Cảm hứng dân gian

07:10, 24/10/2012

Khi giảng văn học dân gian nói về nội dung lao động, tôi dẫn chứng:

Khi giảng văn học dân gian nói về nội dung lao động, tôi dẫn chứng:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Rồi tôi giảng tiếp là có học sinh nọ lại hỏi thầy giáo rằng: “Chồng cày, vợ cấy, còn con trâu đi bừa với ai?” Thầy giáo đó mới trả lời:

Thằng Út thì bận hái dưa,

Có thằng con rể đi bừa với trâu.

Học sinh cất lời khen: “Ô, quá hay!”

Sang lớp khác, tôi giảng về việc giáo dục, rèn luyện nhân cách qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Thầy trò cùng khái quát nội dung của câu xong, dự định chuyển qua nội dung khác thì học sinh lại cắc cớ hỏi: “Vậy mực gần đèn thì sao thầy?”

Tôi nói câu này chắc phải nhờ cảm hứng của các em quá! Có em nào sáng tạo thêm hông?

Cả lớp không em nào giơ tay. Tình cờ câu trả lời thoáng qua trong đầu, tôi đọc luôn: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng – Mực gần đèn thì sáng sáng, đen đen”. Học sinh lại cười ồ lên khen, có em nói với nhau: “Vậy quá đúng rồi!”

Qua một lớp khác, tôi kể lại những sáng tạo trên và giảng tiếp về tình cảm gia đình trong văn học dân gian, tôi đọc “Chị ngã em nâng”. Thấy câu này có thể mở rộng được, tôi hỏi học trò: “Vậy còn em ngã thì sao?” Có một học sinh nhanh nhẹn giơ tay đọc tiếp: “Chị ngã em nâng– Em ngã thì chị ân cần hỏi han”. Cả lớp vỗ tay khen tinh thần của bạn mình. Tôi cũng khen và có cảm hứng nói tiếp: “Chị ngã em nâng – Em ngã chị cũng đỡ đần một tay!” Học trò khoái chí lại hỏi còn câu nào sáng tạo được nữa không thầy?”

Hy vọng với những “cảm hứng” như vậy, giờ học sẽ sinh động hơn và các trò dễ hiểu, dễ thuộc bài hơn vậy!

MAI VĂN SANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh