Mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều ý kiến nhận định cơ sở vật chất và giáo viên thiếu như hiện nay là nguyên nhân chính làm cho đề án khó hoàn thành theo lộ trình đề ra.
Mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều ý kiến nhận định cơ sở vật chất và giáo viên thiếu như hiện nay là nguyên nhân chính làm cho đề án khó hoàn thành theo lộ trình đề ra.
Cần có sự chung tay tích cực của toàn xã hội để thực hiện đề án đúng lộ trình.
Khó chồng khó
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, Đề án phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010- 2015 của tỉnh với mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non vào năm 2015. Kết thúc đề án, 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 95% số trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non.
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng do khó khăn về kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên nên rất có thể khó hoàn thành đề án đúng tiến độ.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 127 trường mầm non. Theo tính toán của ngành chức năng, để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi thì số trẻ được huy động ra lớp từ năm 2011- 2015 khoảng 15.000 trẻ (tương đương hơn 600 lớp học với 25 trẻ/lớp).
Để đáp ứng nhu cầu, Vĩnh Long phải xây dựng thêm 350 phòng học và trên 100 sân chơi. Song, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn thiếu 239 phòng học. Theo cô Nguyễn Thị Kha- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vũng Liêm, hiện nay tình hình khó khăn nhất của huyện là cơ sở vật chất không thể đáp ứng được nhu cầu.
“So với đề án, huyện còn thiếu đến 60 phòng học phục vụ cho trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Với hơn 500 triệu đồng xây dựng cho một phòng học đạt chuẩn thì có thể thấy, nguồn vốn đầu tư là rất lớn. Mặt khác, hiện nguồn vốn đầu tư xây dựng phòng học còn dàn trải cũng gây nên một số khó khăn nhất định”.
Trong khi đó, cô Trương Thanh Nhuận- Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết: Cái khó nhất hiện nay cho đề án là phòng học không đáp ứng được. Cuối năm 2012 theo khảo sát thì toàn tỉnh mới hoàn thành chương trình phổ cập được 12 xã- phường. Với số kinh phí dự trù cho đề án là 427 tỷ đồng nhưng phải phối hợp với nhiều nguồn khác nhau, rõ ràng nếu không quyết liệt thì thời gian hoàn thành đề án sẽ kéo dài.
Ngoài ra, hiện nay việc thiếu giáo viên để phục vụ công tác dạy học, nhất là giáo viên dạy trẻ học 2 buổi/ngày cũng là nguyên nhân làm đau đầu các nhà quản lý. Theo đề án, toàn tỉnh hiện nay còn thiếu đến 650 giáo viên.
Theo cô Nguyễn Thị Kha, hiện huyện có 20 trường mầm non nhưng mới có thị trấn Vũng Liêm đạt chuẩn phổ cập. Toàn huyện có 107 lớp trẻ 5 tuổi, theo đề án sẽ cần tới 214 giáo viên nhưng hiện nay chỉ có 119 giáo viên.
Tuy nhiên, nếu nhận thêm giáo viên thì phòng học đâu để dạy? “Giả sử năm 2013 xây đủ phòng học thì “đặt hàng” đào tạo giáo viên tới năm 2015 là vừa đạt chuẩn phổ cập theo đề án, nhưng nếu tới năm 2015 vẫn chưa đủ phòng học thì làm sao dám đào tạo giáo viên. Hai vấn đề này không cùng đi song song với nhau sẽ khiến đề án khó càng thêm khó”.
Cần quan tâm từ nhiều nguồn
Đánh giá thực trạng thực hiện đề án, ngành giáo dục tỉnh cũng đang rất quan tâm giải quyết các khó khăn để đề án có thể hoàn thành đúng tiến độ. Dự kiến trong năm 2013, từ nguồn ngân sách tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn hỗ trợ khác, tỉnh Vĩnh Long bố trí vốn cho các huyện- thị- thành đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp mầm non, phấn đấu đáp ứng cơ bản cho 85% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Cô Trương Thanh Nhuận cũng cho biết, với 239 phòng học còn thiếu, mỗi phòng cần khoảng 550 triệu đồng. Theo mục tiêu chung, vẫn ưu tiên cho xây dựng phòng học bậc mầm non, phục vụ cho đề án phổ cập giáo dục bậc học này. Tuy nhiên, vốn là rất lớn nên cần có sự phối hợp nhiều nguồn khác nhau: “Hiện có bao nhiều thì làm bấy nhiêu”.
Đặc biệt, xã hội hóa giáo dục sẽ đóng góp vai trò quan trọng. Nếu không có sự chung tay, góp sức tích cực của toàn xã hội thì công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn Vĩnh Long gặp rất nhiều khó khăn và khó đạt được mục tiêu theo lộ trình đề ra.
Theo cô Trương Thanh Nhuận, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, giáo viên thiếu nhưng vẫn có thể giải quyết được. Nếu nói đạt chuẩn thì hiện nay phòng học đạt cao nhất của tỉnh chỉ khoảng 90% theo quy định. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin