Bắt nhịp học ngay sau tết

10:02, 20/02/2013

Chuyện học sinh đi trễ, nói chuyện riêng, không tập trung trong giờ học rất thường thấy ở những ngày đầu năm học mới. Năm nay, thời gian nghỉ tết khá dài (16 ngày) nên chuyện bắt nhịp với năm học mới lại càng khó khăn.

Chuyện học sinh đi trễ, nói chuyện riêng, không tập trung trong giờ học rất thường thấy ở những ngày đầu năm học mới. Năm nay, thời gian nghỉ tết khá dài (16 ngày) nên chuyện bắt nhịp với năm học mới lại càng khó khăn.


Thay đổi giờ giấc và khẩu phần ăn trong những ngày tết làm khó cho học sinh bán trú.

Chuyện của thầy

Tâm lý của nhiều HS lâu ngày gặp lại thầy cô, bạn bè thì rất mừng rỡ và thích… nói chuyện. Các em thích kể được đi những đâu, được bao nhiêu tiền lì xì,…

Ngặt nỗi, thời gian sau tết cũng là thời gian bước vào đoạn giữa của học kỳ II (khoảng tuần thứ 7) nên lượng bài vở tương đối nhiều và không ít học sinh phải nhận điểm nhỏ ngay từ đầu năm mới. Nhiều giáo viên lại căng thẳng vì lớp quá ồn ào, không tập trung. Nắm được đặc điểm này nên các giáo viên đã tạo không khí đầu năm tươi mới và nhẹ nhàng cho học sinh không phải quá căng thẳng.

Ở Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long), cô Nguyễn Trâm Anh- giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 cho biết: “Tâm lý HS trước và sau tết thường rất nôn nao và không tập trung. Giáo viên phải cho các dạng bài tập vừa phải cho các em làm, có bài kiểm tra nhỏ trước và sau tết đồng thời nhắc nhở các em vui chơi không quên học tập”.

Đối với các em mầm non hay tiểu học thì việc bắt nhịp lại càng khó khăn hơn. Vì đa phần ở tuổi này các em chưa tự ý thức được tầm quan trọng của việc học mà chỉ thích chơi đùa. Tập lại thói quen ăn ngủ đúng giấc sau tết cho các bé làm đau đầu nhiều giáo viên mầm non. Một cô giáo mầm non chia sẻ: Thường trong tết các bé được tự do ăn ngủ nên khi đi học lại rất khó khăn. Nhiều bé đến giờ đi ngủ mà nằm mãi vẫn chưa ngủ được, thậm chí có nhiều bé còn bị rối loạn tiêu hóa.

Ngày đầu tiên đi học sau tết, nhà trường có thể cho các em sinh hoạt tập thể dưới sân trường. Sau đó, giáo viên có thể nhín ra một ít thời gian để thầy trò kể cho nhau nghe về cái tết của mình, tạo sự vui vẻ, thoải mái cho học sinh và dần dần đi vào nếp.

Gia đình và học sinh “làm quen trở lại”

Thông thường trong những ngày tết, phụ huynh thường ít để ý đến việc học tập của con cái và việc thức trễ hay quên làm bài tập trong những ngày hậu tết là rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình tập cho con làm quen lại với việc học từ mùng 5 mùng 6 để việc học của các em được tiếp tục bình thường ngay sau tết.

Bé Nguyễn Gia Khanh- lớp 5 Trường Tiểu học Lưu Văn Liệt (Tam Bình) được cha mẹ chia nhỏ các bài tập về nhà ra làm từng ngày và cho bé hoàn toàn thảnh thơi vào các ngày cận tết. Chị Huỳnh Ngọc Thu- mẹ bé Gia Khanh nói: “Các ngày trước và sau tết, tôi vẫn cho con ăn, ngủ, học bình thường. Khoảng mùng 6 thì cho bé làm bài tập, ôn bài lại chuẩn bị cho mùng 9 nhập học”.

Bùi Ngọc Yến Nhi- học sinh lớp 12A14 Trường THPT Nguyễn Thông lại có cách “đối phó” với căn bệnh mang âm hưởng tết theo cách của riêng mình. Ngay sau khi được nghỉ tết, Yến Nhi đã đem các bài vở của năm cũ ra hoàn thành “tránh để tồn đọng bài từ năm này sang năm khác nhờ đó mà tết đi chơi cũng nhẹ nhõm hơn”- Yến Nhi nói.

Tuy vậy, trước khi nhập học vài ngày, Yến Nhi tranh thủ xem lại bài vở tránh tình trạng cứng tay hay quên bài. Yến Nhi cười tươi rói: “Không chỉ có Yến Nhi mà nhất là các bạn lớp 12 thì khó lòng mà đi chơi tết được khi bài vở thì còn đó mà các kỳ thi thì sắp đến gần”.

Thong thả nhất hẳn là các bạn sinh viên vì thời gian nghỉ của nhiều bạn còn dài hơn cả HS phổ thông. Ngót nghét mà 20 ngày nghỉ tết cũng xong, sinh viên Nguyễn Thúy Hằng (Trường ĐH Cần Thơ) vác ba lô lên Cần Thơ nhập học. Trước mắt Thúy Hằng là bài kiểm tra giữa kỳ, bài thuyết trình của 6 môn đang chờ đợi. Hằng thở phì: “Hên là hồi mới nghỉ mình đã lo ổn rồi”.

Theo Hằng thì việc cứng tay viết trong những ngày sau tết hoặc sau nghỉ hè rất thường gặp vấn đề là bắt nhịp lại sao cho ngon lành “cứ xem tết là những ngày vui chơi, nghỉ ngơi để qua tết học tập tốt hơn”- Thúy Hằng cười.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh