
Là cốt cán chuyên môn của Phòng GD-ĐT Trà Ôn cũng như của Sở GD-ĐT Vĩnh Long trong những năm thay sách (2000– 2005) nên ít ai hình dung được điểm khởi đầu nghề giáo của cô Lý Thị Kiều là giáo viên hợp đồng cấp tốc tại Trường Tiểu học Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) cách đây 28 năm.
![]() Cô Lý Thị Kiều. |
Là cốt cán chuyên môn của Phòng GD-ĐT Trà Ôn cũng như của Sở GD-ĐT Vĩnh Long trong những năm thay sách (2000– 2005) nên ít ai hình dung được điểm khởi đầu nghề giáo của cô Lý Thị Kiều là giáo viên hợp đồng cấp tốc tại Trường Tiểu học Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) cách đây 28 năm.
Đến hôm nay là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Ôn, cô Kiều đã có 2 bằng đại học: cử nhân giáo dục tiểu học và đại học quản lý giáo dục.
Nhìn lại chặng đường đã qua quả là sự phấn đấu nỗ lực lớn lao, không ngừng học tập của cô Kiều. Năm 1984, giáo viên hợp đồng cấp tốc. Năm 1993, theo học trung học sư phạm. Năm 1996, học cử nhân giáo dục tiểu học. Năm 2007, học đại học quản lý giáo dục.
Nhớ lại năm 1984, trường lớp cô dạy rất nghèo nàn. Có lúc lớp học bốn bên là vách lá “đứng bên này ngó thấy bên kia”. Bảng lớp thì ọp ẹp, trò ngồi xếp bằng dưới đất, kê quyển tập trên đùi nắn nót từng chữ. Cuộc sống giáo viên rất khó khăn, cô Kiều chỉ nhận có 17.000đ hàng tháng cùng với một số nhu yếu phẩm. Nhiều đồng nghiệp đã bỏ nghề, nhưng cô Kiều vẫn cố gắng đeo đuổi nghề “gõ đầu trẻ” mãi đến hôm nay.
Năm học 1987– 1988, là giáo viên hợp đồng cấp tốc lại ở trường vùng sâu như Lục Sĩ Thành (phải qua con sông Hậu mới đến được) thì việc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh rất ư là gian nan. Khó nhất là phong trào rèn chữ viết đẹp và vở sạch. Phải thi 3 năm liên tiếp cô Kiều mới thành công.
Chính nhờ tích lũy kinh nghiệm đi thi, trải nghiệm cảm xúc nên cô là “đầu tàu” cho đồng nghiệp bước tiếp vào cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Vừa chăm sóc gia đình, con nhỏ nhưng cô Kiều không nệ khó khăn để đi dự các khóa cốt cán chuyên môn do Bộ GD-ĐT tổ chức, các dự án giáo dục nước ngoài và hầu như các đợt hội giảng từ tỉnh đến huyện cô đều có mặt.
Thầy Nguyễn Văn Mỹ- Hiệu trưởng cùng các đồng nghiệp thân yêu đã cùng cô Kiều tạo dấu ấn đẹp cho toàn huyện (và cả tỉnh) khi 8 năm tổ chức thành công Hội thi Đình– Giải Trạng nguyên. Cách tổ chức Hội thi Đình được cô sắp xếp rất khoa học. Từ đề thi Đình, đội múa, trường thi,… đến khâu ẩm thực tự chọn đều được tiến hành khoa học, hợp lý và tươm tất. Cô Kiều còn được vinh danh Viên phấn vàng và luôn thể hiện sự năng nổ, cầu thị, mong muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD-ĐT thế hệ trẻ.
Nói về phương châm sống của mình, cô bộc bạch: “Ngoài mối quan hệ tốt với mọi người từ lãnh đạo các cấp đến anh chị giáo viên, mình phải lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến để điều chỉnh, bổ khuyết trong cuộc sống đời thường và cách làm việc. Ta không thể sống cô độc mà không cần sự giúp đỡ của mọi người, phải biết nương tựa lẫn nhau lúc tối lửa tắt đèn, sống hòa đồng, gần gũi, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau”. Đối với học sinh, cô Kiều quan niệm rằng: “Các em là những trang giấy trắng tinh khôi, hãy thật sự xem học trò là con em của mình, nên hòa nhã, thân thiện,… để mái trường, lớp học thật sự là mái ấm cho các em nương tựa và trưởng thành.”
Sự khởi đầu bình thường nhưng những thành công liên tục của cô Kiều xứng đáng cho nhiều cán bộ, giáo viên học tập. 13 năm đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở liên tục, 2 lần là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 2 bằng khen của Bộ GD-ĐT, 5 bằng khen của UBND tỉnh, 5 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh và nhiều giấy khen của huyện, của Phòng GD-ĐT Trà Ôn.
Cô còn có 6 sáng kiến kinh nghiệm đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT. Cô Lý Thị Kiều– Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn là người duy nhất ở cấp tiểu học trong tỉnh được Hội đồng cấp tỉnh giới thiệu và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào dịp 20/11 năm nay.
Bài, ảnh: TRẦN HOÀNG TÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin