Vững vàng trước cú vấp thi trượt

01:08, 03/08/2012

Các trường đại học (ĐH) đã công bố kết quả tuyển sinh và sẽ có nhiều bạn trẻ khép lại giấc mơ vào giảng đường. ĐH là mơ ước của nhiều bạn trẻ, song có nhiều con đường khác vẫn mở ra cơ hội, niềm vui, thách thức để bạn trẻ khám phá.


Khi cánh cổng ĐH khép lại thì vẫn còn nhiều cánh cổng cao đẳng, trường nghề mở ra cơ hội mới cho bạn trẻ khám phá.

Các trường đại học (ĐH) đã công bố kết quả tuyển sinh và sẽ có nhiều bạn trẻ khép lại giấc mơ vào giảng đường. ĐH là mơ ước của nhiều bạn trẻ, song có nhiều con đường khác vẫn mở ra cơ hội, niềm vui, thách thức để bạn trẻ khám phá.

Khi con đường đến khung trời ĐH của hàng ngàn bạn trẻ khép lại thì nhiều vấn đề được đặt ra: các bạn cứ bị ám ảnh về kết quả thi, nghĩ rằng mình thi rớt sẽ khiến mọi người thất vọng; bản thân không bằng bạn bè. Mình sẽ làm gì trước bước ngoặt cuộc đời đây? Không ít bạn trẻ lại rơi vào một hệ lụy tâm lý giống nhau: trầm cảm. Nhưng rớt ĐH không có nghĩa là bạn thất bại. Thất bại chỉ dành cho những ai không dám chấp nhận sự thật và không biết tự vượt qua khó khăn. Rớt ĐH giúp bạn đi chậm lại một chút để có thời gian suy nghĩ kỹ hơn về con đường mình đang đi. Các bạn nên tin rằng, nếu kết quả ĐH không mỉm cười với bạn, thì bạn hãy nghĩ rằng mình đã có thêm cơ hội để thử sức trên những con đường đang chờ đón mình.

“Qua khoảng thời gian có những cảm xúc tiêu cực vì thi ĐH chỉ được 9 điểm, mình buồn, tự nhốt mình trong phòng. Nhưng mình suy nghĩ, do chưa chuyên tâm lắm đến việc ôn thi nên mình xin ba mẹ cho phép ôn thi lại để thi vào ĐH Trà Vinh. Nhất định năm sau mình sẽ thành công”- bạn Hoài Ân cho biết. Bạn Thảo Chi thì nói rằng sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn sau khi vuột mất cơ hội là sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh): “Từ nhỏ em đã thích nghề du lịch rồi nên em quyết thi đậu vào trường chính quy có đào tạo nghề này. Vậy mà… không đạt, em học cao đẳng có điều kiện sẽ liên thông lên ĐH. Dù học cấp nào đi nữa miễn là học được ngành mình yêu thích”.

Song, không ít bạn trẻ sau khi rớt nguyện vọng 1 rồi lại “nhắm mắt đưa chân” chọn đại cho mình nguyện vọng 2 vào trường ĐH nào đó để được học ĐH. Nếu vậy, các bạn phải lựa chọn cho thật kỹ nguyện vọng của mình, đừng bỏ lỡ cơ hội ban đầu lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội tiếp theo khi học ngành mình không thích. Bạn Nghi Xuân tâm sự: “Tôi thi rớt bác sĩ, nên chọn nguyện vọng 2 ngành sinh học. Nhưng chưa hết nửa học kỳ tôi cảm nhận ngành này và kể cả nghề bác sĩ cũng không phù hợp với mình, lúc đó môi trường năng động của kinh tế cứ thu hút tôi. Tôi quyết định nghỉ học để luyện thi lại ĐH và năm đó tôi đậu ngành tài chính- ngân hàng của ĐH Kinh tế. Và giờ khi đã là nhân viên tín dụng, tôi thấy quyết định của mình là đúng”.

Nhiều bạn đã biết chủ động khi đối mặt với “sự thất bại… tạm thời” của mình; chủ động lựa chọn trường để xét tuyển, chọn hướng đi mình yêu thích thay vì chán nản hay phó mặc mọi chuyện cho gia đình lo liệu. Bạn Khánh cho rằng: “Cuộc đời ta phải do ta quyết định bởi chỉ có bản thân ta mới biết mình thực sự đam mê gì, mình muốn gì và mình sẽ làm được những gì trên con đường của riêng mình?”. Khánh đưa ra những câu hỏi và tự mình đi tìm những câu trả lời đó bởi bạn cũng đã vuột mất giấc mơ học ngành báo chí của mình. “Điểm thi ĐH của mình lúc đó có thể đậu vào những ngành khác cùng trường nhưng mình vẫn thích học PR hơn và quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành PR của ĐH Văn Lang. Càng học càng bị “mê hoặc” bởi cái nghề năng động và sáng tạo này, nên mình tin rằng mình sẽ thành công”.

Trước vấp ngã đầu đời của các bạn trẻ, các bạn luôn cần sự đồng hành ấm áp yêu thương của những người thân yêu. Cô Nguyễn Tuyết (Phường 4- TP Vĩnh Long) tâm sự: “Con mình thi rớt đã buồn rồi, mình làm cha làm mẹ mình phải động viên an ủi con cố gắng lần sau. Cô cũng chỉ cho con thấy là kết quả thi đã phản ánh được là con đã không chú tâm ôn tập thi. Hôm ra nhà sách, cô mua tặng thằng bé cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” để con học tập tấm gương trong sách”. Còn bạn Thảo Vy tâm sự: “Mình rớt ĐH, mẹ luôn là người bạn thân thiết bên cạnh để chia sẻ, động viên mình vượt qua cú sốc đầu đời này. Chiều tan sở, hai mẹ con mình thả bộ quảng trường, mẹ lắng nghe những ước mơ của mình. Mẹ nói, mình hãy tự tin thực hiện ước mơ, mẹ sẽ đứng bên cạnh và ủng hộ mình”.

Nếu chúng ta lạc quan, tự tin hơn trong mọi lựa chọn của mình trước ngả rẽ đầu tiên là không đậu ĐH thì phía trước con đường dẫn đến thành công vẫn đang vẫy gọi chúng ta. Nói như ông Trần Đăng Khoa- Chủ tịch Công ty TGM- Tôi Tài Giỏi: “Một chút sức ép luôn là một nguồn động lực tốt để thí sinh cố gắng. Nhưng quá nhiều sức ép thì lại gây ra những căng thẳng không cần thiết. Do đó, thí sinh không nên vì kết quả thi ĐH không đạt yêu cầu mà đâm ra quá căng thẳng, bởi ngoài con đường ĐH thì cơ hội lập nghiệp vẫn còn rất nhiều”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh