Cán bộ giáo dục “3 không”!

10:09, 12/09/2012

Họ là những giáo viên (GV) có bề dày kinh nghiệm, thành tích giảng dạy, từng là hiệu trưởng, hiệu phó các trường, được rút về các phòng GD-ĐT phụ trách chuyên môn và... trở thành những cán bộ “3 không”.


Cùng xuất phát từ nghiệp “đưa đò” nhưng giữa giáo viên và cán bộ, chuyên viên giáo dục lại có sự chênh lệch phụ cấp (ảnh minh họa).

Họ là những giáo viên (GV) có bề dày kinh nghiệm, thành tích giảng dạy, từng là hiệu trưởng, hiệu phó các trường, được rút về các phòng GD-ĐT phụ trách chuyên môn và... trở thành những cán bộ “3 không”.

Bỗng dưng… mất phụ cấp

Đối với không ít GV, cán bộ lãnh đạo trường, được chuyển về Phòng GD-ĐT huyện hoặc phòng ban của Sở GD-ĐT là một... “ác mộng”. Bởi, đang được hưởng đầy đủ các phụ cấp, khi được “chuyển về trên” thì công việc nhiều hơn nhưng thu nhập thì teo tóp lại.

Có một câu chuyện “cười ra nước mắt”: Một GV ở TP Vĩnh Long thường hay đến trường muộn. Trường đã nhắc nhở thậm chí khiển trách mà không thấy tiến bộ. Một hôm, có cán bộ phòng xuống và nói nhỏ với GV đó một câu nhưng từ đó về sau GV ấy tiến bộ rõ rệt. Ai cũng khâm phục, hỏi đã nói gì mà tác dụng lớn đến vậy, anh cán bộ phòng cười thuật lại câu nói “thiêng”: “Anh mà còn vi phạm tôi… đưa về phòng!”

Bà Nguyễn Thị Thu Vân- Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long cho biết: “Những GV có thành tích tốt trong công tác, là cán bộ trường mới được về phòng, sở làm chuyên viên cho nên ai cũng có thâm niên kha khá”. Riêng cô, 34 năm gắn bó nghề là 28 năm cô Vân dạy học ở Trường THCS Nguyễn Trường Tộ và 6 năm về làm phó phòng.

Cô Vân nói: “Về đây, cô bỗng dưng “mất” 28 năm thâm niên tương đương với 28% lương”. Cô Vân cũng cho biết ở phòng hiện có đến 17 cán bộ, trong khi chỉ có 6 người được hưởng phụ cấp công vụ.

Tại các phòng giáo dục khác cũng tương tự. Công tác ở Phòng GD-ĐT Vũng Liêm ngót 20 năm, một chuyên viên phụ trách tiểu học nói, “so với lương hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, chúng tôi làm sao sánh nổi”. Lương của lãnh đạo các trường hầu hết hơn gần gấp đôi. Từng là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình), cô Trương Ngọc Thủy về công tác tại Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long và bỗng dưng... mất luôn 3 loại phụ cấp. Không còn phụ cấp chức vụ, không phụ cấp đứng lớp và mất luôn 20 năm thâm niên. “Lương của cô bây giờ và lương của nhỏ cháu mới ra trường đi dạy tương đương nhau đó”– cô nói đùa nhưng có vẻ chua chát.

Cầm một bảng lương để thử so sánh, các GV đang cùng hưởng hệ số lương 3,66 bằng với hệ số một chuyên viên phòng thì mức lương GV cao hơn chuyên viên gần gấp đôi.

“Đắng lòng”...

Thầy Trương Thành Công- chuyên viên Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long có được mảnh đất nền hơn 60m2 tích góp mua từ lúc làm GV đến nay vẫn xanh um cỏ. Thầy Công nói: “Hồi trước làm GV, vợ chồng mua được miếng đất, nay về phòng công tác đã 6 năm vẫn chưa để được đồng nào cất nhà”.

Nói về tháng lương đầu tiên khi về công tác ở phòng, có cán bộ còn tưởng là... “kế toán chuyển nhầm” nên không khỏi… bần thần “người ta làm lương ngày càng lên, mình làm lương ngày càng xuống”. Có một GV ra trường cùng năm với bà xã, sau đó anh được chuyển về phòng. Nay thì lương bà xã GV đã ngót nghét hơn 5 triệu, lương anh vẫn chưa đầy
3,5 triệu.

Khá nhiều cán bộ là chuyên viên các phòng GD-ĐT trong tỉnh vẫn mang cảm giác “bất an, thua thiệt” so với đồng nghiệp mình. Bởi trong khi các GV có các khoản phụ cấp thì đa phần họ lại không có. Lãnh đạo các phòng GD-ĐT cho biết, họ chỉ mong sao các chuyên viên cũng có được khoản phụ cấp thâm niên và công vụ để đời sống đỡ vất vả hơn.

Nói như bà Nguyễn Thị Kha- Trưởng Phòng GD-ĐT Vũng Liêm: “Làm sao cho các cán bộ phụ trách chuyên môn ở phòng có phụ cấp và phụ cấp thâm niên thời gian họ đứng lớp là tốt rồi. Bởi trước khi về phòng công tác, họ cũng đã từng đứng lớp giảng dạy nhiều năm, mà nay lại không có thì thiệt thòi quá”.

Hy vọng tâm tư của những cán bộ “3 không” của ngành GD-ĐT sẽ được thấu hiểu và quan tâm để họ yên tâm công tác.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN – MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh