Mới đây, Vĩnh Long vinh dự có 4 đề tài khoa học được công nhận đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT phát động trên toàn quốc. Điều đặc biệt là cả 4 giải này đều thuộc về học sinh (HS) của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Các em HS đạt giải chụp ảnh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Mới đây, Vĩnh Long vinh dự có 4 đề tài khoa học được công nhận đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT phát động trên toàn quốc. Điều đặc biệt là cả 4 giải này đều thuộc về học sinh (HS) của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khi sáng tạo dâng lên,…
Sau khi được Bộ GD-ĐT phát động, nhà trường đã thông báo đến toàn thể HS để các em có thời gian tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra đề tài khả thi nhất.
Trong tổng số 23 đề tài của HS đăng ký dự thi cấp trường, nhà trường đã chọn ra 6 đề tài đủ điều kiện để tham dự cuộc thi mang tính chất quốc gia này- cô Lê Ngọc Trường- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trong 6 đề tài trên, đã có 4 đề tài đạt giải gồm 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Em Huỳnh Ngọc Thùy An- HS lớp 12 chuyên Văn, trưởng nhóm đề tài “Một góc nhìn về gia đình của HS từ 15 tuổi đến 18 tuổi” (giải ba) chia sẻ: Lý do chọn đề tài này do muốn hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa trong một gia đình, nhất là gia đình có nhiều thế hệ.
Cái nhìn ở đây là việc thế hệ trẻ sẽ có ý thức, nhận thức, nhận định như thế nào về gia đình hiện tại, nhằm có những ứng xử, thay đổi hành vi sao cho phù hợp, nhất là về gia đình trong xã hội hiện nay.
“Trong quá trình thực hiện, chúng em cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là phải nghỉ nhiều tiết trái buổi. Thế nhưng, sau khi biết kết quả mình đạt giải, cả nhóm rất vui vì sự đam mê nghiên cứu của mình được các thầy cô chú ý và có được kết quả ngoài sự mong đợi…”- Thùy An cho biết.
Trong khi đó, đề tài “Ứng dụng Carvarol trong tinh dầu cây tần dày lá làm mỹ phẩm, dược phẩm” (giải ba) của nhóm HS lớp 11 chuyên Hóa làm chúng tôi ấn tượng. Em Lưu Nguyễn An Khương- trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, kể từ khi phát động cuộc thi, chúng em luôn tìm tòi tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Cuối cùng, chúng em quyết định chọn nghiên cứu cây tần dày lá vì đây là loại cây rất thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày, lại là cây có mùi hương đặc trưng, đáng để tìm tòi nghiên cứu. “Chúng em phải qua tới Cần Thơ để chiết xuất tinh dầu và chuyển qua Viện Phân tích hóa học để có những cái nhìn tổng quát hơn.
Qua đó, thành phần hóa học của chúng có tác dụng diệt khuẩn, nhất là trong vấn đề vệ sinh răng miệng, vòm họng. Năm tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề tài này. Mong ước là sẽ tạo ra nước hoa có mùi đặc trưng và nước súc miệng”- cậu học sinh có mơ ước theo đuổi ngành y dược chia sẻ.
Nhận thấy có nhiều ứng dụng khi đề tài hoàn thành, Lê Phú Cường- trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải bằng MnO2/Chitosan và Fe2O3/Chitosan” (giải khuyến khích) cho biết: Cái khó nhất trong quá trình nghiên cứu là trang bị máy móc thiết bị không đáp ứng đành phải nhờ đến thiết bị ở Đại học Cần Thơ.
Sau đó, chúng em phải tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và rút kinh nghiệm. Được sự hướng dẫn tận tình của giáo viên hướng dẫn, cuối cùng chúng em cũng hoàn thành đề tài và có được kết quả đáng tự hào.
“Sau khi hoàn chỉnh nghiên cứu, đây sẽ là đề tài khoa học có nhiều ứng dụng trong việc bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu các phế thải trong ngành chế biến thủy sản hoặc xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, khu dân cư,… Chúng em mong ước có thể nhờ vào đề tài này nguồn tài nguyên nước của chúng ta sẽ tốt hơn, được quan tâm bảo vệ hơn”- Phú Cường nhắn nhủ.
Trong khi đó, đề tài nghiên cứu đạt giải khuyến khích “Sử dụng các vật liệu sẵn có để chế tạo máy cắt cỏ với đầy đủ chức năng” của Trần Quốc Sang- lớp 12 Toán 2 làm chúng tôi phấn khích. Đây là đề tài duy nhất mà một mình Sang tự đề ra, nghiên cứu, chế tạo và nhận được nhiều sự quan tâm.
Quốc Sang cho biết, trong thực tế cuộc sống có nhiều loại phế liệu có thể tái chế hoặc sử dụng lại, hoặc có thể dùng nó chế tạo ra một sản phẩm khác.
Xuất phát từ ý tưởng đó, Sang quyết tâm làm cho được một chiếc máy cắt cỏ với nhiều loại phế thải khác nhau, đủ chức năng để hoàn thành công việc với giá thành chỉ… 450.000đ. “Em tận dụng các loại phế thải, tự nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy này.
Với năng lượng sử dụng bằng bình ắc quy, đây là chiếc máy đảm bảo thân thiện với môi trường, có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết hàng ngày. Tuy nhiên, hiện máy do em chế tạo có công suất nhỏ, nên muốn hoàn thành tốt công việc ở các địa hình gò mô, cần thay đổi công suất lớn hơn”.
Cần phát huy hơn nữa
Là cuộc thi do Bộ GD-ĐT lần đầu tiên phát động trên toàn quốc, năm nay có hơn 140 đề tài đến từ 35 đơn vị, trường học trên cả nước, trong đó Vĩnh Long tham dự 6 đề tài. Ở khu vực ĐBSCL, với 4 đề tài đạt giải, có thể nói Vĩnh Long là một trong những tỉnh có thành tích tốt trong năm thi đầu tiên này.
Cô Lê Ngọc Trường cho biết: Nắm bắt được thông tin, nhà trường đã thông báo đến toàn thể HS nhà trường nhằm để các em có thời gian chuẩn bị. Bản thân nhà trường cũng đã cấp kinh phí hỗ trợ các em trong thực hiện nghiên cứu, hỗ trợ các thông tin nhanh nhất về cuộc thi, sự hỗ trợ nhiệt tình từ các giáo viên hướng dẫn.
Đây là một phần để các đề tài của các em có được sự thành công. “Cuộc thi sẽ giúp các em hình thành các ý tưởng, ứng dụng các điều đã học vào thực tế. Đây cũng là một phần giúp cho công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường được nâng lên.
Đồng thời các em sẽ có được những cái nhìn cụ thể hơn trong quá trình nghiên cứu, giúp các em bước đầu thực hiện nghiên cứu khoa học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT”.
Tuy nhiên, cũng theo cô Lê Ngọc Trường, trong những năm sau, Vĩnh Long nên có bước chuẩn bị tốt hơn nữa để các đề tài nghiên cứu dự thi có chất lượng tốt hơn, có khả năng lọt vào vòng chung cuộc. Bên cạnh đó, nên tăng cường rèn luyện khả năng trình bày bằng tiếng Anh để các em khỏi ngỡ ngàng khi bước vào vòng chung cuộc.
Song song đó, cần có những định hướng nhằm giúp các em phát huy tốt hơn những gì đã nghiên cứu… Cũng có những ý kiến đề xuất nên tuyển thẳng các em vào đại học phù hợp với lĩnh vực đã nghiên cứu nếu các em đạt giải cao. Điều đó sẽ công nhận được công sức các em bỏ ra, đồng thời cũng sẽ động viên, khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học của các em…
Ở khu vực ĐBSCL, một số tỉnh tham gia và đạt giải gồm: Bến Tre có 1/6 đề tài đạt giải (giải khuyến khích); Cần Thơ có 1/2 đề tài đạt giải (giải nhì); Long An có 1/4 đề tài đạt giải (giải khuyến khích); Sóc Trăng có 1/2 đề tài đạt giải (giải khuyến khích); Vĩnh Long có 4/6 đề tài đạt giải (2 giải ba, 2 giải khuyến khích),… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin