Khối ngành kinh tế, sư phạm giảm chỉ tiêu

03:01, 16/01/2013

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như tìm lời giải cho bài toán dư thừa nhân lực ngành sư phạm và nguy cơ thất nghiệp đối với sinh viên khối ngành kinh tế, tài chính, Bộ GD và ĐT đã thông báo năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy.

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như tìm lời giải cho bài toán dư thừa nhân lực ngành sư phạm và nguy cơ thất nghiệp đối với sinh viên khối ngành kinh tế, tài chính, Bộ GD và ĐT đã thông báo năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy.

Sau thông báo tạm ngừng mở mới ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, và điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu nhóm ngành này theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD và ĐT định hướng sẽ tăng học phí những ngành này, đồng thời giảm dần chỉ tiêu sư phạm vì sinh viên ra trường không có việc làm.

Lời giải cho bài toán mất cân đối

Trong hệ thống các trường ĐH, CĐ toàn ngành, quy mô đào tạo hệ chính quy năm 2012, khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng cao, lên đến 37,5%, trong khi khối ngành nông lâm ngư, y dược, nghệ thuật chiếm tỉ trọng khá thấp (chỉ từ 2% đến 5%).

Theo thống kê từ Bộ GD và ĐT, quy mô đào tạo nhóm ngành kinh tế phình ra trong khi đội ngũ giảng viên không đáp ứng đủ theo tỉ lệ 25 sinh viên/ 1 giảng viên.

Mặc dù số lượng quy đổi theo tỷ lệ này ở các khối ngành khác đã có chiều hướng giảm nhưng ở khối trường kinh tế, tỷ lệ này vẫn khá cao so với quy định, thậm chí có trường tỷ lệ sinh viên/giảng viên là hơn 30.

Tư vấn tuyển sinh giúp thí sinh có định hướng đúng hơn khi lựa chọn ngành học

Thực tế đào tạo dư thừa, chạy theo nhu cầu “ảo” của xã hội, khiến nhóm ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh có mặt trong hầu hết các trường ĐH, kể cả những trường không mấy “liên quan” đến khối ngành này.

Kết quả là sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành “hot”, một thời từng được xem là “đắt hàng” đang phải lao đao với tìm việc làm.

Bên cạnh việc dư thừa lao động khối ngành kinh tế do cung vượt quá cầu, thì tình trạng người học không mấy mặn mà với ngành sư phạm và sinh viên sư phạm ra trường rơi vào tình trạng không tìm được việc làm cũng đang là bài toán khá nan giải, trong khi chỉ tiêu khối ngành này hằng năm vẫn chiếm tỷ lệ 14,4% tổng chỉ tiêu các trường trực thuộc Bộ.

Trước tình trạng này, tại Hội nghị ngân sách năm 2013, Bộ GD và ĐT đã xây dựng nguyên tắc tuyển sinh đào tạo, tập trung vào một số mục tiêu.

Cụ thể, đối với ĐH, CĐ, năm 2013 và các năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo, đồng thời, điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Do tình trạng dư thừa giáo viên nên chỉ tiêu sư phạm cũng được Bộ GD và ĐT mạnh tay cắt giảm, từ 20.000 sinh viên ĐH năm 2012 sẽ chỉ còn 16.000 chỉ tiêu; hệ CĐ cũng chỉ còn 2.900 chỉ tiêu so với 3.220 chỉ tiêu của năm 2012 và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.

Về nguyên tắc phân bổ ngân sách, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD và ĐT, Nguyễn Ngọc Vũ, các trường và đơn vị trực thuộc Bộ được giao dự toán gồm 3 nhóm.

Trong đó nhóm các trường ĐH khối kinh tế, tài chính tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần các hoạt động không thường xuyên.

Trường tháo gỡ cho sinh viên khối kinh tế

Không ngạc nhiên trước quyết định của Bộ GD và ĐT về cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành kinh tế năm 2013, TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho biết trường đã tiết giảm chỉ tiêu khối kinh tế từ mấy năm trước chứ không đợi đến quyết định của Bộ.

Do đặc thù là trường công lập tự chủ tuyệt đối, hoạt động theo cơ chế thị trường nên khi nhận thấy thị trường khối ngành kinh tế có dấu hiệu bão hòa, trường đã tự giảm chỉ tiêu.

Nếu như trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh theo công thức 60% là ngành kinh tế thì giờ đây tỉ lệ này so với các ngành còn lại của trường là 50-50. Năm 2012, chỉ tiêu ĐH đã cắt giảm 30% so với năm 2011 thì năm 2013 sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 10%, TS Lê Văn Thanh cho biết thêm.

So với các ngành như Du lịch, Thiết kế thời trang, gần như 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay thì sinh viên ngành kinh tế có độ trễ hơn. Nhà trường đã đưa ra giải pháp giúp sinh viên khối ngành kinh tế dễ tìm việc hơn đó là dự liệu một khả năng kiếm việc khác bằng việc học song bằng.

Như vậy, những sinh viên có đủ điều kiện (các môn học có điểm trung bình trên 7,0) sẽ được phép học song song thêm một chuyên ngành khác. Sau 5 năm ra trường, họ đã có 2 tấm bằng trong tay.

TS Lê Văn Thanh cho hay, khóa học vừa qua, có 27% sinh viên ngành kinh tế học song bằng. Thường thì sinh viên sẽ chọn học thêm ngành tin học hoặc ngoại ngữ. Kết quả, gần như tất cả sinh viên học song bằng sau khi tốt nghiệp đều chắc chắn có việc làm ngay.

Ủng hộ quan điểm cắt giảm chỉ tiêu ngành đã bão hòa để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo mà Bộ vừa đưa ra, PGS. TS Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Đoàn cho biết năm nay trường cũng sẽ cắt giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế, tập trung chỉ tiêu vào một số ngành như: Công tác xã hội, luật, bảo hộ lao động.

Năm nay Bộ quy định các trường phải đăng ký chỉ tiêu cụ thể của từng ngành, không như những năm trước trường chỉ đăng ký tổng số chỉ tiêu, sau đó tự phân bổ.

Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh năm 2013, trường sẽ rút bớt chỉ tiêu hệ CĐ từ 600 xuống còn 200; chỉ tiêu ĐH mặc dù giữ nguyên như năm 2012, nhưng sẽ giảm từ 15 đến 20% chỉ tiêu khối ngành kinh tế, PGS. TS Dương Văn Sao thông tin.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Công Đoàn không có thêm chuyên ngành mới mà chỉ tách và bổ sung thành những ngành chuyên sâu hơn, như ngành bảo hộ lao động sẽ có thêm ngành chuyên sâu là sức khỏe nghề nghiệp; ngành tài chính ngân hàng tách ra thành ngành tài chính và ngân hàng… giúp sinh viên có kiến thức chuyên ngành sâu hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm lớn hơn.

Đào tạo song bằng cũng là giải pháp mà Trường ĐH Công Đoàn lựa chọn cho sinh viên khối ngành kinh tế, bên cạnh giải pháp xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, khảo sát yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng. PGS. TS Dương Văn Sao cho biết trung bình một khóa học có khoảng 40% sinh viên đăng ký học song ngành.

TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết năm 2013, các trường tốp đầu đào tạo về kinh tế, tài chính, ngân hàng không có sự biến động về chỉ tiêu. Năm nay, trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh ĐH như năm ngoái là 2.300, chỉ cắt giảm 100 chỉ tiêu CĐ, xuống còn 500 chỉ tiêu.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh