“Phát hoảng” với đồ dùng, đồ chơi mầm non

10:10, 03/10/2012

Nhìn vào bộ danh mục đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học dành cho trẻ và cô giáo bậc học mầm non với 124 loại cũng đủ... phát hoảng. Bộ danh mục này được quy định tại Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT, để trang bị cho mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi... phục vụ mở rộng chương trình giáo dục mầm non mới, tiến tới phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.


Phần lớn đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học ở nhiều trường mầm non, mẫu giáo được cấp theo từng năm học, tập trung cho từng lớp, chứ cấp một lần cho tất cả các lớp có nhu cầu thì không đủ.

Nhìn vào bộ danh mục đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học dành cho trẻ và cô giáo bậc học mầm non với 124 loại cũng đủ... phát hoảng. Bộ danh mục này được quy định tại Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT, để trang bị cho mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi... phục vụ mở rộng chương trình giáo dục mầm non mới, tiến tới phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại nhiều trường mầm non- mẫu giáo, nhiều lớp mẫu giáo 5 tuổi được cấp từ 40- 50% loại đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học theo danh mục. Nhiều trường đã tự trang bị mua sắm thêm hoặc “cải biên” cho tương đồng với bộ danh mục quy định.

Đầu tư nhiều, nhưng vẫn thiếu

Theo báo cáo tổng kết năm học của Sở GD-ĐT Vĩnh Long, công tác đầu tư đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ mở rộng thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới đã đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ khá tốt. Số liệu gần nhất về nội dung này thể hiện, ngành đã bổ sung đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho 126 phòng học mẫu giáo 5 tuổi và 7 trường thuộc xã vùng dân tộc; xây dựng 10 phòng học mới cùng đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 3,05 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các trường mầm non, mẫu giáo vẫn chưa đủ đồ dùng đồ chơi theo quy định của Thông tư 02.

Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Họa Mi (Long Hồ), cô Võ Thị Huỳnh Mai cho biết, toàn trường chỉ 1/4 lớp mẫu giáo 5 tuổi cơ bản có đủ đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho cô trò đạt 76/124 loại theo danh mục, đạt hơn 50% yêu cầu. “Tính riêng lớp lá 5 tuổi này, 4 kệ trong 4 góc phòng học là được cấp, trường phải tự trang bị thêm (mua và tận dụng bàn cũ đóng lại) 5 cái nữa mới đủ nhu cầu của trẻ. Lớp học 2 buổi/ngày phải có 2 tủ để mền gối cho trẻ ngủ trưa, trường được cấp 1 cái, còn 1 cái đóng thêm...”- cô Mai kể mấy món trang thiết bị dạy học đồ dùng đồ chơi dành cho một lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày.

Năm nay là năm thứ 4 ngành triển khai chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các trường bậc học này toàn tỉnh. Một trong những yêu cầu quan trọng là khi cô giáo dạy trẻ trên lớp chưa đủ thì cho trẻ vào góc phòng học chơi. Các góc phòng học theo đó phải có đồ dùng đồ chơi tối thiểu.

Cô Nguyễn Thị Bé Chi– chuyên viên mầm non– Phòng GD-ĐT Vũng Liêm cho biết, theo Thông tư 02, hiện tại phòng đã trang bị cho các trường mầm non, mẫu giáo được khoảng 40% đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học, chia cho 9 trường. Năm học này, ngành sẽ tiếp tục cấp cho 5 trường nữa với lượng được cấp cũng tầm 30- 40% so bộ danh mục. Toàn huyện hiện có 20 trường mầm non, mẫu giáo.

Tại Trà Ôn, vào năm học mới, 15 trường mầm non, mẫu giáo toàn huyện cũng được cấp 15 bộ kệ học tập. Chuyên viên mầm non– Phòng GD-ĐT Trà Ôn, cô Giang Thị Hoàng Nương cho biết, lượng đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học tính bình quân trên các trường mầm non, mẫu giáo trong huyện hiện được trang bị đạt khá cao với hơn 70%. Theo bộ danh mục 124 loại thiết bị này, theo phân cấp có 37 loại sở cấp, 15 loại phòng cấp, hơn 20 loại do phụ huynh học sinh đóng góp ở khoản học phẩm, còn lại là xã hội hóa.

Kể vài món đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học giá trị cao, một cô hiệu trưởng trường mẫu giáo cho biết có nhiều món như: búp bê (200-300 ngàn đồng/con), kệ thư viện (500 ngàn đồng/cái), tủ (gần 2 triệu đồng/cái), bảng 2 mặt (2,1 triệu đồng/cái),... Nhiều món đơn giản và rẻ hơn thường do phụ huynh đóng góp trong khoản mua sắm thiết bị hoặc trường tự trang bị bằng nguồn xã hội hóa. Như mỗi chiếc vòng học thể dục, có trường mua với giá 50 ngàn đồng.

Linh hoạt “cải biên”, tận dụng...

Trong 76/124 loại đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học mà duy nhất lớp mẫu giáo 5 tuổi của Trường Họa Mi được cấp, có 19 loại cấp theo danh mục, còn lại trường tự trang bị, mua sắm hoặc “cải biên” cho tương đồng để phục vụ dạy học. Cái khó của trường, cũng như nhiều trường mầm non, mẫu giáo hiện gặp phải, là phòng học khá chật chội so lượng thiết bị đã trang bị, nên đồ dùng đồ chơi cho trẻ (nếu có đủ) cũng hạn chế chỗ kê đặt, ảnh hưởng chỗ học tập, sinh hoạt của trẻ.


Nhiều món đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học trong phòng học lớp mẫu giáo 5 tuổi này là “cải biên” sáng tạo thêm và mua sắm thêm.

Theo cô Nguyễn Thị Bé Chi: Theo thông tư này quy định thì danh mục đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học 20 trường với tổng cộng 90 điểm học được cấp là thiếu so với nhu cầu. Nhưng hầu hết trường vẫn tự làm thêm để đảm bảo tiết dạy đạt hiệu quả... Cái khó hiện nay của hầu hết các đơn vị giáo dục mầm non trên địa bàn là thiếu máy vi tính và phần mềm giảng dạy cho trẻ. Toàn huyện có 60 lớp mẫu giáo 5 tuổi, nhưng chỉ có 4 lớp có máy tính– cô Chi liệt kê.

Tìm hiểu tại các trường, hoạt động làm đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học phục vụ học tập, sinh hoạt của cô trò mầm non, mẫu giáo phát triển rất mạnh hàng năm. Thông qua các cuộc thi và trưng bày cấp trường, huyện, tỉnh, nội dung này đã đáp ứng phần nào nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ.

Nhiều cán bộ quản lý mầm non nhìn nhận: Có nhiều lớp đạt yêu cầu phổ cập mẫu giáo 5 tuổi tính theo quy định của thông tư này về đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học vì đã được trường ưu tiên đầu tư đạt từ 50% trở lên so bộ danh mục. Còn nếu tính bình quân theo đơn vị trường thì... cũng còn rất nhiều trường được cấp không đạt 50% lượng đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Theo các trường mầm non, mẫu giáo, việc cấp phát này đa số thực hiện theo phân cấp và phân kỳ từng năm học. Sở, phòng cân đối nhu cầu từng trường và của các lớp mẫu giáo 5 tuổi mà trang bị,... nên khó là chẳng có đơn vị nào có đủ đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học theo quy định vì nhu cầu luôn cao.

“Đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học được cấp về, trường chúng tôi thực hiện cấp lại theo từng năm, tập trung cho từng lớp, chứ cấp một lần cho tất cả các lớp có nhu cầu thì không đủ”- ở góc độ trường, cô Võ Thị Huỳnh Mai lý giải.

Cũng có cán bộ quản lý mẫu giáo cho rằng, một số loại trong bộ danh mục 124 loại đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học có thể không nên “cứng nhắc” trang bị. Như lịch của trẻ có thể thay thế bằng thiết bị tương tự làm từ nguyên vật liệu tận dụng. Còn với búp bê, quy định mỗi lớp lá 5 tuổi phải có 2 bạn trai, 2 bạn gái. Mà giá của mỗi cái này đúng chuẩn cũng 200-300 ngàn đồng. Búp bê đó có thể mua ngoài chợ giá vài chục ngàn đồng để thay thế, tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo yêu cầu dạy học. Nhưng đó là đối đế, chứ khi kiểm tra sẽ không đạt yêu cầu...

 

Ở đây chỉ nói trong giới hạn mảng đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học dành cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi (lớp lá). Theo lãnh đạo nhiều trường mầm non, mẫu giáo, đối với trẻ 4 tuổi (lớp chồi), trẻ 3 tuổi (lớp mầm), sẽ có bộ danh mục đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học riêng biệt và lần lượt là 126 và 104 loại.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh