Đề án Vĩnh Long 100 đã đạt được những kết quả phấn khởi sau 6 năm triển khai, giai đoạn 1 (2006- 2012). Dù chưa cán mốc 100 ứng viên (ƯV) đào tạo nước ngoài theo dự kiến ban đầu và phải kéo dài thêm thời gian nhưng Vĩnh Long đã có kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Nhiều ý kiến của thành viên ban điều hành đề án, cơ sở giáo dục, cơ quan đơn vị có liên quan được nêu ra, nhằm
Ngày 5/8, Ban điều hành Đề án Vĩnh Long 100 sơ kết giai đoạn 1, triển khai giai đoạn 2.
Đề án Vĩnh Long 100 đã đạt được những kết quả phấn khởi sau 6 năm triển khai, giai đoạn 1 (2006- 2012). Dù chưa cán mốc 100 ứng viên (ƯV) đào tạo nước ngoài theo dự kiến ban đầu và phải kéo dài thêm thời gian nhưng Vĩnh Long đã có kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Nhiều ý kiến của thành viên ban điều hành đề án, cơ sở giáo dục, cơ quan đơn vị có liên quan được nêu ra, nhằm tìm hướng thực hiện tốt nhất trong giai đoạn 2 (2012- 2020).
Cân đối trình độ đào tạo ứng viên
Chính thức triển khai tháng 8/2006, Đề án Vĩnh Long 100 qua 6 năm đã tuyển được 60 ƯV chính thức, trong đó gồm đã đi đào tạo xong về nước, đang học, xúc tiến đi học và tạo nguồn Anh văn. Đến tháng 5/2012, đã có 12 ƯV về địa phương và tất cả được phân công công tác đúng chuyên môn, bước đầu khai thác được trình độ năng lực. Tuy nhiên, chỉ mới có 2 ƯV tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây cũng là điều băn khoăn của ban điều hành đề án. “Số lượng ƯV tham gia đào tạo tiến sĩ quá ít. Giai đoạn 1 đã kết thúc, nay tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 nên ưu tiên đào tạo ƯV trình độ tiến sĩ”- ông Lê Phúc Lợi- Giám đốc Sở Nội vụ nêu.
Ở giai đoạn tiếp theo này, theo ông Hà Văn Sơn- Giám đốc Sở Khoa học– Công nghệ, ban điều hành cũng nên có chỉ tiêu, cơ cấu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đến 2020 căn cứ vào nhu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời, môi trường công tác để đội ngũ nhân lực này phát huy khả năng cũng là quan trọng.
Văn phòng Mekong 1.000 vẫn là đơn vị hỗ trợ Đề án Vĩnh Long 100 trong quan hệ, xúc tiến đưa ƯV đi học. PGS.TS Lê Quang Minh- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia tư vấn trong đào tạo, sử dụng ƯV. Theo Ban điều hành đề án, hết năm nay sẽ có 13 ƯV học xong tiếp tục về nước, nâng tổng cộng số ƯV về tỉnh là 25. Tháng 1/2013 cũng là thời điểm bắt đầu tuyển 50 chỉ tiêu đào tạo giai đoạn 2 (2012- 2020).
|
Ông Lê Thanh Tuấn- Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đề xuất, nên chăng ở giai đoạn 2, đề án cần khuyến khích các ƯV đã hoàn thành đào tạo thạc sĩ nước ngoài rồi, nếu có thể, sẽ tham gia nghiên cứu lên trình độ tiến sĩ vì đây là đội ngũ đã có kinh nghiệm trong quá trình đào tạo trước. Theo ông Tuấn, giai đoạn 2, đề án có thể xem xét “thúc” vào những ngành có liên quan trực tiếp và cần thiết đến quy hoạch nhân lực và sự phát triển của tỉnh như: quy hoạch đô thị, y tế, môi trường,...
“Mở” hơn trong đào tạo và sử dụng
Ở góc độ sử dụng, ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh nêu ý kiến, có thể ban điều hành đề án quan tâm đến xác định đối tượng ƯV và cơ chế để ƯV nào học xong thì sẽ định hướng đào tạo chính trị để phát triển theo hướng quản lý, ƯV nào sẽ phát triển theo hướng nghiên cứu khoa học và đảm nhận công tác đào tạo cho khoa học- kỹ thuật tỉnh nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban điều hành Đề án Vĩnh Long 100, đề án tiếp tục sẽ cân đối, tính toán ngay từ khâu tuyển ƯV đến quan tâm theo sát quá trình học tập nước ngoài, phân công công tác ƯV sau khi đào tạo xong. Ông cũng đánh giá, giai đoạn 1 của đề án với 12 ƯV về địa phương nhận công tác đã phát huy tốt năng lực trình độ chuyên môn, tư cách tác phong tốt, thích nghi nhanh với môi trường nhiệm vụ mới và luôn làm việc trên tinh thần cống hiến...
Theo PGS.TS Lê Việt Dũng- Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế (Trường ĐH Cần Thơ), đơn vị phụ trách Mekong 1.000, Vĩnh Long là địa phương thực hiện đề án rất hiệu quả, chặt chẽ, đứng trong top 3, top 4 ở ĐBSCL. Trong ảnh: Các ƯV của Đề án Mekong 1.000.
Ông Nguyễn Quang Sang- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long cho rằng, giai đoạn tới, đề án nên “mở” thoáng cho các trường có điều kiện tham gia. Theo ông, hướng phát triển trường nói riêng và của giáo dục ĐH tỉnh Vĩnh Long nói chung, nguồn nhân lực bậc cao này là rất cần thiết để phục vụ đào tạo, nghiên cứu...
Cũng ở góc độ này, ông Nguyễn Văn Chiếu- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đặt câu hỏi, trường vẫn có nguồn ƯV để tham gia đề án, nhưng sau khi hoàn thành đào tạo, nguồn nhân lực ấy sẽ tham gia vào việc phát triển trường hay phục vụ công tác trong cơ quan nhà nước? Về vấn đề này, ban điều hành đề án cho biết, cũng đã tính tới các phương án, có thể phục vụ trường hoặc các cơ quan nhà nước, miễn sao khai thác và phát huy được hết trình độ năng lực và cống hiến của ƯV. Ban điều hành Đề án Vĩnh Long 100 hứa hẹn ở giai đoạn tiếp theo sẽ nhận được sự tin tưởng, cổ vũ cao hơn của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần để đề án hoàn thành đạt chỉ tiêu, tiến độ đề ra.
Theo Thông báo số 63-TB/TU ngày 29/6/2011 của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Đề án Vĩnh Long 100 giai đoạn 2 sẽ chuyển giao Thường trực Ban điều hành về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trước đó giai đoạn 1, đảm trách vai trò này là Sở GD-ĐT Vĩnh Long. Đề án thống nhất chuyển giao cơ quan thường trực này vào đầu tháng 9/2012. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin