Kể từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) sẽ có hiệu lực. Khi thông tin được phổ biến, cả sinh viên và nhà trường đều lo lắng trước những khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, có lẽ đây cũng là cơ hội để nhìn lại đúng bản chất của đào tạo, không chạy theo tấm bằng đại học.
Kể từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) sẽ có hiệu lực. Khi thông tin được phổ biến, cả sinh viên và nhà trường đều lo lắng trước những khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, có lẽ đây cũng là cơ hội để nhìn lại đúng bản chất của đào tạo, không chạy theo tấm bằng đại học.
Quy định mới có hiệu lực làm nhiều học sinh lo lắng khi muốn có tấm bằng ĐH.
Sinh viên, nhà trường đều lo
Theo quy định mới, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ sau 3 năm (36 tháng) kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ, ĐH phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển.
Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ, ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm. Căn cứ vào quy định mới này, cả sinh viên và nhà trường đều lo lắng với những khó khăn sắp tới.
Đối với sinh viên, khi không đủ khả năng thi thẳng vào ĐH nên đã chọn cách đi đường vòng bằng cách học CĐ. Với quy định này, nhiều sinh viên đã rất lo lắng khi tấm bằng ĐH càng trở nên xa vời. Em Đinh Thành Bình- sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Nếu vừa học xong rồi thi liên thông theo quy định mới thì còn được bao nhiêu sinh viên nhớ đến kiến thức các môn văn hóa. Thậm chí nếu có thi đậu vào các trường liên thông thì giống như kiến thức sau 3 năm học CĐ của em coi như vô ích.
Em Bùi Thị Yến Chi cũng lo lắng cho biết, “với những kiến thức đã học tụi em cũng có thể có được công việc làm ổn định. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm xã hội đang rất xem trọng bằng ĐH, đây rất có thể là một sự bất công đối với sinh viên CĐ thật sự muốn học ĐH...” Còn em Nguyễn Thị Ngọc Trinh thì đề nghị nên rút ngắn thời gian quy định dưới 36 tháng để các em còn nắm được các kiến thức hoặc mở các lớp đào tạo củng cố kiến thức để phù hợp với điều kiện mới trong quy định.
Không riêng gì sinh viên, ngay cả các trường cũng rất lo lắng trước những quy định này, nhất là trong công tác tuyển sinh. Thầy Trần Thanh Tùng- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long cho biết: Quy định này khó hơn quy định cũ, do đó sẽ rất khó cho một bộ phận sinh viên có thể thi đậu vào ĐH. Hơn nữa, với khoảng thời gian 36 tháng sẽ khiến nhiều sinh viên mất động lực để đi học tiếp. Có thể sinh viên sẽ nghỉ học CĐ để ôn văn hóa thi ĐH, khi đó công tác tuyển sinh, mở lớp của nhiều trường sẽ gặp khó.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết thêm: Không chỉ người học gặp khó mà trường càng khó hơn, nhất là ở các trường trung cấp, CĐ. Tuy quy định mới sẽ siết chặt tình trạng liên thông tràn lan nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, thời gian tới cần có những nhìn nhận, quan điểm đúng đắn để ngành giáo dục phát triển theo hướng tích cực.
Không chạy theo tấm bằng đại học
Theo nhiều nhìn nhận, hiện nay tấm bằng ĐH dường như đang trở thành trào lưu và có nhiều sự bất cập trong đó, đặc biệt là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Thầy Trần Thanh Tùng nhìn nhận: Có lẽ Bộ GD-ĐT ra quy định mới để phân luồng lao động theo trình độ và tránh đào tạo tràn lan, kém chất lượng như hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải thấy rõ là hiện nay quan điểm xã hội, các đơn vị tuyển dụng rất thích người học ĐH. Do đó, nếu đúng là mục đích này thì bộ cần phải làm rõ quan điểm CĐ, ĐH là gì. Ở một số nước trên thế giới, ĐH, CĐ cũng đều được gọi là cử nhân 3 năm (CĐ) hoặc là 4 năm (ĐH) mà thôi. Thậm chí, ở một số ngành nghề, sinh viên khi tốt nghiệp CĐ thậm chí tay nghề còn cao hơn người học ĐH vì hầu hết thời gian học là sinh viên CĐ được thực hành.
Khoảng năm 2002, Bộ GD- ĐT triển khai thí điểm đào tạo liên thông, nhằm tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí... Năm 2008, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế đào tạo liên thông. Nhưng sau một thời gian, đào tạo liên thông đang trở thành hiện tượng, trở thành “nồi cơm” của một số trường, tạo ra môi trường giáo dục nhốn nháo, kém chất lượng. Hiện nay, ở một số sở, ngành, doanh nghiệp, địa phương tuyên bố không tiếp nhận hồ sơ người tốt nghiệp ĐH liên thông. Qua đó, có thể thấy rằng quy định mới của Bộ GD-ĐT vừa ban hành sẽ là cơ hội để nhìn nhận đúng đắn lại bản chất thật sự của công tác đào tạo. |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin