Đề án P06 của Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã thực sự mang lại hiệu quả lớn từ những điều tưởng chừng rất nhỏ. Đó, đơn giản chỉ là cách khuyến khích học sinh (HS) nói lên những gì mà mình mong muốn ở gia đình, bạn bè, là cách tập làm người lớn: tự đi siêu thị và tự trả tiền. Để rồi, những việc nhỏ bé đã giáo dục được cho các em tính trung thực, minh bạch ngay khi còn thơ dại.
Đề án P06 của Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã thực sự mang lại hiệu quả lớn từ những điều tưởng chừng rất nhỏ. Đó, đơn giản chỉ là cách khuyến khích học sinh (HS) nói lên những gì mà mình mong muốn ở gia đình, bạn bè, là cách tập làm người lớn: tự đi siêu thị và tự trả tiền. Để rồi, những việc nhỏ bé đã giáo dục được cho các em tính trung thực, minh bạch ngay khi còn thơ dại.
Chọn hàng trong Siêu thị Tuổi thơ.
Những cách làm đơn giản
Đề án P06 với mục tiêu hình thành tính minh bạch cho HS tiểu học được tài trợ thực hiện ở Vĩnh Long trong năm 2012. Với 4 hình thức cơ bản: Siêu thị Tuổi thơ, bảng thông tin “Điều em muốn nói”, bảng trưng bày sản phẩm và hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”. Thầy Trần Hoàng Túy- tác giả đề án cho rằng: Qua việc nói lên cảm nghĩ của mình, HS sẽ hình thành tính thẳng thắn, trung thực.
Đến “Siêu thị Tuổi thơ” của các trường, xem HS tiểu học ríu rít đi siêu thị rất vui. Siêu thị Trường Tiểu học Thiềng Đức gọn gàng ngăn nắp và hơn hết là đảm bảo vệ sinh.
Thầy Võ Phước Thọ- Hiệu trưởng cho biết: “Thuận lợi của nhà trường là đã có sẵn Siêu thị Tuổi thơ hơn 10 năm nay, nên khi thực hiện Đề án P06 có lợi thế hơn một số trường khác.” Khi đến mua sắm tại đây, HS sẽ đổi tiền thành phiếu và dùng phiếu mua hàng.
Các mặt hàng được niêm yết giá để các em dễ lựa chọn và các em tự trả tiền bằng cách bỏ phiếu vào thùng. HS Nguyễn Thảo Ngân- lớp 5, Trường TH Thiềng Đức- cười rạng rỡ: “Em biết đi siêu thị của trường lâu rồi, ba mẹ em cũng rất yên tâm vì siêu thị vệ sinh”.
Các em vui vẻ xem các tranh biếm họa do các bạn trình bày.
Riêng bảng “Điều em muốn nói”, với bé Thảo Ngân như nhịp cầu nối với thầy cô bạn bè, vì “em có thể viết những gì mình nghĩ về trường lớp, bạn bè lên cho các bạn cùng xem”. Thầy Võ Phước Thọ nói thêm: “Sau khi thống kê có 100% HS của trường hiểu và có tham gia các hoạt động của đề án và có khoảng 96% HS đã hình thành tính trách nhiệm và ý thức”.
Cũng đồng tình với Trường Tiểu học Thiềng Đức, Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) cũng được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng tuần, trường đều có tổng kết và trả lời các bức thư do HS gửi vào thùng. Những thắc mắc của HS sẽ được giải đáp vào giờ sinh hoạt dưới cờ của tuần sau. Nhờ đó, mà HS cũng dần ngoan ngoãn hơn.
Tuy chỉ là HS tiểu học nhưng các em nhỏ lại mạnh mẽ hơn trong việc nói và vẽ lên suy nghĩ của mình. Đó là những bức tranh biếm họa về Siêu thị Tuổi thơ, những bức tranh thay lời cảm ơn đối với thầy cô, bạn bè. Nhiều hiệu trưởng của các trường TH tham gia đề án cũng cho rằng HS và phụ huynh rất đồng tình với hoạt động này.
Còn nói như ông Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, Trưởng ban điều hành đề án thì: “Không những hình thành được tính trung thực và nâng cao ý thức cho HS mà thông qua đó nhà trường cũng sẽ tự nhìn nhận lại mình để thêm hoàn thiện”.
Và hiệu quả không ngờ
Sau 1 năm thực hiện ở 8 trường tiểu học trong tỉnh với gần 6.000 HS tham gia, đề án đã giúp nhiều HS lớn hơn.
Theo kết quả khảo sát, có hơn 80% HS có gửi thư vào hộp “Em mong muốn gì ở người lớn” thì có khoảng 95% các em cho rằng ý kiến của các em đã được giải quyết. Bảng thông tin điều em muốn nói cũng đã thu hút hơn 90% HS đến xem và góp ý.
Trong bảng “Điều em muốn nói” của Trường Tiểu học Bình Ninh A (Tam Bình), HS tên Minh Thuận viết: “Ba bạn Trân đang bị bệnh nặng, nhà bạn lại nghèo, em mong trường có thể giúp đỡ cho ba bạn Trân”.
Kết quả là Trường Tiểu học Bình Ninh A đã thăm và hỗ trợ cho ba bạn Trân với số tiền mỗi tháng là 500.000đ. Điều dễ nhận thấy là qua đó, HS đã thể hiện được mình và thể hiện sự quan tâm đến những người, những việc xung quanh nhiều hơn.
Không dừng lại ở góc độ nhà trường, bạn bè nhiều HS còn gửi vào đó cả mong muốn ở gia đình như: “con muốn cha mẹ đừng gây gổ với nhau nữa” hay “con xin lỗi mẹ vì hôm qua con không nghe lời mẹ”, “siêu thị trường bán hàng Trung Quốc thì nhiều, hàng Việt Nam thì ít”,…
Thùng thư “Em mong muốn gì ở người lớn” của Trường Tiểu học Thiềng Đức hàng tuần đều nhận được thư của các em.
Thầy Nguyễn Xuân Huy- Trường Tiểu học Phước Hậu B (Long Hồ) cho biết: Ngoài các hoạt động của đề án, trường còn cho HS làm báo tường để các em tự do được thể hiện năng lực và suy nghĩ của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án, cũng còn lắm khó khăn như vấn đề tổ chức siêu thị học đường nhiều trường còn do tư nhân quản lý nên chất lượng và giá cả chưa đảm bảo.
Thiết nghĩ, 1 năm để thực hiện vẫn là chưa đủ mà cần phải “tiếp tục duy trì thực hiện đề án”- ông Lý Đại Hồng nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các trường khác cũng nên thực hiện các mô hình của đề án để giáo dục ý thức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS tốt hơn.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, Đề án P06 đã tập trung vào HS tiểu học để từ những việc nhỏ các em sẽ thẳng thắn, có ý thức trách nhiệm và biết quan tâm hơn đến mọi người xung quanh mình.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin