Chúng tôi đến Ký túc xá Vĩnh Long tại Trường Đại học Cần Thơ (C4) để thăm các sinh viên (SV). Đến và ở đây mới thấy được sự giàu có của SV. Đó không phải là giàu về vật chất mà ở tinh thần, ở những gì mà các bạn học được từ cuộc sống xa nhà.
Chúng tôi đến Ký túc xá Vĩnh Long tại Trường Đại học Cần Thơ (C4) để thăm các sinh viên (SV). Đến và ở đây mới thấy được sự giàu có của SV. Đó không phải là giàu về vật chất mà ở tinh thần, ở những gì mà các bạn học được từ cuộc sống xa nhà.
Tự nấu ăn giúp SV tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Học hỏi nhiều
4 giờ chiều, mùi thơm của cá chiên, thịt kho khô,... ngào ngạt bay khắp nẻo đường, bám vào các bức tường ký túc xá C4. Đón chúng tôi là các bạn trong Liên chi hội SV với nụ cười tươi.
Điểm chung của các SV Vĩnh Long ở đây là các bạn đều biết sống tiết kiệm. Hầu hết các bạn đều tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Có lẽ khi sống chung với tập thể tiết kiệm thì con người ta cũng biết tiết kiệm hơn và riết rồi… thấy vậy cũng hay hay và hạnh phúc khi “có dư chút đỉnh”.
Chi phí nấu ăn bình quân mỗi thành viên trong phòng của Nguyễn Hồ Hoàng Nghĩa Nhân- SV ngành quản trị kinh doanh- chỉ khoảng 15.000 đ/ ngày, Nhân cho hay: “So với ăn cơm tiệm, tiết kiệm được 50%, lại ăn được nhiều hơn”.
Các món ăn của các bạn cũng mang đậm tính SV: đơn giản, nhanh, gọn và bình dân. Thông thường là 1 món canh rau và 1 món mặn như: cá kho, cá chiên,…
Đáng nể là SV Nguyễn Ngọc Trâm- SV ngành cử nhân anh văn- có chi phí sinh hoạt mỗi tháng tròm trèm năm sáu trăm ngàn! Trâm cũng cùng các bạn nấu ăn với chủ trương “rau nhiều, thịt ít, gạo nhà đem lên”.
Không chỉ có biết tiết kiệm, nhiều bạn SV ngôi nhà chung C4 còn dẫn dắt nhau đi làm thêm tăng thu nhập. Gọn gàng với áo sơ mi trắng đóng thùng, Nguyễn Kim Quốc- SV quản trị kinh doanh- đang chuẩn bị đi dạy thêm. Với 2 nhóm dạy của mình, Kim Quốc kiếm được 1.500.000 đ/tháng trong khi số tiền chi trong tháng khoảng 1.000.000đ. “Xài vậy là sang lắm rồi đó”- Kim Quốc cười cho biết rồi rồ xe đi.
Chẳng những vậy, khi phụ huynh cần gia sư những môn khác, Quốc sẵn sàng giới thiệu miễn phí cho các anh em đồng hương để cùng có việc làm.
Thuận lợi khách quan mà các bạn SV ở đây có được là tự xếp lịch học để vừa học vừa làm thêm. Hơn nữa, TP Cần Thơ là nơi có nhiều đất cho SV dụng võ với cơ hội dạy thêm, làm thêm hấp dẫn.
Đời sống tinh thần phong phú
Dĩ nhiên, sống tiết kiệm không có nghĩa là các bạn SV chỉ biết có học với đi làm. Trái lại, đời sống tinh thần của các bạn lại rất phong phú với các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi.
Chiều chiều, trên con đường quanh bờ ao rau muống vi vu gió, có bạn chạy bộ, đá cầu, đánh cầu lông. Trên sân vận động đa năng, nhiều bạn quần nhau với trái banh, bóng chuyền. Cũng không ít bạn lười lười, không thích vận động mạnh thì đi bộ hóng mát quanh trường để dễ tiêu bữa cơm chiều.
Võ Thành Đạt- SV ngành nuôi trồng thủy sản- ôm quả bóng chạy vội ra sân, nói với: “Hồi phổ thông, Đạt có biết chơi gì đâu, lên đây chơi với mấy anh riết mê luôn bóng chuyền”.
Đời sống tinh thần SV phong phú và năng động.
Khi ngọn đèn ký túc xá cháy sáng cũng là lúc sân văn phòng đoàn trường bừng lên các ca khúc bởi các lớp, khoa, CLB, chi hội,… biểu diễn. Hình như, sức trẻ ở đây không bao giờ tắt dù ngày hay đêm, dù việc học và công việc làm thêm bận rộn.
Bằng điệu múa, giọng ca không chuyên nhưng các “nghệ sĩ” cũng nhiều phen tập luyện đổ mồ hôi hột mới được đứng trước công chúng. Huỳnh Thị Hương Thảo- SV ngành sư phạm văn đang chuẩn bị lên sàn diễn tự hào: “Ở ngôi trường có 25.000 SV này, được diễn ở hội trường Rùa là một niềm vinh dự lắm!”
Trong khi đó, tại các khoảng trống khác, nhiều chi hội SV đang sinh hoạt trò chơi tập thể với bong bóng màu và tiếng cười giòn tan. Các phòng hội trường nhỏ còn sáng đèn bởi CLB học tập đang miệt mài hoạt động theo thường lệ.
Các bạn SV đang học chứng chỉ Anh văn như không biết chuyện đời ồn ào xung quanh, chỉ chăm chú vào bài học của mình. Chắc ai cũng muốn có tấm bằng lận lưng càng cao càng tốt để dễ dàng tìm việc khi ra trường.
Màn đêm ngày càng kéo đến dày hơn, các chương trình văn nghệ cũng hạ màn, SV kéo nhau về ký túc xá. Đâu đó, bên ngọn đèn bàn còn để sáng chuẩn bị bài vở là câu chuyện thì thầm của các cô cậu đồng hương về nỗi buồn, niềm vui hàng ngày đến lớp. Để rồi, ngày mai các bạn lại bắt đầu ngày mới với tâm trạng nhẹ nhàng và sức lực tràn trề của tuổi đôi mươi.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin