Thu học phí buổi 2 khó, cô giáo “chật vật”!

01:12, 05/12/2012

Bậc học mầm non (MN) ở vùng xa, đông đồng bào dân tộc sinh sống khi thực hiện thu học phí buổi học thứ 2 (loại hình dạy học 2 buổi/ngày) còn gặp khá nhiều khó khăn. Các cô giáo MN dạy buổi này với “phụ cấp thấp”, thậm chí có trường hợp như “dạy không công”...


Tình yêu thương trẻ đã vượt lên tất cả để các cô tiến tới phổ cập cho trẻ MG 5 tuổi...

Bậc học mầm non (MN) ở vùng xa, đông đồng bào dân tộc sinh sống khi thực hiện thu học phí buổi học thứ 2 (loại hình dạy học 2 buổi/ngày) còn gặp khá nhiều khó khăn. Các cô giáo MN dạy buổi này với “phụ cấp thấp”, thậm chí có trường hợp như “dạy không công”...

Các trường MN, mẫu giáo (MG) địa bàn 2 xã Tân Mỹ, Trà Côn (Trà Ôn) có nhiều trường hợp như thế.

Học phí buổi 2: khó thu đủ!

Toàn Trường MN Trà Côn có 464 cháu từ độ tuổi nhà trẻ đến lớp lá 5 tuổi, trong đó có 203 cháu 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Tại điểm chính, có 78 cháu 5 tuổi với một lớp (43 cháu) học 2 buổi/ngày, còn một lớp (35 cháu) học bán trú.

Riêng tại 6 điểm lẻ của trường, có 5/6 điểm có tổ chức cho trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày với tổng số 125 cháu và đây là con số ấn tượng khi huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và tổ chức dạy- học 2 buổi/ngày để tiến tới phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi. Còn điểm lẻ tại ấp Ông Tín không tổ chức cho trẻ 5 tuổi học buổi 2.

Theo cô Lê Ngọc Duệ- Phó Hiệu trưởng chuyên môn trường, thuận lợi của lớp học bán trú hoặc 2 buổi/ngày của trẻ 5 tuổi ở điểm chính là cơ sở vật chất trang thiết bị khá đầy đủ, phụ huynh quan tâm con em mình hơn...; còn ở điểm lẻ, các điều kiện phần nhiều thiếu hụt.

“Khó đối với trường này là địa bàn còn nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, nên việc đóng học phí buổi 2 cho con em mình không được thuận lợi và kịp thời. Trường thì vận động phụ huynh đóng cả năm, nhưng thường phụ huynh có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, chúng tôi không dám xiết”- theo cô Lê Ngọc Duệ.

Cô giáo dạy điểm lẻ Ngãi Lộ B của MN Trà Côn tên Thạch Thị Cam Na nói, phụ huynh các cháu MG 5 tuổi tuy có đóng học phí buổi 2 nhưng còn hơi chậm.

Tại các điểm lẻ của MN Trà Côn, hầu hết lớp MG là lớp ghép các độ tuổi 3, 4 và 5 tuổi. Theo trường, ở buổi 2, số trẻ 5 tuổi nếu tham gia học ít và việc thu học phí buổi này khó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến một phần thu nhập của giáo viên.

Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Trang, mỗi ngày dạy 2 buổi sáng/chiều ở 2 điểm lẻ khác nhau là trường hợp khá vất vả để đảm bảo yêu cầu học 2 buổi/ngày của lớp MG 5 tuổi. “Đầu năm thì cả 2 cô hiệu phó đều phải đứng lớp cả. Trong tình hình đội ngũ hiện nay, chúng tôi thiếu 6 giáo viên bổ sung cho các lớp MG 5 tuổi để đảm bảo 2 giáo viên/lớp”– cô Huỳnh Thị Ngọc Thy- Phó Hiệu trưởng hành chánh của MN Trà Côn, cho biết.

Tại điểm lẻ ấp Tầm Vu do cô giáo Thạch Thị Diễm phụ trách, lớp ghép này có 11 cháu, trong đó có 7 trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Việc thu học phí buổi 2 này của 7 trẻ trên (đến 19/11)– theo trường là đạt. Tuy nhiên, với lượng trẻ 5 tuổi ít, phí thu cũng không được bao nhiêu.

Những cô giáo MN Trà Côn dạy các lớp MG 5 tuổi thu học phí học buổi 2 như vậy là đã khá. Ở nội dung này, nhiều cô giáo ở Trường MG Tân Mỹ còn “hẩm hiu” hơn.

Hiệu trưởng Trường MG Tân Mỹ, cô Võ Thúy Hằng, nói: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong nội dung này để tạo thêm một phần phụ cấp, giúp các cô giáo đỡ vất vả”.

Điểm lẻ ấp Cần Thay do cô giáo Mỹ Chi phụ trách có 100% trẻ MG 5 tuổi là người dân tộc. Hiện chỉ mới có... 1/25 cháu của lớp MG 5 tuổi ở điểm này đã đóng học phí cho cả năm học. Còn 24 cháu còn lại chia ra đóng theo từng tháng, như tháng 10 rồi có 16 cháu đóng, tháng 11 có 11 cháu đóng,...

Đây là điểm lẻ thu học phí buổi 2 khó nhất trong các điểm lẻ. “Đa số trẻ trên địa bàn thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, học phí học buổi 1 nhiều trẻ đã được miễn giảm, nên khi “gánh” thêm phần học phí học buổi 2 này, với nhiều nhà là thật sự nan giải”– theo cô Hằng.


Theo quy định, các cô giáo sẽ hưởng 75% học phí buổi 2 (với 2.000 đ/buổi nhân 9 tháng thì mỗi học sinh sẽ đóng 360.000đ).

Trăm mối toan lo...

“Khổ lắm! Trường mà nhắn phụ huynh đóng học phí buổi 2 này, người ta sẽ cho con mình nghỉ học ngay đó, vì họ nói chẳng có tiền đóng. Trẻ bỏ học, lúc đó còn nguy hơn, vì trẻ mà nghỉ học rồi thì mình vận động đi học lại cơ cực hơn nữa.

Năm ngoái đây, có mấy điểm lẻ, cô giáo thu đến hàng tuần, phụ huynh có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, tới đâu hay tới đó, thu miết cả năm mới đăng nộp để có thể lãnh phần 75% mức học phí buổi này. Có cô giáo được một triệu, một triệu hơn thôi...”– cô Hằng cho biết.

Còn cô Lâm Thị Thanh Thảo, cô giáo dạy lớp điểm lẻ Sóc Ruộng cho biết: “Điểm lẻ ấp Sóc Ruộng có 24 cháu, tất cả người dân tộc. Hết 19 cháu trong số đó là gia đình nghèo. Hiện đã có 4/11 cháu 5 tuổi trong số đó đóng xong học phí cả năm học. Còn lại các cháu 5 tuổi khác vẫn chưa thu được. Ngoài ra dạy 2 buổi cả ngày, nhà lại xa, tụi em hết cả thời gian để làm sổ sách, soạn giáo án,... và một phần ảnh hưởng đến cuộc sống”.

“Mình mong có quạt, vì dạy buổi chiều nóng nực cho cháu lắm. Điểm lẻ này có 44 trẻ (23 trẻ MG 5 tuổi) nhưng vẫn chưa có hàng rào bao quanh, sợ giờ ra chơi mình không kiểm soát hết các trẻ. Đồ dùng, đồ chơi có nhưng còn thiếu nhiều. Lớp cũng thiếu đàn, thiếu chỗ vệ sinh và nước sạch...

Ngoài học phí buổi 2 kịp thời để “hỗ trợ” các cô giáo dạy lớp MG 5 tuổi, mình mong các điểm lẻ được đầu tư khá hơn để các cô yên tâm giảng dạy cho các cháu”– cô Cam Nha bày tỏ.

Hiệu trưởng MN Trà Côn Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Phụ huynh chậm nộp học phí, các cô giáo vẫn phải vượt qua khó khăn đó để giảng dạy tốt, đảm bảo yêu cầu học 2 buổi/ngày, làm sao cho tất cả trẻ MG 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục MN khi ra lớp”.

Còn theo cô Hằng, trường cũng như các trường khác ở vùng xa xôi, mong có một phần phụ cấp cho cô giáo dạy 2 buổi/ngày, trong điều kiện đời sống địa phương còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu học phí buổi 2 như thế. “Tuy nhiên, dù khó chúng tôi vẫn nỗ lực để hoàn thành chương trình MN cho trẻ 5 tuổi trước khi ra lớp”.

Nhiều cô giáo còn nói, với điểm lẻ ít cháu 5 tuổi, nên chăng đưa số cháu độ tuổi này về điểm khác để đỡ một phần vất vả cho cô giáo. Ngoài ra, tại các điểm chính khó có thể “tải” hết số trẻ trên địa bàn (và liên địa bàn), nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cũng trở nên cấp bách...

Bài, ảnh: MINH THÁI – KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh