Chọn trường, chọn nghề: Chọn sao cho đúng?

03:03, 06/03/2013

Đó là ý kiến chung của khá nhiều giáo viên, giảng viên đang làm việc tại các trường THPT, đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn tỉnh trong mùa tuyển sinh 2013. Bên cạnh đó, xu hướng chọn nghề, nhu cầu xã hội trong thời gian tới cũng được nhiều thầy cô nói đến…

Đó là ý kiến chung của khá nhiều giáo viên, giảng viên đang làm việc tại các trường THPT, đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn tỉnh trong mùa tuyển sinh 2013. Bên cạnh đó, xu hướng chọn nghề, nhu cầu xã hội trong thời gian tới cũng được nhiều thầy cô nói đến…


Tuy không phải là các ngành “hot”, nhưng hiện có rất nhiều nghề mà xã hội đang cần. Trong ảnh: Một hệ thống thiết bị phục vụ ngành công nghệ ôtô của Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Trước tình hình đào tạo với nhiều trường, ngành nghề hiện nay, nhiều học sinh (HS) sẽ cảm thấy “bối rối”. Theo thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long thì việc chọn ngành hiện nay của đa số HS sẽ chạy theo số đông, xu hướng đã có. Ví dụ các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay các ngành này đang có xu hướng “giảm dần sức nóng”. Và việc cố chạy theo xu hướng “ngành hot, ngành dễ kiếm tiền,…” như hiện nay rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng mất cân xứng cung- cầu. Thậm chí, các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cũng thông tin “tốt nghiệp loại ưu ngành kinh tế” cũng khó kiếm việc làm.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Đào tạo (Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) cho rằng: Một bộ phận HS hiện nay không nắm rõ năng lực bản thân nên cố “dấn thân” theo xu hướng học ĐH, ngành kinh tế... cho oai.

Sau khi “trượt chân” lần đầu, thì các em đã mất một khoảng thời gian dài. Do đó, vấn đề chọn ngành, chọn trường, bậc ĐH hay CĐ phải tùy thuộc vào quyết định cộng với năng lực bản thân. “Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang xảy ra.

Một công ty người ta có thể cần một vài quản lý bằng cử nhân ĐH nhưng cần hàng trăm, hàng ngàn người thợ có tay nghề, kỹ năng tốt trong thực hành,… Bậc học CĐ chính là giải quyết vấn đề thừa thầy thiếu thợ này. Xã hội đang rất cần, tại sao các em còn ngại hay do dự phục vụ. Sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay ở các công ty, xí nghiệp.”

Còn thầy Bùi Chí Hiếu- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nói, nắm bắt được năng lực bản thân sẽ giúp cho các em định hình được trường, ngành định thi. Có thể các em rất thích trường đó, ngành đó nhưng khả năng không đáp ứng được thì có thể “nghía” qua trường khác, cũng với ngành yêu thích đó. Khi đó, các em đã tự cho mình một cơ hội rộng mở hơn.

Không thể chạy theo số đông, theo cảm tính, hay theo danh tiếng mà quên đi khả năng hiện có. Các em phải biết được mình đang ở ngưỡng nào và cần phải làm gì trong một quyết định có thể ảnh hưởng đến cả tương lai.

Cô Nguyễn Thị Giang- Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết: Quy định dừng mở các ngành kinh tế mới cộng với dư luận xung quanh thừa lao động chuyên ngành kinh tế, ngân hàng,… rất có thể sẽ đẩy điểm trúng tuyển các ngành lên cao.
 
Do đó, các em yêu thích các ngành này phải thật sự giỏi, cả đầu vào lẫn đầu ra. “Khả năng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân các em. Nếu các em thật sự giỏi thì chuyện việc làm cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiều ngành kinh tế hiện nay đang dần “mất nóng” nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong khối ngành này”.

Không chỉ đưa ra nhiều ý kiến tư vấn khi chọn ngành, chọn trường, các thầy cô còn đưa ra khá nhiều ngành mà hiện nay “thiếu thu hút” nhưng nhiều khả năng xã hội rất cần trong thời gian tới.

Thầy Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện nhà trường có 2 ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế, 3 ngành đạt chuẩn khu vực và 5 ngành đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, các ngành như công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại,… sẽ là những ngành nghề mà xã hội đang cần và rất cần trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong khi đó, nếu ngoài các ngành được cho là “hot” như hiện nay là kinh tế, tài chính, ngân hàng,… đang có xu hướng “giảm sức nóng” thì vẫn còn khá nhiều ngành khác xã hội đang thật sự cần. Trong đó, các em có thể tham khảo và lựa chọn các ngành như hệ thống thông tin quản lý, quản lý văn phòng, các ngành liên quan đến văn phòng, thiết kế đồ họa…

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm: công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm, hàn công nghệ cao, thiết kế đồ họa, tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính... Công nghệ ôtô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), công nghệ thông tin, điện tử, thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài...), nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ...
Bài, ảnh: KHÁNH DUY


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh