sau 21h30 và đến 22h30 thì ngọn đèn ngủ ở mỗi phòng được bật lên...

Không biết học nội trú có “khổ” không, chỉ nghe Thạch Thị Anh Thư, HS có 5 năm học ở trường nói là “nhớ bạn bè thầy cô đến phát khóc mỗi đợt hè, năm nay là năm cuối rồi chắc là nhớ trường nhiều lắm”.

Gia đình chú Thạch Tượng (Bình Minh) có 4 con gái thì 3 con lớn đã thi vào học trường nội trú, còn con gái nhỏ thì: “Mới lớp 7, năm sau cũng thi vô đây à! Ba đứa lớn học trường này vừa ngoan hơn vừa không tốn tiền nữa! Nhà tui nghèo không được học ở nhà chắc khó lòng nuôi nổi”. Còn thầy cô, mỗi cái tên lẫn tính tình HS đều được nhớ rất rõ.

Bài, ảnh: CAO THỤY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh