Cần chú trọng nâng cao trình độ giáo viên

02:01, 23/01/2013

Trong những năm gần đây, việc đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để khai thác tốt CNTT, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, rất cần sự chủ động, nâng cao trình độ của giáo viên…


Ứng dụng CNTT trong trường học sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Phòng máy trong thư viện Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: KHÁNH DUY

Trong những năm gần đây, việc đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để khai thác tốt CNTT, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, rất cần sự chủ động, nâng cao trình độ của giáo viên…

Đầu tư nhiều, nhưng…

Trong năm học 2011- 2012, Sở GD-ĐT Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Hiện nay, hạ tầng CNTT được trang bị tương đối đầy đủ, 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đều có kết nối Internet. Toàn tỉnh có 5 trường THPT đã có website đi vào hoạt động ổn định.

Các tiết dạy bằng giáo án điện tử có sử dụng CNTT ngày càng tăng. Đồng thời triển khai một số hội thi, hội thảo về CNTT trong năm học, giúp giáo viên tiếp thu nhiều kiến thức, phục vụ cho nhu cầu giảng dạy trong trường học…

Theo thầy Trần Ngọc Tấn- Tổ trưởng Tổ CNTT (Phòng Giáo dục trung học- Sở GD-ĐT) thì ứng dụng CNTT trong trường học bao gồm: giáo viên sử dụng phần mềm soạn thảo giáo án và sử dụng phần mềm trình chiếu; sử dụng các phần mềm chuyên dụng cho các môn học; khai thác Internet để lấy dữ liệu, tranh ảnh, video để làm hình ảnh minh họa… Hiện nay, theo thống kê của Sở GD-ĐT, số giáo viên có thể ứng dụng CNTT cơ bản để hỗ trợ dạy và học ở bậc tiểu học đạt 35%, THCS là 51% và THPT là 76%.

Trong khi đó, việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đã được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Trong năm học 2011- 2012, kinh phí đầu tư mua phần mềm, thiết bị khoảng hơn 1,2 tỷ đồng. Năm học 2012- 2013, theo kế hoạch, sở sẽ cấp 470 máy tính mới cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Đồng thời trang bị mới 50 màn hình tivi 50 inches cho các phòng học để phục vụ giảng dạy giáo án điện tử, trình chiếu.

Thầy Trần Ngọc Tấn cho biết, hiện nay còn khuyến khích giáo viên ứng dụng CNTT trong trường học, sử dụng phần mềm soạn thảo các giáo án điện tử (E- Learning). Trong năm học vừa qua, ngành đã tổ chức được một cuộc hội thảo về chương trình này.
 
Qua đó đã giới thiệu được 6 sản phẩm đạt chất lượng khá tốt. Đây là một phương pháp dạy học mới nhằm giúp các em học sinh có thể tự học ở nhà, mang tính tự giác tự học cao. Chương trình triển khai giáo án điện tử E- Learning cũng đã được Bộ GD-ĐT phát động, nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học.

… Vẫn còn một số vấn đề

Theo đánh giá của một số chuyên gia, tuy CNTT đã được đầu tư nhiều, song vẫn còn yếu kém. Tại một hội thảo về CNTT trong giáo dục vừa được tổ chức ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến- Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận định, sự yếu kém CNTT trong giáo dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nhiều địa phương còn coi nhẹ, chưa hiểu rõ việc phát triển CNTT trong giáo dục mang lại chức năng gì. Hiện nay, sự phát triển CNTT về các trường học chỉ đơn thuần là nhận gửi email, gõ văn bản, quản lý điểm... điều đó chỉ đạt sự sơ đẳng, manh mún, chứ chưa phải là phát triển CNTT trong giáo dục thực sự.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá công tác đầu tư ứng dụng CNTT cho giáo dục chỉ mới dừng lại ở mức độ đầu tư phần lớn thiết bị phần cứng, thực sự chưa có những giải pháp hỗ trợ việc giảng dạy, phần mềm giảng dạy, công cụ giảng dạy, thư viện tài nguyên,... 


Đối với ứng dụng CNTT trong trường học ở Vĩnh Long, Sở GD-ĐT cũng đánh giá kỹ năng ứng dụng CNTT trong cán bộ, giáo viên không đồng đều, một số giáo viên vẫn chưa sử dụng tốt máy tính nên chưa thể ứng dụng CNTT trong bài giảng. Đây là một trong những khó khăn cần giải quyết để việc ứng dụng CNTT trong trường học trong thời gian tới đạt nhiều kết quả cao hơn.

Theo thầy Trần Ngọc Tấn, việc ứng dụng CNTT trong trường học hiện nay chỉ mới mang tính cơ bản như: soạn thảo văn bản Word, trình chiếu bằng Power Point, gởi nhận email, khai thác thông tin trên Internet,… Các nội dung này chỉ cần giáo viên có trình độ A vi tính là có thể làm được. Do đó, trong thực tế giảng dạy ngày càng đòi hỏi nâng cao trình độ thì một bộ phận giáo viên chưa thật sự quan tâm đến CNTT.

Trong khi đó, giáo án điện tử E- Learning là một chương trình mới do Bộ GD-ĐT phát động, mang nhiều lợi ích, hiệu quả nhưng vẫn còn khó khăn trong việc triển khai. Thực tế, hiện nay ở bậc THPT, chỉ có khoảng 39/2.264 giáo viên là có thể sử dụng thành thạo bài giảng điện tử E- Learning.


Cần nâng cao trình độ về CNTT nhằm giúp giáo viên có thể
 ứng dụng tốt vào tiết dạy (ảnh minh họa).
Ảnh: Cao Huyền

Theo thầy Ngô Tuấn Khải- cán bộ phụ trách CNTT (Sở GD-ĐT) thì việc thiết kế bài giảng E- Learning cần phải sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, trình độ của phần đông giáo viên hiện nay là chưa thể làm được. Do đó, việc triển khai chương trình này chỉ mang tính chất phát động, tạo nhân tố điển hình để nhân rộng.

“Dạy một tiết học có khi phải thiết kế cả tuần lễ, điều này khiến giáo viên e dè và khó thực hiện song song với công tác giảng dạy hàng ngày. Tuy nhiên nếu làm tốt chương trình này, khả năng nâng cao chất lượng dạy và học hoàn toàn được công nhận”- thầy Ngô Tuấn Khải cho biết.

Trong khi đó, đánh giá về việc ứng dụng CNTT trong trường học ở Vĩnh Long, nếu so với các tỉnh ĐBSCL thì nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn… yếu. Theo thầy Ngô Tuấn Khải, Vĩnh Long nên có một kho tư liệu giảng dạy (kho dùng chung) truy cập được.

Do đó cần trang bị máy chủ chứa dữ liệu dùng chung, đồng thời cần có bộ phận chuyên trách chuyên sâu về vấn đề này như một số tỉnh đã làm và cũng có một số kết quả nhất định. Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cao, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ, giáo viên…

Trong những năm tiếp theo, Sở GD-ĐT sẽ đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu ngành nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng cần thiết cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành…

Theo thầy Trần Ngọc Tấn, trong năm học 2012- 2013 dự kiến mở lớp tập huấn về CNTT bởi việc nâng cao trình độ CNTT cho giáo viên là cần thiết. Giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo tiết học trực quan, sinh động cho học sinh. Tuy nhiên, tránh lạm dụng CNTT vào các tiết học không cần thiết, kém hiệu quả...

KHÁNH DUY


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh