Nếu như, thầy luôn mong muốn trò ngoan hơn, chăm học hơn thì trò cũng có những lời mong muốn ở thầy mà không dám nói. Hãy thử một lần lắng nghe những tâm tình bạn trẻ về thầy, để thầy trò cảm thông và gần gũi nhau hơn nhé!
Tình cảm cô trò Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long.
Nếu như, thầy luôn mong muốn trò ngoan hơn, chăm học hơn thì trò cũng có những lời mong muốn ở thầy mà không dám nói. Hãy thử một lần lắng nghe những tâm tình bạn trẻ về thầy, để thầy trò cảm thông và gần gũi nhau hơn nhé!
Cảm ơn thầy
Tháng ngày đi học là khoảng thời gian khó phai của mỗi con người, ở đó có những kỷ niệm vui, buồn và… đủ thứ! Bạn Nguyễn Thanh Tiền (Tam Bình) luôn nhớ đến cô Huỳnh Thị Vân Hà bằng cả lòng tri ân.
Tiền còn nhớ khoảng thời gian mình còn là HS phổ thông ghét ơi là ghét giờ Hóa học của cô. Đơn giản, vì “học dở nên ghét”! Những “cây gậy, con ngỗng” thường xuyên xuất hiện trong giờ kiểm tra “riết rồi quen, mình không còn lo mà cũng chả thèm học Hóa”.
Bất ngờ với Tiền là cô Hà đã gặp và nói chuyện riêng với bạn. Tiền nói: Lúc đó cô hỏi sao mấy môn kia mình học được mà môn Hóa lại thấp điểm. Rồi cô nói, học Hóa không khó, chỉ cần siêng năng và chịu khó nghe cô giảng bài.
Cô Hà đã khuyên mình “ráng học đi mai mốt cô cho em gỡ điểm!” Vậy là từ đó, Tiền nghe lời cô và cố gắng học Hóa tốt hơn. Bằng chứng là đến ngày thi tốt nghiệp Hà được trọn điểm 10 môn Hóa. Tiền cười: “Không chỉ có mình mà các bạn khác cũng được cô động viên riêng như vậy đó. Mình biết ơn cô và hiểu rằng môn học nào cũng quan trọng cả”.
Nếu như, ngày trước cô Hà không động viên nhẹ nhàng mà trách phạt Tiền ngay trước lớp thì có lẽ bạn sẽ càng ghét môn Hóa nhiều hơn. Chính cách giáo dục đúng đắn của cô làm Tiền nhớ mãi.
Có những thầy cô giáo luôn gần gũi, hòa đồng và thương yêu HS như chính con cái của mình. HS cũng vì vậy mà càng kính yêu thầy cô hơn nữa. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Bích- HS Trường THPT Lưu Văn Liệt cảm ơn thầy Nguyễn Văn Mười vì “nhờ thầy mà em không còn chán giờ Lịch sử nữa” và cũng nhờ thầy mà em thấy mình biết nhiều hơn về văn hóa dân tộc.
Không riêng gì Bích, nhiều học trò cũng xem giờ học của thầy là một buổi trò chuyện thú vị, không áp lực.
Hãy “xích lại” gần em
Nhiều HS đều mong rằng thầy gần HS hơn, lắng nghe HS để thông cảm, sẽ chia với HS hơn nữa! Nguyễn Quốc Anh- HS Trường THPT Vĩnh Long biết rằng: Thầy cô nào cũng muốn học trò của mình được học giỏi, ngoan. Để tụi em nghe lời, thầy cô hay la rầy, khối lượng kiến thức thì quá lớn! Thầy ơi, em cũng muốn mình học giỏi, chỉ có điều đôi khi “lực bất tòng tâm”.
“Không làm được điều thầy cô mong muốn em cũng buồn và ray rứt lắm”- Quốc Anh chia sẻ. Chỉ mong thầy cô hiểu tâm lý tụi em thêm đôi chút, xin đừng tạo nhiều áp lực cho tụi em. Không khí lớp học thoải mái, gần gũi chính là động lực tiếp thêm cho tụi em có thêm ham học.
Còn Trần Khánh Phương- HS Trường THPT Phạm Hùng (Long Hồ) cho biết: Đầu mình sắp nổ tung vì lượng kiến thức quá lớn và không có thời gian “xả hơi”. Ước gì “thầy dẫn lớp đi chơi dã ngoại hay hoạt động thể thao nào đó”.
Cảm thông và chia sẻ giúp thầy trò gần nhau hơn.
Vừa được chơi, vừa được học rất cần thiết và bổ ích cho tụi em, được rèn luyện sức khỏe thì còn gì bằng. “Nhưng mà mỗi lần chúng em đòi chơi thì thầy lại lắc đầu. Thầy ơi! Em biết áp lực của thầy còn lớn hơn. Vậy nên, thầy trò mình cũng cần có lúc giải tress nha thầy”– đó là những điều mà Khánh Phương muốn nói với thầy chủ nhiệm.
Bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường Đại học Cửu Long rất quý mỗi giờ dạy của thầy B. Thầy như một kho sách khổng lồ mà Thảo và các bạn học cả đời cũng chưa chắc hết. Những điều thầy giảng hay lại rất bổ ích. Nhưng, Thảo nhỏ giọng: “Giá mà thầy dạy vui hơn, nói cao giọng và hoạt náo hơn để tụi em đừng… buồn ngủ”!
Ai bảo tình cảm thầy trò không quan trọng, nếu HS ghét thầy Văn thì HS đó có học tốt môn Văn được không? Thầy nhẹ nhàng động viên và giúp đỡ ta, vậy thì sao trò không nói với thầy, rằng “mong thầy xích lại gần trò hơn và hiểu trò hơn chút nữa”!
Bài, ảnh: CHI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin