Trong các lứa tuổi của tâm lý học thì độ tuổi học sinh (HS) hệ trung học cơ sở (THCS) được xem là phức tạp nhất. Bởi lẽ ở tuổi này, các em không còn là trẻ con nhưng chưa hẳn là người lớn. Đó là lý do các trường THCS đã nhanh chóng thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà các tổ tư vấn vẫn
Tâm lý HS THCS được xem là phức tạp nhất trong các lứa tuổi.
Trong các lứa tuổi của tâm lý học thì độ tuổi học sinh (HS) hệ trung học cơ sở (THCS) được xem là phức tạp nhất. Bởi lẽ ở tuổi này, các em không còn là trẻ con nhưng chưa hẳn là người lớn. Đó là lý do các trường THCS đã nhanh chóng thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà các tổ tư vấn vẫn chưa phát huy hết năng lực cần có.
Chỗ dựa tinh thần cho HS
Trước đây, các trường THCS không có tổ tư vấn tâm lý, giáo viên (GV) chủ nhiệm thường là người kiêm luôn công tác này. Và, không có nhiều HS dám bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với GV. Năm 2011, theo thông tư của Bộ GD- ĐT, các trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Dù hoạt động này chỉ mang tính trợ giúp nhưng bước đầu đã trở thành chỗ dựa cho HS.
Nhiệm vụ trước mắt của tổ tư vấn tâm lý là tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 9. Bởi, các em sắp bước vào một lựa chọn quan trọng là thi vào trường THPT nào nên phải cho HS thấy được năng lực thật sự của mình để “chọn mặt gửi vàng”.
Theo cô Nguyễn Thị Hà- Phó Hiệu trưởng TrườngTHCS thị trấn Trà Ôn, ngoài “Hộp thư xanh” cho HS viết gửi vào đó những vướng mắc được mở vào thứ 7 hàng tuần, trường còn có đội tư vấn tâm lý riêng. Thành viên trong tổ tư vấn tâm lý của TrườngTHCS thị trấn Trà Ôn là đại diện lãnh đạo trường, tổng phụ trách, bí thư chi đoàn và khối trưởng chủ nhiệm.
Ngoài ra, để hoạt động có hiệu quả, tổ tư vấn còn có quy tắc hoạt động cụ thể. Cô Nguyễn Thị Hà cho biết: Đối với các GV trong tổ tư vấn, nhà trường cũng có những yêu cầu riêng như biết lắng nghe, tôn trọng HS. GV tư vấn cũng cần thông cảm để biết động viên tạo được niềm tin cho HS.
Một tác động dễ thấy của tổ tư vấn tâm lý là góp phần kéo giảm khoảng cách giữa thầy và trò. Từ những cuộc tư vấn, các trường sẽ giải quyết được mâu thuẫn giữa HS với HS, GV với HS, HS và gia đình để các em yên tâm và học tập tốt hơn, tỷ lệ HS bỏ học nhờ đó cũng sẽ được kéo giảm.
GV Trần Thị Thúy Vân- Trường THCS Nguyễn Khuyến hiểu rằng, HS mà nhất là ở lứa tuổi THCS, thay vì trách mắng hãy tôn trọng, đặt niềm tin, khuyến khích, tuyên dương và khen thưởng. Cô kể, có 1 HS đến lớp trễ vì chơi game nhưng nói dối là do xe hư nhưng không có tiền sửa xe. Cô đã cho tiền em sửa xe và nói với em rằng: “Cô tin em không nói dối cô”. Em HS này đã xứng đáng với lòng tin của cô, em bỏ game online và học tốt hơn.
Trường THCS Vĩnh Xuân (Trà Ôn) là một trong những trường thực hiện tốt công tác này. Trong học kỳ vừa qua, trường đã giúp cho 1 HS có ý định bỏ học quay lại trường. Nói như các GV của trường, mỗi HS đến với tổ tư vấn đều có những vướng mắc cần tháo gỡ, nếu GV không thật sự lắng nghe các em, không giải quyết kịp thời thì có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Vẫn còn lắm khó khăn
Khó khăn khách quan ở hầu hết các trường là đội ngũ GV tư vấn. Bởi lẽ, “không có GV tư vấn riêng biệt, đa số là GV chủ nhiệm kiêm luôn công tác tư vấn và chưa được đào tạo bài bản”- GV Võ Văn Việt- Trường THCS thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh) nói.
Dù GV chủ nhiệm là người hiểu được HS nhưng không phải GV nào cũng có khả năng giao tiếp tốt để hướng dẫn HS. Bên cạnh, các yếu tố như giọng nói, cách thể hiện thái độ,… với từng đối tượng HS cũng cần phù hợp mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Một tác nhân không kém phần quan trọng là cơ sở vật chất. Các phòng tư vấn thường được ghép chung với các phòng khác: phòng GV, thư viện, phòng thí nghiệm,… Các phòng này không có không gian riêng nên HS rất ngại đến và cho dù có đến thì cũng khó nói.
Trường THCS Nguyễn Khuyến (TP Vĩnh Long) cũng gặp không ít khó khăn trong công việc này. Với GV thì đây là việc mới mẻ, với HS thì khi gặp những khó khăn trong đời sống các em thường tâm sự bạn bè, tự giải quyết hơn là tìm đến GV nhờ tư vấn. Hoàn cảnh gia đình: vùng sâu, cha mẹ ít quan tâm,.. cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý HS. Hơn thế nữa, đặc điểm tâm lý của HS giai đoạn này cũng rất phức tạp.
Xây dựng môi trường thân thiện, tâm lý thoải mái để HS học tốt hơn.
Đối với những HS lưu ban, cá biệt thì việc tư vấn tâm lý còn khó khăn gấp bội. Lẽ dĩ nhiên, các HS này không tìm đến tổ tư vấn mà được tổ tư vấn tìm đến.
Trường THCS Lộc Hòa (Long Hồ) thì có đội ngũ tư vấn là tất cả thành viên trong hội đồng sư phạm. Do không có phòng tư vấn nên hoạt động này được diễn ra ở tất cả mọi nơi có thể. HS của trường thường gặp nhiều khó khăn ở chuyện gia đình do hoàn cảnh kinh tế,… những vấn đề mà ngoài động viên cần có những hỗ trợ cụ thể không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Một khó khăn nữa của GV là thắc mắc của HS liên quan đến sức khỏe, tâm sinh lý- những vấn đề cần được giải thích khoa học nhưng không phải GV nào cũng biết được.
Mỗi trường đều có những giải pháp riêng để giải quyết những vấn đề tâm sinh lý cho HS của mình. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thiết thực hẳn cần có sự đầu tư chăm chút hơn nữa của các ngành, các cấp liên quan bên cạnh sự nỗ lực của từng trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin