Chạm ngõ giảng đường

04:10, 19/10/2012

Tân sinh viên (SV) đang có chung niềm hân hoan, vui sướng là đã chạm tay đến ước mơ vào giảng đường đại học (ĐH), cao đẳng. Các bạn hãy “lên dây cót” tự tin, hào hứng để bắt nhịp với môi trường học tập và cuộc sống mới.

Tân sinh viên (SV) đang có chung niềm hân hoan, vui sướng là đã chạm tay đến ước mơ vào giảng đường đại học (ĐH), cao đẳng. Các bạn hãy “lên dây cót” tự tin, hào hứng để bắt nhịp với môi trường học tập và cuộc sống mới.

Háo hức trước nhiều điều mới lạ, những tân SV không khỏi có một thoáng lo âu, một chút bỡ ngỡ khi bước vào khung trời mới: ĐH. Mọi thứ đều phải do bản thân mình tự chủ động, tự quyết định. Do vậy, với những ai khó thích nghi thì không khỏi bỡ ngỡ (có khi là cú sốc) về môi trường sống.

Các tân SV không nên chủ quan, mất cảnh giác trước việc học ĐH, bởi học ĐH không bị gò bó như học phổ thông nên việc không ôn tập ngay sau khi lên lớp thường diễn ra đối với nhiều SV. Do vậy, gần tới kỳ thi, thì các SV thường hay làm bạn với trà đậm, cà phê để có thể thức suốt đêm trước mớ kiến thức khổng lồ để mong vượt qua kỳ thi với điểm 5 an toàn.


Những mùa hè tình nguyện giúp các bạn thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm sống sau này.


Phương pháp học ĐH chủ yếu là SV tự tìm hiểu, giảng viên chỉ có nhiệm vụ đưa ra những khung sườn cơ bản để giải quyết vấn đề. Vì thế việc học ĐH chính là một quá trình: tìm hiểu– nghe– tiếp thu và áp dụng. Các tân SV cần xác định tự học để tự chiếm lĩnh tri thức, mình đang tìm nghề tương lai và nghề này sẽ nuôi mình trong tương lai nên tri thức không chỉ tìm qua sách vở mà còn qua kỹ năng, học tập rất nhiều nơi chứ không chỉ gói gọn trên giảng đường. Do vậy, các tân SV hãy tạo cho mình thế chủ động trước môi trường học tập như tìm hiểu nơi ở, nơi học, chương trình học cũng như bạn bè và các địa điểm giải trí xung quanh là cách giúp các bạn giảm bớt lo lắng và tăng hiệu quả khi học tập.

Khi bước vào giảng đường, ngoài môi trường học tập mới thì các bạn sẽ có nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội, hoạt động ngoại khóa khác. Có khá nhiều nơi sẵn sàng hỗ trợ thông tin, phương pháp học tập cho các SV như phòng công tác SV của trường, Đoàn trường, diễn đàn SV, Hội đồng hương SV,…

Là SV Khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) bạn Quang Quý chia sẻ, với tính chất đặc thù của ngành học đòi hỏi sự năng động và tự học hỏi của SV nên chỉ học thôi là không đủ, các tân SV nên chuẩn bị tinh thần và cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường và khoa. Bên cạnh, môi trường ĐH (nhất là khoa Báo chí) còn mở ra cho chúng ta rất nhiều cánh cổng để có thể rèn luyện bản thân mình và tự tìm cho mình cơ hội cộng tác với các báo hoặc tham gia vào các CLB của khoa, của trường... để qua những bài viết có thể tập sự, làm quen với nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bạn có thể trực tiếp viết báo hoặc làm biên tập, hay đơn giản là thực hành cách lấy tin, lên ý tưởng một chương trình phát thanh... Những công việc này đòi hỏi sự nhạy bén, năng động và chịu khó của SV. Do vậy, để có thể đạt được những kế hoạch bản thân đặt ra, chúng ta cần “refresh” bản thân, tạo cho mình một tâm thế sẵn sàng xông pha mà không ngại khó khăn. Chỉ có như vậy, cơ hội mới không vuột mất khỏi tay bạn và bạn có thể chủ động hơn trong việc tìm hiểu và xây dựng “thương hiệu” cho chính mình đồng thời mở đường cho những bước đi sau này khi ra trường.

Với bạn Minh Tâm (SV năm 2 ĐH Y dược) thì bí quyết học của bạn đơn giản chỉ là: “Học ra học, chơi ra chơi, những gì không hiểu thì đặt câu hỏi với giảng viên, trau dồi với bạn bè và làm sao góp nhặt kiến thức càng nhiều càng tốt. Học một cách chủ động trong việc tiếp thu bài giảng, cố gắng nắm chắc kiến thức, tranh thủ làm bài tập ngay trên lớp để hiểu và nhớ lâu. Thời gian ở nhà dành cho việc tìm tòi và bổ sung những kiến thức mới”. Nhờ vậy mà năm học đầu tiên Tâm là SV có điểm trung bình môn 8.81, cao nhất lớp.

Minh Tâm tưởng mình vuột mất cơ hội là SV ngành Dược khi điểm thi của bạn đạt 25,5 điểm, thiếu 0,5 điểm (1 tháng sau, trường hạ điểm chuẩn 1 điểm). “Lúc đó mình bị tâm lý lắm, nên mình cố gắng học thật tốt để không thua bạn bè. Với lại cấp 3 được học bổng quen rồi nên mình thích ĐH cũng được luôn. May mắn mình có chị Hai đang học năm 4 cùng khoa nên mình được chị hướng dẫn phương pháp học”- Tâm chia sẻ.

Ông Nguyễn Đắc Vinh- Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng: “Việc nắm bắt được phương pháp học tốt ở bậc ĐH sẽ giống như việc bạn nắm trong tay chiếc chìa khóa thích hợp nhất để mở ra thành công trong chặng đường phía trước. Thành công sẽ thật sự đến với những bạn trẻ luôn chủ động sáng tạo, đam mê và dấn bước”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh