Bước tiến hay bước lùi?

09:04, 10/04/2013

Bộ GD- ĐT vừa đưa ra dự thảo 2 mức điểm sàn (ĐS) trên và ĐS dưới cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Khi vừa đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều, liệu đây có phải là bước tiến trong giáo dục?


Phương án 2 ĐS sẽ là cơ hội để các trường tuyển đủ chỉ tiêu từ các nguồn học sinh có học lực trung bình (ảnh minh họa).

Bộ GD- ĐT vừa đưa ra dự thảo 2 mức điểm sàn (ĐS) trên và ĐS dưới cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Khi vừa đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều, liệu đây có phải là bước tiến trong giáo dục?

Cứu cánh đảm bảo chỉ tiêu

Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án 2 mức ĐS với nội dung cụ thể: ĐS trên sẽ như cách đã làm lâu nay, được tính dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. ĐS này luôn cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được; ĐS dưới sẽ là tổng điểm bình quân 3 môn thi của khối thi tương ứng.

Dự thảo sử dụng 2 mức ĐS còn quy định cụ thể: Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên ĐS trên thì các trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay, không có gì thay đổi. Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa ĐS trên và ĐS dưới thì các trường xét thêm điểm tốt nghiệp THPT.

Những thí sinh đạt điểm trên ĐS trên vẫn được ưu tiên, nên trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến ĐS dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp.

Thầy Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Nếu dự thảo được áp dụng thì lượng chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường có thể sẽ được đảm bảo, nhất là các trường ở “tốp” dưới.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ là dự thảo, cần có nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là đã bộc lộ nhiều vấn đề nan giải. Nếu áp dụng, thiết nghĩ bộ nên có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh nhầm lẫn.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ trên địa bàn Vĩnh Long cho rằng: Chỉ mới là dự thảo nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn là không đồng tình mặc dù sẽ là cơ hội để các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Cũng nên thấy rằng, rất có thể “ý” của Bộ GD-ĐT là sắp xếp lại đúng vị trí của các trường. Nếu lấy ĐS trên để tuyển sinh thì các trường đó phải có nhiệm vụ đào tạo nhân tài.

Còn lấy ĐS dưới ở các trường cấp dưới thì có thể chỉ mới dừng lại ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nếu áp dụng sẽ gây nên nhiều vấn đề, đặc biệt là câu hỏi nền giáo dục trong nước đang tiến hay lùi?

Có nên áp dụng?

Nếu nhìn nhận vào thực tế hiện nay, rất nhiều trường CĐ, ĐH thật sự không tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào, nhất là ở các trường ngoài công lập, các trường mới thành lập… Với dự thảo 2 mức ĐS thì nhiều trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tuy tuyển đủ số lượng nhưng chất lượng có đảm bảo để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước? Bởi đầu vào thấp thì chất lượng đơn giản cũng sẽ thấp theo.
 
Theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, nếu áp dụng, Bộ GD-ĐT nên có văn bản hướng dẫn việc nên hay không việc “bồi dưỡng” thêm cho các em đậu theo ĐS dưới, vì không thể đánh đồng chất lượng của 2 nguồn tuyển này.


Với 1 ĐS như từ trước đến nay, nhiều người sẽ không đủ khả năng đậu ĐH nhưng vẫn có thể vào các trường nghề, CĐ với chất lượng cao (ảnh minh họa: TL).

Mặt khác, mục tiêu của một nền giáo dục là tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển đất nước. Từ trước đến nay, các trường đều tuyển theo một ĐS, ấy vậy mà hiện tại khi ra trường, nhiều sinh viên phải “khóc ròng” vì không thể tìm được việc làm.

Nếu áp dụng cách làm mới, số lượng cử nhân CĐ, ĐH ra trường sẽ tăng thêm, chất lượng cũng không thể đảm bảo thì có thể nói, nền giáo dục đang đi sai mục đích và cũng là một bước lùi…

Khi đưa ra dự thảo, nhiều ý kiến đánh giá không hợp lý, là bước lùi của nền giáo dục. Nếu năm 2011, tổng điểm 3 môn khối A là 10,54 (trung bình mỗi môn 3,51); khối B- 12,46 (trung bình 4,15/môn); khối C- 11,18 (trung bình 3,72/môn); khối D1- 11,48 (trung bình 3,82/môn).

Năm 2012: khối A- 10,51 (trung bình 3,5); khối B- 11,47 (trung bình 3,82); khối C- 12,17 (trung bình 4,05); khối D- 12,56 (trung bình 4,18). Dựa vào điểm trung bình 3 môn thi tương ứng để lấy ĐS dưới thì chỉ cần thi mỗi môn từ 3 đến 4 điểm thì học sinh sẽ đậu. Chất lượng đào tạo ĐH, CĐ như thế nào?

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh