Ước mơ về một ngành nghề phù hợp là mong ước chung của mọi người, nhất là các bạn trẻ- những người đang đứng trước nhiều ngả đường đi đến thành công. Không chần chừ, không chậm chạp, các bạn đã chuẩn bị tâm thế chọn đường đến tương lai ngay từ những năm lớp 10, 11.
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được các nhà tâm lý của “Hội quán các bà mẹ” tư vấn tuyển sinh.
Ước mơ về một ngành nghề phù hợp là mong ước chung của mọi người, nhất là các bạn trẻ- những người đang đứng trước nhiều ngả đường đi đến thành công. Không chần chừ, không chậm chạp, các bạn đã chuẩn bị tâm thế chọn đường đến tương lai ngay từ những năm lớp 10, 11.
Bâng khuâng trước ngã ba đường
Chọn trường trong nước hay nước ngoài, chọn trường top trên hay đại học vùng, chọn ngành rộng nhiều lối đi mà lắm kẻ bon chen hay chọn ngành hẹp, rồi nào là “năng lực một đằng, sở thích một nẻo” thì phải làm sao? Đó là những bất an của nhiều bạn trẻ khi bắt đầu biết định hướng cho tương lai.
Bạn Nguyễn Quốc Vinh- học sinh (HS) lớp 11 (Tam Bình) khi đứng trước nhiều lựa chọn có tính chất quyết định của cuộc đời mình đã chia sẻ: “Mình tính học nghề rồi sau đó đi xuất khẩu lao động sang Nhật nhưng ba mẹ không cho”. Lý do cha mẹ Vinh không chấp nhận cho bạn học nghề cũng như biết bao nhiêu gia đình khác là “sợ con cực khổ”. Nhưng với Vinh thì thích sửa chữa, thích được đi nước ngoài học hỏi và bao ước mơ cứ… lấp lánh trong đầu. Vinh cũng còn một dự định “sơ cua” là bắt chước chị Hai thi ngành tài chính. Lớp 11, đầu óc bạn đã rối bời như mớ bong bong mỗi khi nhắc đến điệp khúc chọn ngành nghề.
Một bạn HS ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trong buổi tư vấn hướng nghiệp “Để thành công và thành nhân” vừa qua đã trải lòng mình như sau: “Em thích học khối A, nhưng lại kết các ngành truyền thông chỉ toàn thi khối C, D. Em phải làm sao đây?” Nhiều HS thì muốn đi du học nhưng không tự tin vào vốn ngoại ngữ của mình. Không biết nên chọn ngành gì và thậm chí có bạn còn không biết mình hợp với ngành gì nữa!
Nguyễn Thị Cẩm Tiên- học sinh Trường Nguyễn Văn Thiệt (Manh Thít) cho biết: “Sức học em chỉ ở mức trung bình thôi nên trước mắt em cố gắng học để thi đậu tốt nghiệp. Gia đình em thì bắt em thi ngành dược nhưng em muốn đi học nghề hay thi vào trường trung cấp. Em còn đang phân vân không biết chọn hướng đi nào nữa”. Bởi hơn ai hết Cẩm Tiên hiểu được năng lực của mình tới đâu. Vấn đề hiện nay là “làm sao để gia đình đặt kỳ vọng vừa phải với mình”- Cẩm Tiên
băn khoăn.
Vẫn còn kịp cho mọi dự định
Nguyễn Tuấn Kiệt- học sinh lớp 11 Trường THPT Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long) cho biết, em đã xác định cho mình khối thi và ngành học yêu thích để có thể tập trung học các môn đó tốt hơn. Nhưng cũng không vì thế mà lơ là các môn khác. Em chọn thi khối A với 2 ngành kinh tế và sư phạm. Một may mắn nữa của Kiệt là ba mẹ em rất thoải mái, cho em quyền tự chọn ngành em yêu thích. Chẳng những vậy, ba mẹ thường động viên em và hướng dẫn em cách học đúng giờ giấc để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Cần tránh tạo cho mình tâm lý căng thẳng, đừng tự tạo áp lực cho bản thân. Học không để lấy thành tích mà là để có kiến thức, điều quan trọng là biết cố gắng. Thành công thường có được từ những đam mê, có đam mê mới có hứng thú và làm việc tốt”- bí quyết của thủ khoa đại học tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Lê Quốc Việt cũng chỉ có vậy.
Theo các nhà tâm lý, bên cạnh việc xác định rõ cho mình một hướng đi rõ rệt từ những năm học phổ thông, các em cần tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ vì họ là những người đi trước nên có thể cho con những lời khuyên bổ ích. Song song đó, bạn bè, thầy cô luôn là những điểm tựa cho các em khi xác định hướng đi cho tương lai của mình. “Nếu các bạn còn đang phân vân chưa biết lựa chọn như thế nào là phù hợp với bản thân thì có thể tham khảo thêm các trang tuyển sinh hoặc nhờ các chuyên gia tư vấn xem ngành nào là phù hợp với khả năng và sở trường của bản thân, tránh thái độ “thi hùa” theo số đông, mà cần tỉnh táo lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân”- Ths. tâm lý Võ Thị Tường Vi cho biết.
Chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho kỳ vượt vũ môn càng sớm là một thuận lợi, đó là dịp để các bạn từ nhìn nhận lại bản thân xem mình cần gì và thiếu gì. Ths. tâm lý Võ Thị Tường Vi nhấn mạnh: “Còn đủ thời gian để cho các bạn rèn luyện, học tập để chọn ngành theo sở thích dựa trên năng lực sẽ ngày càng được bồi dưỡng của mình”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin