Mặc dù còn hơn 2 tuần nữa mới hết thời gian tuyển sinh theo qui định của Bộ GD-ĐT (30/11) và khu vực “3T”: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được cộng thêm 1 điểm ưu tiên. Tuy nhiên, hạ điểm chuẩn không cứu vãn được tình hình chung của nhiều trường và thí sinh (TS) vẫn vắng.
Đâu rồi cảnh tấp nập xét tuyển của mọi năm?
Mặc dù còn hơn 2 tuần nữa mới hết thời gian tuyển sinh theo qui định của Bộ GD-ĐT (30/11) và khu vực “3T”: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được cộng thêm 1 điểm ưu tiên. Tuy nhiên, hạ điểm chuẩn không cứu vãn được tình hình chung của nhiều trường và thí sinh (TS) vẫn vắng.
Đại học Cửu Long gặp khó
Trường ĐH Cửu Long không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐH, CĐ. Ngay khi có quyết định của Bộ GD-ĐT về cộng thêm 1 điểm ưu tiên, trường đã áp dụng ngay. Tuy nhiên, tình cảnh tuyển sinh của trường đến nay chỉ có thể dùng 1 từ để diễn tả: “khó”. Sau gần 20 ngày được cộng thêm điểm ưu tiên, Trường ĐH Cửu Long nhận thêm khoảng 70 hồ sơ xét tuyển của cả 2 hệ đào tạo ĐH và CĐ.
Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Cửu Long có gần 700 TS đến làm thủ tục nhập học. Trong khi, chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 3.000. Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Đến thời điểm này, trường mới tuyển được hơn 20% chỉ tiêu”.
Những năm trước đây, Trường ĐH Cửu Long tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ có năm nay trường mới lâm vào tình cảnh vắng trò như thế này. Thạch sĩ Đặng Văn Toại- Phó Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cửu Long cho biết: Mọi năm, TS đến xét tuyển đông phải làm một bãi giữ xe riêng và phải chờ để được các sinh viên của trường tư vấn, còn năm nay thì các sinh viên tư vấn phải chờ TS.
TS vào học rải rác, nhập học muộn nên nhiều trường phải tổ chức các lớp dạy riêng cho sinh viên vào sau. “Đối với SV đậu nhờ được cộng thêm 1 điểm ưu tiên, trường còn tổ chức dạy văn hóa bồi dưỡng để các em có thể theo kịp chương trình đại học”- Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt cho biết thêm.
Chưa thể thống kê các ngành nào có thể và không thể mở được lớp của Trường ĐH Cửu Long nhưng chắc chắn một điều, trường này sẽ gặp nhiều khó khăn trong đào tạo khóa mới nếu lượng TS vẫn ít như hiện nay.
Có nhiều trường tư, đến thời điểm này, mới tuyển được 20%; thậm chí có trường công cũng chỉ mới tuyển được 50% số sinh viên cần tuyển.
Thí sinh đi đâu?
Khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc và chừa một lượng TS trên sàn hợp lý đủ làm nguồn tuyển cho các trường. Theo thống kê, có khoảng 26.000 lượt TS thi ở các hội đồng thi thuộc ĐBSCL có điểm bằng sàn trở lên, đủ nguồn tuyển cho các trường. Vậy, TS đã đi đâu?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ đã để số lượng TS dư rất nhiều so với chỉ tiêu giao cho các trường. Như vậy, vấn đề là các trường tạo sức hút như thế nào với các TS”.
Đối với Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, tình hình tuyển sinh năm nay có khả quan hơn nhờ tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, Tiến sĩ Cao Hùng Phi- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Sau khi cộng thêm điểm ưu tiên đến nay, trường nhận được thêm khoảng 20 hồ sơ”.
Nhiều TS chọn thi nhiều ngành, nhiều khối cho “chắc ăn”nên lượng TS ảo rất lớn. Trong ảnh: Học sinh trong buổi tư vấn hướng nghiệp năm 2012.
TS vẫn không đến dù hạ điểm sàn! Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt nói: “Tôi cũng không biết TS đang ở đâu nữa!” Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vừa qua, Trường ĐH Cửu Long đã tích cực thực hiện các chương trình tư vấn đến tận các trường phổ thông trong tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận. Thông tin rộng rãi với các đơn vị thông tấn, báo chí. Vậy mà,…
Một số lãnh đạo trường cho rằng, do thời gian xét tuyển kéo dài, TS có quá nhiều cơ hội lựa chọn nên dây dưa, trù trừ và dĩ nhiên ưu tiên vào các trường công lập. Bên cạnh đó, nhiều trường công còn tăng thêm chỉ tiêu nhằm vét TS. Và cũng có thể, số lượt TS trên sàn còn ảo do nhiều TS thi cả 2 khối thi, 2 hệ đào tạo.
Thiết nghĩ, một số tỉnh vừa qua “nói không với sinh viên ngoài công lập” hẳn đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý ngán trường dân lập của nhiều TS.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin