Tham gia cuộc thi do Thanh tra chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức về “Sáng kiến phòng chống tham nhũng”, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã thực hiện đề án P06 với tên gọi “Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học”. Chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện, đề án đã thực sự có hiệu quả, góp phần hình thành tính minh bạch cho học sinh từ cấp tiểu học.
Đại diện Sở GD- ĐT Vĩnh Long (thứ 2 từ trái sang) nhận giải tại cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng.
Tham gia cuộc thi do Thanh tra chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức về “Sáng kiến phòng chống tham nhũng”, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã thực hiện đề án P06 với tên gọi “Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học”. Chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện, đề án đã thực sự có hiệu quả, góp phần hình thành tính minh bạch cho học sinh từ cấp tiểu học.
Hình thành tính minh bạch
Đề án P06 áp dụng trên đối tượng là HS tiểu học (TH), nghĩa là đã chọn cách “dạy con từ thuở còn thơ”, thông qua những cách thực hiện sinh động, nhẹ nhàng mà thấm sâu như: Bảng “Thông tin điều em muốn nói”, siêu thị tuổi thơ, hộp thư “Em muốn gì ở người lớn”. Có 8 trường TH tham gia đề án: TH Thiềng Đức (TP Vĩnh Long), TH Phước Hậu B (Long Hồ), TH An Phước A (Mang Thít), TH thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm), TH Bình Ninh A (Tam Bình), TH thị trấn Cái Vồn (Bình Minh), TH Tân Quới A (Bình Tân), TH thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn). Để ý tưởng được thành hiện thực, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tài trợ gần 170 triệu đồng thực hiện trong vòng 12 tháng của năm 2012.
Bảng thông tin “Điều em muốn nói” là nơi để các em phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình đối với nhà trường, bạn bè. Các em có thể viết yêu cầu hoặc vẽ tranh biếm họa… đều được. Nhiều ý kiến tuy nhỏ nhưng hay được ghi nhận và tiếp thu: Đề nghị nhà trường để xà bông cho các em rửa tay sau khi đi vệ sinh hay em thấy cái bàn, cái ghế không phù hợp,… Kết quả là sau 6 tháng, có 372 ý kiến HS ghi vào bảng và gần 2.000 lượt HS đến xem bảng. Thầy Trần Hoàng Túy- tác giả đề án cho rằng: “Qua đó, các em có thể nói những gì mình nghe, mình thấy dù rất nhỏ, để hình thành tính thẳng thắn, trung thực cho các em”. Ngoài HS và giáo viên, nhiều phụ huynh cũng đến xem con em mình viết gì để kịp thời lắng nghe.
Cũng như bảng “Điều em muốn nói”, hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn” đã nhận được sự quan tâm của nhiều em HS. Nho nhỏ như là em muốn mẹ rước sớm hơn để em khỏi phải chờ hay ước gì giờ ra chơi dài thêm một tí,… những mong muốn dễ thương mà các em không đủ can đảm để nói trực tiếp thì giờ có thể viết thư, viết lên bảng thông tin mà không cần để họ tên của mình. Kết quả là 8 trường thực hiện đề án đã nhận hơn 1.900 ý kiến đóng góp giáo viên, nhân viên trong trường, đóng góp cho bạn bè, gia đình,…
Và cả tính trung thực cho học sinh
Đến “siêu thị tuổi thơ” của các trường để xem HS tiểu học đi siêu thị rộn ràng, nhộn nhịp. Siêu thị Trường TH Thiềng Đức gọn gàng và bắt mắt, thầy Võ Phước Thọ- Hiệu trưởng cho biết: “Trường làm siêu thị tuổi thơ hơn 10 năm nay, nên khi thực hiện đề án P06 có lợi thế hơn một số trường khác.” Khi đến mua sắm tại đây, HS sẽ đổi tiền thành phiếu và dùng phiếu mua hàng. Các mặt hàng được niêm yết giá để các em dễ lựa chọn và các em tự trả tiền bằng cách bỏ phiếu vào thùng. Cách làm này nhằm giáo dục tính trung thực cho HS biết “chọn hàng đúng giá”. Cô Bùi Thị Trang- Tổng phụ trách đội Trường TH Thiềng Đức chia sẻ chút kinh nghiệm quản lý siêu thị: “Chọn các em khỏe mạnh, trung thực thành lập một nhóm trực luân phiên tại siêu thị tuổi thơ vào mỗi giờ chơi để các em cùng tham gia quản lý”. Những lời nhắc nhở, động viên, khuyên răn sẽ được dành cho những HS thiếu trung thực để các em nhận biết được lỗi của mình và sống tốt hơn. Nhiều hiệu trưởng của các trường TH tham gia đề án cũng cho rằng HS và phụ huynh rất đồng tình với hoạt động này.
Nhiều HS tham gia góp ý kiến vào bảng “Điều em muốn nói”. Ảnh: Trần Hoàng Túy (TP Vĩnh Long)
Thầy Trần Hoàng Túy nói về hoạt động tiếp theo của đề án trong thời gian còn lại: Các trường sẽ tiếp tục viết các mẩu chuyện về tính minh bạch, dựng tiểu phẩm về tính chịu trách nhiệm cho HS. Đồng thời kết hợp với làm báo tường, báo ảnh về tính minh bạch. Tạo một môi trường thích hợp, lành mạnh là mục tiêu của đền án. Ông Lưu Thành Công- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho rằng: “Đề án P06 cần được nhân rộng ra toàn tỉnh để rèn luyện lối sống cho HS. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường khuyến khích hướng dẫn các em tự do thể hiện ý kiến của mình”.
Năm 2011, Thanh tra chính phủ và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng. Có 160 đề án gửi về. 60 đề án lọt vào chung khảo. Kết quả có 34 sáng kiến xuất sắc được trao giải và tài trợ kinh phí thực hiện. Đề án P06 “Hình thành tính minh bạch cho HS TH” của Sở GD- ĐT Vĩnh Long là một trong 7 đề án đầu tiên được chọn. |
CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin